Những khoảng trống khó hiểu

Chạy theo và xử lý tình huống dường như đã trở thành một… tiền lệ của cơ quan chức năng trong rất nhiều vụ việc nghiêm trọng liên quan đến những bảo vật quốc gia vô giá.

Hẳn rất nhiều người còn chưa quên vụ việc diễn ra hơn hai năm trước, liên quan Bảo vật quốc gia-bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí. Sự tùy tiện trong quá trình tu sửa đã làm hư hại đến mức không thể phục hồi nguyên trạng tác phẩm mỹ thuật nổi tiếng, đã được Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia từ năm 2013. Vấn đề đáng nói là, chỉ khi vụ việc được dư luận phát hiện, cơ quan chức năng vào cuộc xác định mức độ thiệt hại và rà soát lại quy trình dẫn đến sai phạm, thì tất cả mới té ngửa ra rằng: cho đến lúc đó-tháng 5/2019, tức là tám năm sau khi Thông tư quy định trình tự, thủ tục đề nghị công nhận bảo vật quốc gia chính thức có hiệu lực, từ ngày 1/3/2011, vẫn chưa có một quy định cụ thể nào về quy trình và nguyên tắc nguồn lực để bảo vệ các di sản vô giá này.

Sự mất mát không thể vãn hồi của Vườn xuân Trung Nam Bắc, đáng buồn, vẫn không được xem là hồi chuông gắt cảnh tỉnh đối với việc bảo vệ và ứng xử với các bảo vật văn hóa của quốc gia khác, nên chúng ta tiếp tục phải chứng kiến những lỗ hổng lớn trong quy trình bảo vệ các bảo vật quốc gia, mà điển hình là vụ việc về bản quyền đối với tác phẩm Tiến quân ca-Quốc ca-của nhạc sĩ Văn Cao đang làm tổn thương niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam. 11 năm trước, ngày 21/6/2010, gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã gửi bức thư ngỏ tới Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hiến tặng quyền tác giả đối với tác phẩm này "cho công chúng, Đảng, Quốc hội và Nhà nước". Vậy nhưng, sau sự ghi nhận và tôn vinh việc làm rất đáng trân trọng đó, lại hầu như không có động thái đáng kể nào của các cơ quan chức năng để bảo vệ tác phẩm đặc biệt này. Cũng vì tính chất đặc biệt của tác phẩm, nên rất ít nghệ sĩ dám thử sức làm mới Tiến quân ca. Trong khi, cơ quan chức năng, có lẽ cũng bởi tính chất đặc biệt của tác phẩm, nên dường như đã không dành sự quan tâm thích đáng cho việc bảo vệ và phổ biến tác phẩm đặc biệt này. Cho đến khi những ồn ào quanh câu chuyện tác quyền bản ghi âm trên mạng làm dư luận chú ý và… giật mình.

Không bao giờ là muộn, nhưng cũng thật sự không sớm nữa, việc rà soát lại các quy định cũng như hoạch định chiến lược bảo vệ và quảng bá các bảo vật quốc gia cần được đặt đúng vị trí và tầm mức, nhất là trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay.