Những câu chuyện “ảo”

Ba ứng dụng mới trên nền tảng công nghệ hiện đại vừa được Bảo tàng Lịch sử quốc gia cùng lúc đưa ra, mang đến cho công chúng yêu di sản sự bất ngờ thú vị. Trong bối cảnh các bảo tàng tê liệt hoạt động vì Covid-19, công nghệ thực tế ảo chính là cánh cửa để công chúng tiếp cận, khám phá lịch sử dân tộc.

Giao diện chính của Trưng bày 3D Bảo vật quốc gia.
Giao diện chính của Trưng bày 3D Bảo vật quốc gia.

Câu chuyện hấp dẫn trên không gian ảo

Ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D trong giới thiệu trưng bày được Bảo tàng thực hiện từ khá sớm. TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, năm 2013, công chúng đã được chiêm ngưỡng một số bảo vật, hiện vật giá trị qua trưng bày chuyên đề Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, Đèn cổ Việt Nam cùng một vài thử nghiệm số khác. Thế nhưng, việc chuyển tải giá trị của hiện vật tới công chúng vẫn gặp phải nhiều hạn chế. Người xem không thể quan sát kỹ hoa văn, đường nét, hình khối, thu nhận tích hợp thông tin về hiện vật chưa phong phú.

Thời gian đại dịch tạo khoảng lắng thúc đẩy bảo tàng tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp các ứng dụng 3D trong hoạt động trưng bày. 20 Bảo vật quốc gia được lưu giữ tại bảo tàng lần đầu được người xem chiêm ngưỡng và khám phá theo cách mà bấy lâu nay họ chưa từng trải nghiệm. Theo các chuyên gia thực hiện lộ trình chuyển đổi số của bảo tàng, giờ đây, chỉ cần một cú nhấp chuột vào đường link: https://baovatquocgia.baotangso.com, du khách lập tức có cơ hội bước vào không gian trưng bày tương tác ảo 3D chuyên đề Bảo vật quốc gia.

Mỗi bảo vật là một di sản chứa đựng những thông điệp của quá khứ, tinh hoa của nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng, giàu bản sắc. Trong không gian tương tác ảo, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những hình ảnh từ nhiều góc độ của các hiện vật: Trống đồng Ngọc Lũ, Mộ thuyền Việt Khê, Tượng hai người cõng nhau thổi khèn, Bia Võ Cạnh, Bình hoa lam vẽ Thiên nga, Bia điện Nam Giao, Ấn Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi bảo, Trống Cảnh Thịnh, Kim sách đế hệ thi, cuốn “Đường Kách Mệnh”, tác phẩm “Nhật ký trong tù”, Bản thảo “Lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh”…

Phục vụ nhu cầu nghiên cứu, các chi tiết quan trọng trên hiện vật cũng được đánh số theo thứ tự, qua đó du khách và các nhà nghiên cứu có thể dừng lại để ngắm và tìm hiểu. Hoặc, trong sưu tập gốm phát hiện ở tàu đắm Cù Lao Chàm, bảo vật quốc gia Bình gốm hoa lam vẽ thiên nga (Thời Lê sơ, thế kỷ 15) là hiện vật độc bản, có kích thước lớn nhất và đề tài trang trí đẹp, sinh động. Tương tác ảo 3D giúp công chúng được chiêm ngưỡng những hoa văn đặc biệt trên bảo vật như băng cúc dây, băng cánh sen trong lòng cuộn vân mây cách điệu… cùng câu chuyện hấp dẫn kể về hành trình đưa hiện vật từ con tàu đắm cổ đến với bảo tàng.

Để không bị lãng quên

Anh Đặng Phan Điệp, đại diện Công ty Vietsoft pro, đơn vị phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong việc thiết kế, sử dụng các tính năng công nghệ cho biết, điều đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ trong trưng bày di sản như cách mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang thực hiện đã xóa nhòa những khoảng cách về không gian mà ngay cả quan sát trực tiếp cũng chưa chắc đã nắm bắt được hết.

Chuyên gia này chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ để đưa mỗi bảo vật lên không gian mạng là một bài toán khác nhau, bởi tính chất và đặc thù của hiện vật. Mỗi bảo vật ở đây được sử dụng công nghệ Scent lazer để khách tham quan khi truy cập vào trang bảo tàng có thể tìm hiểu về bảo vật, hình thức, hoa văn, chất liệu, hình ảnh hiện vật. Ngoài hình ảnh còn có hướng dẫn viên mô tả và giải thích từng nội dung, hoa văn, ý nghĩa của hiện vật. Công nghệ được ứng dụng cũng giúp các chuyên gia của bảo tàng có thể mô tả, giải thích, tương tác trực quan trên không gian 3D.

Trước mắt, những trưng bày giá trị như tương tác ảo 3D Bảo vật quốc gia sẽ “chiêu đãi” miễn phí cho khách tham quan. Tuy nhiên, về lâu dài, các chuyên gia di sản cũng đặt vấn đề cần tính toán việc thu phí. Bởi, chuyển đổi số không chỉ là bài toán tình thế mà cần nhìn nhận như một xu thế tất yếu.

Nỗ lực vượt khó của những người làm bảo tàng thời gian này thật đáng trân trọng. Tourday vốn là hoạt động tham quan bảo tàng miễn phí, duy trì từ năm 2017 do CLB Tình nguyện viên của Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện. Việc buộc phải đứt đoạn do đại dịch bùng phát từ năm 2020 đã khiến những người thực hiện nảy ý tưởng cho ra đời tour tham quan bảo tàng trực tuyến miễn phí (Tourday online).

Cùng với đó là ứng dụng công nghệ Giờ học lịch sử online. Đây là hai ứng dụng đã nhận được hiệu ứng tích cực từ công chúng khi thử nghiệm. TS Nguyễn Văn Đoàn cho biết, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện, bổ sung tư liệu làm phong phú hơn cho ba nội dung ứng dụng công nghệ nói trên, bảo tàng sẽ tiếp tục phối hợp các nhà khoa học, chuyên gia và trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá nhu cầu của khách tham quan để xây dựng bổ sung các sản phẩm chuyển đổi số mới. Trước mắt, có thể là giới thiệu hệ thống thuyết minh tự động và những clip giới thiệu về các chuyên đề chuyên sâu.

Mộc Anh