Một động lực mới cho di sản

ĐẠI sứ quán Pháp tại Việt Nam vừa chính thức thông báo triển khai dự án Chia sẻ và kết nối di sản tại Việt Nam, trong hai năm 2022-2024, phối hợp thực hiện với nhiều cơ quan của cả hai nước và một tổ chức quốc tế.

Đáng chú ý là hai trong số ba hợp phần của dự án được dành cho việc đào tạo nâng cao nhận thức và năng lực của nhân sự trong lĩnh vực bảo tàng ở Việt Nam, bao gồm từ tập huấn chuyên môn hiện có đến hỗ trợ xây dựng và phát triển ngành học mới trong lĩnh vực này. Năm trường đại học và cao đẳng liên quan ở cả ba miền đất nước đã tham gia vào hai hợp phần đó. Hợp phần cuối cùng của dự án là hỗ trợ thiết kế các dự án thí điểm trong bảo tồn di sản theo cách làm phổ biến từ trước: Cử chuyên gia của bạn sang trực tiếp làm việc với nhân lực phía Việt Nam.

Dự án này được ra đời theo cam kết chung về hợp tác giữa hai nước, được thực hiện trong chuyến thăm Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 11/2021. Điều đó cho thấy tầm nhìn chiến lược của chính phủ về bảo vệ và phát huy các giá trị của di sản văn hóa, trong đó tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bắt đầu từ cách thức đào tạo bài bản hơn.

Lâu nay, nhiều dự án hợp tác quốc tế về bảo vệ và phát huy di sản văn hóa ở nước ta thường được triển khai theo phương pháp thực địa, tức là giải quyết các vấn đề ngay tại di sản hay các cơ sở bảo tồn bảo tàng. Nhân lực từ phía bạn trực tiếp tham gia các dự án phục chế, phục dựng, tư vấn thiết kế trưng bày, nghiên cứu tại chỗ...

Ưu thế của các chuyên gia, nhân công quốc tế trong hợp tác này là họ được đào tạo chuyên nghiệp, được làm việc trong các định chế bảo tàng, viện nghiên cứu có lịch sử lâu đời. Vì thế, thông qua những thực hành nghề nghiệp này, nhân lực ở phía Việt Nam được tiếp cận nhanh nhất với những phương pháp làm việc mới, chuyên nghiệp, từ đó tiếp tục nỗ lực tự nâng cao trình độ và chất lượng công việc của mình trong tương lai. Tuy nhiên, khuôn khổ các dự án cùng như sự lan tỏa của các thông điệp và phương pháp tiên tiến đó phần nào có sự hạn chế, và khi dự án kết thúc thì việc tiếp tục sử dụng nguồn nhân lực từ dự án đó chưa được thật sự quan tâm.

CHÍNH vì thế, dự án hợp tác với những hợp phần khác biệt sắp triển khai lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra một động lực mới cho việc khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam một cách bền vững, bắt đầu từ việc tạo nền tảng đào tạo bài bản cho nhân lực ngành này ngay từ trong nước.