Nghệ thuật biểu diễn gồng mình vượt khó

Chưa bao giờ thị trường biểu diễn nghệ thuật lại ảm đạm, đìu hiu như thời điểm này. Hàng loạt các chương trình đã lên khung, có kế hoạch, thậm chí đã phát hành vé đều phải hủy và trả lại tiền mua vé cho khách. Bài toán giữ người, giữ nghề đang đặt ra gay gắt đối với những người đứng đầu các đơn vị nghệ thuật hiện nay.

Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng nhiều tiết mục xiếc thú là vật nuôi trong gia đình, được công chúng yêu thích.
Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng nhiều tiết mục xiếc thú là vật nuôi trong gia đình, được công chúng yêu thích.

Đã khó lại càng khó…

Dịch Covid-19 lại bùng phát trở lại khiến nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp rơi vào tình thế vô cùng khó khăn khi phải đột ngột ngừng tổ chức biểu diễn vào dịp này cũng như một loạt kế hoạch biểu diễn chí ít là những tháng trước mắt. Nhà hát Chèo Việt Nam đã hủy nhiều suất diễn phục vụ chính trị và hợp đồng tại rạp Kim Mã, Hà Nội, và ở các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lào Cai. Kế hoạch đi biểu diễn phục vụ khán giả vùng sâu, vùng xa của Nhà hát Tuồng Việt Nam hai lần lên lịch đều bị hủy ngay trước ngày lên đường. Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn cho biết: “Nhà hát Tuồng Việt Nam đã hoãn tất cả các chương trình biểu diễn lên kế hoạch đi lưu diễn, các show diễn tại phố cổ, ở Nhà hát Hồng Hà cũng hoãn luôn. Nguồn thu sự nghiệp trong tài khoản của nhà hát hiện trắng trơn. Đến tập luyện cũng không dám vì không có tiền trả cho nghệ sĩ”. Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Triệu Trung Kiên cho biết: “Chúng tôi không khỏi ngậm ngùi khi phải hủy đi các đêm diễn ít ỏi mà khó khăn lắm bộ phận tổ chức biểu diễn mới ký được hợp đồng. Hiện nay còn một số hợp đồng chuyên môn với các nhạc công chủ chốt, diễn viên trẻ, nhà hát chưa biết sẽ phải trả lương bằng cách nào…”.

Các nhà hát tự chủ về kinh phí hoặc một phần kinh phí như Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ… lại càng khó khăn hơn. Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam Nguyễn Hải Linh cho biết: “Hiện nay tất cả các đơn vị nghệ thuật đều trong tình trạng án binh bất động. Tất cả nguồn thu của đơn vị để trả lương cho nghệ sĩ, diễn viên, người lao động và các hoạt động văn phòng, điện, nước...  đều là từ biểu diễn và cho thuê địa điểm để tổ chức biểu diễn. Ban Giám đốc chúng tôi đang rất đau đầu với việc cân đối tìm nguồn tài chính để giữ người lao động, để nghệ sĩ không bỏ đơn vị đi tìm việc khác”. 

Liên đoàn Xiếc Việt Nam hiện đã hoàn thành xong một chương trình nghệ thuật đặc biệt dành cho thiếu nhi mang tên Biệt đội anh hùng và một chương trình xiếc thú cũng đang được hoàn thiện. Các chương trình đi lưu diễn, thậm chí đã tới địa điểm tập kết ở phía nam rồi lại phải quay về vì dịch Covid-19 lây lan trở lại. Việc phải hạ rạp, rút quân trở về Hà Nội, những chi phí đi lại, tổ chức biểu diễn… đã khiến Liên đoàn Xiếc Việt Nam bị tổn thất tài chính nặng nề. Nhà hát Múa rối Việt Nam phải hủy tới 46 suất diễn của tháng 5 và năm buổi diễn vào tháng 6 phục vụ thiếu nhi tại ba sân khấu tại Hà Nội và biểu diễn lưu động. Đó là chưa kể các suất diễn phục vụ học sinh, sinh viên, phục vụ chính trị đều bị hủy hết. Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: “Tiếc đứt ruột mà không biết làm sao vì kiếm được hợp đồng biểu diễn giờ không dễ chút nào, hy vọng có buổi diễn để hoạt động, nâng cao đời sống cho anh chị em nghệ sĩ nhưng vì tình hình chung và bảo đảm an toàn cho anh chị em nghệ sĩ trong nhà hát cũng như cộng đồng trước dịch bệnh nên nhà hát phải tuân thủ nghiêm túc. Và cũng chỉ biết hy vọng dịch sẽ bị ngăn chặn…”.

Rất cần những gói hỗ trợ cho nghệ thuật

Tình trạng khó khăn với nghệ thuật biểu diễn đã được ghi nhận ngay từ đợt bùng phát dịch đầu tiên. Tuy nhiên, lần này thì tác động và ảnh hưởng còn sâu và nặng nề hơn khi mà các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật đang phải rất nỗ lực với nhiều biện pháp kéo khán giả trở lại thói quen đến rạp xem nghệ thuật. 

Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam - NSND Tống Toàn Thắng cho rằng, Cục Nghệ thuật biểu diễn nên khởi động việc thực hiện lại giải pháp phát triển các phương thức biểu diễn nghệ thuật online đã đưa ra cách đây một năm. Theo hướng dự kiến cơ quan quản lý nhà nước sẽ hỗ trợ cho các đơn vị nghệ thuật xây dựng một kênh truyền thông về nghệ thuật biểu diễn và có thể có hướng hợp tác với truyền hình để làm chương trình nhà hát truyền hình. Các đơn vị nghệ thuật biểu diễn có thể ghi hình và phát giới thiệu những chương trình, tiết mục hay, đặc sắc của mình trên truyền hình và trên các nền tảng mạng không dây. Dẫu mô hình nhà hát internet, sân khấu online còn nhiều hạn chế, và không thể so sánh với việc khán giả tới xem trực tiếp, nhưng trong “cơn bĩ cực”, phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch như hiện nay, thì đây là biện pháp hữu hiệu. 

Để tháo gỡ những khó khăn cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn của các nhà hát công lập, năm 2020, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng đã đề xuất lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch một số điều chỉnh chính sách với các đơn vị văn hóa - nghệ thuật, theo đó nên tạm dừng lộ trình tự chủ nhà hát vì các đơn vị này không có buổi biểu diễn nào từ đầu năm do dịch Covid-19. Gánh nặng lo trả lương cho lực lượng cán bộ, diễn viên hợp đồng đang đè nặng trên vai của các nhà hát đang phải thực hiện tự chủ, đặc biệt là với những nhà hát tự chủ 100%. 

Dịch bùng phát trở lại đã làm các đơn vị nghệ thuật biểu diễn thật sự kiệt sức, sau thời gian hơn một năm cố gắng gồng mình khắc phục khó khăn. Cùng với các giải pháp mang tính tạm thời như nêu trên, nhiều nghệ sĩ, nhà quản lý nghệ thuật cũng mong mỏi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét tiếp tục chương trình tổ chức các buổi biểu diễn chất lượng cao để hỗ trợ các nhà hát duy trì những kịch mục tốt, sau khi dịch bệnh được kiểm soát trong thời gian tới.