Nhiếp ảnh gia Hà Ðào: Nếu có thể mơ mộng…

Khởi sự từ năm 2016 ở định dạng một không gian trực tuyến: một tạp chí chuyên sâu về các vấn đề chuyên môn của lĩnh vực từ trong nước đến khu vực và thế giới, matca là một không gian nhiếp ảnh đương đại độc lập, đi vào hoạt động từ tháng 4/2019 với nhiều triển lãm, trưng bày sách ảnh trong và ngoài nước, các cuộc thảo luận nghệ thuật, và dần trở nên quen thuộc với người trẻ yêu nghệ thuật đương đại. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhiếp ảnh gia Hà Ðào (ảnh nhỏ), điều phối chương trình hoạt động của matca nhân điểm mốc 5 năm đầu tiên của địa chỉ nghệ thuật độc lập này.

Khán giả của Matca phần lớn là người trẻ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Khán giả của Matca phần lớn là người trẻ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sáng tạo là một đặc quyền

- Nhìn lại một chút, chị có thể đưa ra một vài thống kê về tương tác của công chúng với Matca?

- Tổng lượt theo dõi trên mạng xã hội của Matca là khoảng hơn 20 nghìn người, con số không thể gọi là ấn tượng nhưng cũng đã vượt ngoài mong đợi của chúng tôi về một dự án độc lập có mối quan tâm chuyên sâu đến một lĩnh vực vốn vẫn là hẹp ở Việt Nam.

Theo quan sát của tôi, khán giả của Matca phần lớn là người trẻ quan tâm đến nhiếp ảnh, nhưng cũng có nhiều đồng nghiệp như nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ, nhà báo, biên tập viên nhà xuất bản, giám đốc các festival nhiếp ảnh đương đại quốc tế. Tôi nghĩ đơn giản rằng, nhu cầu tìm hiểu và thảo luận về những khía cạnh đa dạng của nhiếp ảnh vẫn luôn tồn tại, và ở Việt Nam hiện nay, Matca là một trong số ít những nền tảng chuyên sâu cho việc đó.

- Về "mục tiêu thúc đẩy vai trò của nhiếp ảnh như một loại hình nghệ thuật thị giác của Matca", chị có thể giải thích cụ thể thêm? Nhìn lại 5 năm qua, chị có thể nói gì về các bước tiến tới mục tiêu này?

- Tôi hiểu thuật ngữ nghệ thuật thị giác ở đây theo nghĩa rộng nhất của nó. Khi hình ảnh chuyên chở tư tưởng riêng của tác giả thì sẽ nghiễm nhiên được coi là tác phẩm nghệ thuật thị giác, bất kể "thể loại", dù là ảnh thời trang, tư liệu hay tĩnh vật, là dự án cá nhân hay được đặt hàng..., những ranh giới phân biệt ngày càng mờ nhòe nhưng cứ tạm thí dụ như vậy (cười). Nếu chúng ta gỡ một phương tiện khỏi những nhãn dán về thể loại, hay cụ thể trong trường hợp của nhiếp ảnh là trọng trách truyền tải sự thật, thì rất nhiều khả năng sẽ được mở ra, cả trong việc sáng tác lẫn cảm nhận tác phẩm.

Sau tất cả các hoạt động của Matca tại các không gian trực tuyến cũng như vật lý, tôi cho rằng thành tựu lớn nhất của Matca là việc những cây viết và nghệ sĩ cộng tác với chúng tôi không phải thỏa hiệp vì bất cứ lý do gì; chúng tôi cam kết bảo vệ sự độc lập trong tiếng nói sáng tạo. Tôi biết ơn Linh Phạm, người đã dành vô kể tài sản và trí lực để xây dựng Matca theo định hướng này mà không nhận ánh hào quang về phía mình.

- À vâng, tôi biết Matca được vận hành chủ yếu nhờ vào "tiền túi" của các sáng lập viên và cùng nỗ lực tìm kiếm các tài trợ trong và ngoài nước cho từng dự án. Ðó thật sự là khó khăn chung của hầu hết các không gian tương tự như Matca. Các anh, chị đã làm những gì để dần vượt qua và nuôi giữ hy vọng cho ít nhất là 5 năm tới?

- Khó khăn của Matca cũng tương tự như của những không gian nghệ thuật độc lập khác tại Việt Nam hay rộng hơn là khu vực Ðông Nam Á, nơi tài trợ công và cơ sở hạ tầng cho nghệ thuật còn thiếu hụt. Nhưng đổi lại, chúng tôi hiểu rõ việc được chú tâm theo đuổi công việc sáng tạo là một đặc quyền. Vì vậy, cố gắng tiếp tục là liệu pháp khả thi duy nhất bởi chúng tôi luôn mong muốn mình sẽ đi được con đường dài.

Nếu có thể mơ mộng thì tôi sẽ mơ rằng cơ sở hạ tầng cho nghệ thuật được củng cố hơn, thế hệ nghệ sĩ tiếp nối sẽ táo bạo và quyết liệt hơn, nhiều nhà sưu tập tầm cỡ, có thẩm mỹ sẽ xuất hiện. Nhưng hình như đây cũng chính là mơ mộng của thế hệ đi trước tôi 20 năm.

