Nhạc sĩ Phú Quang:

Ngọn nến cháy cạn mình cho nghệ thuật

Tin nhạc sĩ Phú Quang ra đi trong một ngày đông Hà Nội làm tê tái lòng người hâm mộ. Sau hai năm phải điều trị tích cực tại bệnh viện, trái tim người nhạc sĩ nổi tiếng với hàng loạt ca khúc hay về Hà Nội ấy đã ngừng đập. Ông đã dừng cuộc dạo chơi trần gian để viễn du trong một cõi khác.

Hà Nội tự hào vì có một Phú Quang. Đời sống âm nhạc Việt Nam tự hào có một Phú Quang.
Hà Nội tự hào vì có một Phú Quang. Đời sống âm nhạc Việt Nam tự hào có một Phú Quang.

Năm ngoái Phú Quang nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội trên giường bệnh. Khi đó sức khỏe của ông đã rất yếu, vì nhiều biến chứng liên quan bệnh tiểu đường. Nhiều người cho rằng, với những đóng góp rất lớn trong âm nhạc về chủ đề Hà Nội, Phú Quang lẽ ra phải được trao giải thưởng này sớm hơn. Khi còn khỏe và minh mẫn, trong những lần trà dư tửu hậu với bạn bè, nhắc câu chuyện giải thưởng, Phú Quang thường chỉ cười. Ông thật sự không quan tâm giải thưởng, bởi ông cho rằng, hàng trăm ca khúc của ông về Hà Nội nằm sâu trong trái tim người nghe nhiều thế hệ chính là phần thưởng lớn lao nhất cho đời người sáng tác, mà ông đã vinh dự có được. Phú Quang nói một câu cực kỳ ấn tượng: "Trên ngực tôi lấp lánh một tấm huy chương, là tình yêu của khán giả. Có tấm huy chương ấy, tôi có thể vui vẻ chết được rồi. Khi chọn làm một người nghệ sĩ, còn cái đích nào lớn hơn thế".

Trong suốt cuộc đời mình, Phú Quang đã viết khoảng 600 ca khúc. Đó là một gia tài đồ sộ, minh chứng cho tình yêu và niềm say mê bất tận của ông trên cánh đồng âm nhạc. Như một người cần mẫn gieo hạt và trồng cấy trên cánh đồng ấy, Phú Quang xứng đáng được hưởng những mùa màng hạnh phúc. Và quả thật, tìm trong đời sống âm nhạc hiện đại Việt Nam, có rất ít nhạc sĩ sở hữu một số lượng người nghe lớn như Phú Quang. Ca khúc của ông lãng mạn, ca từ đẹp, và phần âm nhạc thì gần gũi dễ nghe, dễ hát, dễ cảm, dễ đi vào lòng người. Chưa có một tổng kết chính xác nhưng với một người yêu âm nhạc bình thường, chỉ cần quan sát kỹ đời sống cũng có thể nhận định được rằng, gần như các ca sĩ nhạc nhẹ Việt Nam đều ít nhất một vài lần trong đời hát nhạc Phú Quang. Tính đại chúng, mức độ phổ cập của âm nhạc Phú Quang là rất lớn. Ngay sau khi biết tin nhạc sĩ qua đời, rất nhiều ca sĩ đã viết lời tiễn biệt sâu sắc trên trang cá nhân của mình, trong đó có những ca sĩ đã để lại dấu ấn đặc biệt, thậm chí là làm nên tên tuổi sự nghiệp nhờ hát nhạc Phú Quang như Thanh Lam, Tùng Dương, Hồng Nhung, Hồng Hạnh, Ngọc Anh, Minh Chuyên, Tấn Minh, Minh Thu....

Một điều đặc biệt trong sáng tác của Phú Quang là những ca khúc của ông thường bắt đầu từ những bài thơ hay. Phú Quang yêu thơ và có cặp mắt tinh tường trong thẩm thấu, đánh giá, lựa chọn những bài thơ hay để phổ nhạc. Ông thường nhặt lấy một vài ý, tứ, thậm chí chỉ vài chữ như "mắt thần" của bài thơ, để phát triển điều mình suy ngẫm, rồi biến chúng trở thành ca khúc. Phú Quang rất quý trọng các nhà thơ, và luôn ý thức chuyện bản quyền một cách rõ ràng, minh bạch. Quan điểm của ông, dù chỉ lấy một vài chữ, một câu thơ để đưa vào ca khúc ông cũng đề tên tác giả thơ trong bài hát và nghiêm túc trả tác quyền cho tác giả thơ. Ông cực kỳ thẳng thắn, sòng phẳng nhưng cũng rất tình nghĩa với bạn thơ. Với những người khó khăn ông luôn tìm cách giúp đỡ ân cần, tinh tế.

Có hai con người khác nhau trong Phú Quang: một người rất lãng mạn, nghệ sĩ, còn một người rất nhanh nhạy, thông minh. Khi sáng tác ông đắm đuối hết mình, nhưng khi làm kinh doanh ông rất tỉnh táo, giỏi nắm bắt cơ hội. Có giai đoạn Phú Quang mở nhà hàng ở TP Hồ Chí Minh rồi Hà Nội và rất thành công. Nhưng thành công hơn cả chính là việc ông tự mang âm nhạc của mình đến với khán giả, bằng cách tổ chức các show diễn. Khi sức khỏe còn cho phép, hằng năm công chúng đều được thưởng thức liveshow nhạc Phú Quang một đến hai lần, mỗi show từ 1-3 đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ông trực tiếp chỉ huy dàn nhạc, làm giám đốc chương trình, hoạt bát nhanh nhẹn và rất có đầu óc tổ chức. Điều đặc biệt là các show diễn của ông luôn chật kín chỗ ngồi. Nhờ vậy, Phú Quang là một trong số ít nhạc sĩ thế hệ ông sống ung dung bằng nghề.

Hà Nội tự hào vì có một Phú Quang. Đời sống âm nhạc Việt Nam tự hào có một Phú Quang. Như ngọn nến đã cháy cạn đời mình cho nghệ thuật, xin vĩnh biệt nhạc sĩ của "Em ơi Hà Nội phố" và cầu mong ông vẫn hoài lang thang tìm kiếm cái đẹp trong chốn vĩnh hằng.

Nhạc sĩ Phú Quang sinh ngày 13/10/1949 tại Hà Nội, mất ngày 8/12/2021.

Ông học trung cấp kèn Cor và công tác tại Nhà hát Giao hưởng-Hợp xướng-Nhạc vũ kịch Việt Nam, sau đó theo học chuyên ngành Chỉ huy dàn nhạc tại Nhạc viện Hà Nội rồi chuyển về công tác tại Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Ông còn có một thời gian công tác tại Phòng ca múa nhạc TP Hồ Chí Minh trước khi chọn là một nghệ sĩ tự do.

Những ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Phú Quang có thể kể đến như: "Em ơi Hà Nội phố", "Chiều phủ Tây Hồ", "Điều giản dị", "Đâu phải bởi mùa thu", "Khúc mùa thu", "Nỗi nhớ mùa đông", "Im lặng đêm Hà Nội", "Biển nỗi nhớ và em", "Về lại phố xưa"...

Nhạc sĩ Phú Quang nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội 2020. Ông cũng được vinh danh là Công dân ưu tú Thủ đô năm 2014.