Thử nghiệm và thử nghiệm

- Gần đây, trưng bày sách ảnh của một số nghệ sĩ nhiếp ảnh đương đại thế giới của Matca khiến tôi rất tò mò về sự mới lạ của dạng trưng bày này, thay vì ảnh thì là sách ảnh. Vì sao vậy?

- Là người trong cuộc, tôi hiểu giá trị của những cuốn sách này, nhiều trong số đó khá đắt đỏ và hiếm có. Trong các sách ấy, nhiếp ảnh đã không còn là từng bức ảnh đơn lẻ mà có khi là cả một dự án đời người, bàn đến những nội dung khá trừu tượng và xa xôi, như về tương lai của công nghệ, tính điêu khắc của công viên trượt tuyết, hay bi kịch của một gia đình có cô con gái mất tích bí ẩn...
Những nội dung ấy có thể khiến khán giả đại chúng ngần ngại tiếp cận nhưng do xuất phát là những người yêu sách ảnh và cũng có một bộ sưu tập cá nhân nho nhỏ, nên chúng tôi luôn muốn nhân rộng tình yêu này. Thế nhưng chính sự mới lạ đó lại gây tò mò, có nhiều bạn trẻ còn dành cả buổi nghiền ngẫm hay quay lại lần thứ hai, thứ ba, "check-in" với sách trên mạng xã hội, rồi rủ người yêu tới cùng. Thực tế ấy nói với chúng tôi là khán giả đại chúng cởi mở và hiểu biết dù họ có thể không học qua trường lớp chuyên ngành, và đồng thời cho thấy nhu cầu được thưởng lãm, tương tác với cái đẹp thời nào cũng có.

- Trưng bày sách ảnh đó khiến tôi nhớ lại ấn phẩm Makét (phiên âm từ tiếng Pháp: Maquette) đầu tiên của Matca, ở định dạng là sách về một nghiên cứu ban đầu về làng nghề nhiếp ảnh đầu tiên của Việt Nam với các thử nghiệm về in ấn và trình bày. Ấn phẩm đã được đón nhận như thế nào? Và liệu hướng đi đó có được Matca tiếp tục thực hiện?

- Makét 01 giới thiệu khảo cứu về làng Lai Xá (Hà Nội) được xuất bản thành sách vừa vì câu chuyện này có nhiều chất liệu thú vị, vừa vì chúng tôi cũng muốn làm cái gì khác đi so với dạng bài đăng trên website. 100 cuốn Makét 01 được bán trong ngày đầu tiên phát hành, và sau gần hai năm, sách đã được bán gần hết, có khách hàng ở cả Việt Nam và nước ngoài như Mỹ, Canada, Ðài Loan (Trung Quốc), Singapore, v.v. Sách của một tác giả không tên tuổi, sản xuất bởi một dự án độc lập mà được đón nhận như vậy, dù không phải ra sức quảng cáo, đã khiến chúng tôi rất cảm kích và đúng là có thêm động lực dốc sức hoàn thiện Makét 2. Ðây là một tập hợp bốn bộ ảnh của bốn nhiếp ảnh gia trẻ người Việt, đang trong quá trình hoàn thiện, thiết kế phù hợp với nội dung liên quan những hành trình sống và khám phá mang đậm tính cá nhân.

- Thử nghiệm là một từ vựng phổ biến của các thực hành nghệ thuật thị giác đương đại. Còn thách thức lớn nhất của "thử nghiệm" đối với người điều phối hoạt động của không gian Matca là gì?

- Có lẽ là việc luôn thiếu những cộng sự vừa hợp "gu" để chung tay vào những dự án thách thức biên độ sáng tạo vừa đủ độ "lỳ" vì con đường này không đầy nến và hoa (cười).

- Cảm ơn chị về một trò chuyện cởi mở!.

826626.jpg -0

Ðội ngũ của Matca đều là những người trẻ tuổi, gồm ba sáng lập viên và Hà Ðào - người điều phối chương trình hoạt động của không gian này, cùng năm cộng tác viên thường xuyên.

Trong 5 năm qua, Matca đăng tải hơn 200 bài viết song ngữ Việt - Anh trên không gian trực tuyến (www.matca.vn), giám tuyển và thực hiện hàng chục triển lãm tại không gian vật lý (số 48 Ngọc Hà, Ba Ðình, Hà Nội), tổ chức nhiều khóa học ngắn và sự kiện giáo dục cộng đồng, sản xuất hai cuốn sách ảnh, chuẩn bị tới cuốn thứ ba.

Hà Ðào gắn bó với nhiếp ảnh đương đại với đa dạng hoạt động: sáng tác (đã tham gia Angkor Photo Festival workshop, Campuchia 2017, Foundry Workshop, Ấn Ðộ, 2018), giám tuyển, viết bài, điều phối các hoạt động chuyên môn tại Matca.