Một cánh cửa đến với di sản

Các hoạt động gắn với trang phục cổ đang trở thành trào lưu mạnh mẽ. Không ngạc nhiên khi những bạn trẻ vận áo nhật bình, áo tấc trong lễ thành hôn; áo dài ngũ thân trong các cuốn kỷ yếu... Nhưng đừng để đó chỉ là trào lưu. Phải làm sao để cổ phục có một “đời sống” trong xã hội hiện đại; để cổ phục là bước khởi đầu trên con đường tìm về di sản của giới trẻ.

Một cánh cửa đến với di sản

1. Cách đây bốn năm, khi nhóm Đại Việt cổ phong (một diễn đàn của những bạn trẻ yêu văn hóa truyền thống trên Facebook) ra mắt dự án Hoa văn Đại Việt - dự án số hóa những mẫu hoa văn truyền thống - những bạn nam trong nhóm Đại Việt cổ phong hôm ấy đã khiến khán phòng hết sức ngạc nhiên bởi những trang phục... lụng thụng. Vừa lạ, vừa quen. Quen bởi những bộ trang phục có nét nhang nhác giống với những bộ áo the khăn xếp mà người ta vẫn thấy. Nhưng lạ, là bởi tay áo rất rộng, có độ dài ngang với thân áo. Phải đến khi được giới thiệu, khán giả mới biết đó là một loại lễ phục “kinh điển” của người Việt những thế kỷ trước - áo tấc. Và sự ngạc nhiên ấy mới chỉ là khởi đầu. Cổ phục, hay trang phục truyền thống của người Việt, với nam giới không chỉ có “áo the khăn xếp”, hay áo dài ngũ thân; với nữ giới, không chỉ có áo dài, áo tứ thân... mà là một thế giới phong phú, gồm nhiều loại trang phục khác nhau, từ trang phục thường nhật, cho tới lễ phục, hay trang phục của vua chúa, quan lại...

Suốt một khoảng thời gian dài, hai chữ “cổ phục” hầu như xa lạ. Với giới trẻ, cổ phục là chuyện “của người ta”. Đôi khi, nó còn đại diện cho sự cổ hủ, lạc hậu. Mọi chuyện thay đổi khi nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho ra mắt ấn phẩm Ngàn năm áo mũ - cuốn sách đầu tiên nghiên cứu đầy đủ, bao quát về trang phục truyền thống của người Việt. Cuốn sách đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ, chủ yếu là thế hệ 9x tìm về cổ phục. Nhiều câu lạc bộ, nhóm nghiên cứu, khôi phục trang phục cổ ra đời. 

Từ “sự lạ” hôm ấy của nhóm Đại Việt cổ phong, chỉ qua vài năm, đã diễn ra một sự thay đổi đến chóng mặt. Bây giờ, những cái tên cổ phục như áo đối khâm, áo giao lĩnh, áo viên lĩnh, áo nhật bình... đã trở nên quen thuộc. Nếu một ngày đi dạo trên phố, rất có thể ta sẽ gặp một đôi bạn trẻ “xúng xính” trong trang phục như những “ông hoàng, bà chúa” đi chụp ảnh cưới với nam áo tấc, nữ áo nhật bình. Và vào “mùa” kỷ yếu, rất nhiều học sinh, sinh viên cũng chọn áo nhật bình, áo tấc, áo dài ngũ thân... để lưu lại những khoảnh khắc ngọt ngào trong đời học sinh - sinh viên. Phổ biến nhất là áo dài ngũ thân, khi nhiều người thuộc đủ lứa tuổi khác nhau sử dụng trong các nghi lễ ngoại giao, hay trong các dịp lễ, Tết. Bây giờ, những thành viên chính trong nhóm Đại Việt cổ phong đã thành lập Công ty TNHH Hoa Văn Đại Việt. Cũng xuất phát từ Đại Việt cổ phong, một bạn trẻ khác là Nguyễn Đức Lộc đã thành lập Công ty Ỷ Vân Hiên. Ngoài hai doanh nghiệp thuộc diện đi đầu ấy, còn có rất nhiều diễn đàn về cổ phục và có đến hàng chục doanh nghiệp thiết kế, may, cho thuê cổ phục như: Việt phục hội, Chợ phiên Việt phục, Việt cổ phục cách tân, Việt Nam cổ phục hội...

2. Cổ phục có đủ “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” để trở lại cuộc sống. Đúng vào thời điểm trào lưu cổ phục được quan tâm, thì một số bộ phim điện ảnh, truyền hình cổ trang hay những MV ca nhạc thuộc diện “bom tấn” coi phục trang là một trong những yếu tố chinh phục khán giả. Nổi bật trong đó phải kể đến Phượng Khấu - bộ phim xoay quanh cuộc đời sóng gió của Từ Dụ hoàng thái hậu - phi tần của Vua Thiệu Trị và là mẹ Vua Tự Đức. Đó là lần đầu, một bộ phim cổ trang Việt được đầu tư công phu về trang phục, dựa trên nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, có sự tham vấn của nhiều nhà nghiên cứu. Những trang phục cung đình lộng lẫy trong Phượng Khấu được chú ý đến từng họa tiết, hoa văn, hay từng phụ kiện nhỏ. MV cổ trang Không thể cùng nhau suốt kiếp của ca sĩ Hòa Minzy cũng là một sản phẩm cổ trang được đầu tư bài bản và có sức hút lớn với cộng đồng. 

Người ta có thể bàn luận nhiều về nội dung hay dở của phim Phượng Khấu. Nhưng trang phục lại là chuyện khác. Tất nhiên, không tránh được những “hạt sạn” nhỏ. Song, chính trang phục khiến nhiều khán giả ngồi bên ti-vi để theo dõi hết tập này qua tập khác. Nhiều người bị mê hoặc bởi những lộng lẫy vàng son, bởi từng nhịp sóng sánh của cổ phục theo mỗi bước đi của nhân vật. Ngay khi Phượng Khấu phát sóng, đã hình thành xu hướng chụp ảnh trang phục cung đình. Không phải ai cũng có điều kiện vào Đại nội Huế, rất nhiều bạn trẻ chọn mặc cổ phục theo “mốt” của Phượng Khấu chụp ảnh trong những không gian di tích cổ kính. Đó cũng là bộ phim khiến khán giả trẻ tuổi thấy áo nhật bình, áo tấc, áo dài ngũ thân... không khó tiếp cận và có thể giúp họ khẳng định phong cách riêng, không chỉ trong những bức ảnh, mà còn trong nhiều dịp lễ, Tết, hội hè khác. 

3. Nhưng từ “phim trường” đến cuộc sống luôn có khoảng cách. Cổ phục không thể đi vào cuộc sống đương đại theo cách “nguyên bản”. Đã có những cách tân, những cách “phối đồ” để phù hợp với cuộc sống. Giả dụ áo ngũ thân, đôi khi được các bạn trẻ “phối” cùng quần tây, giày thể thao... Có cả những sự kết hợp “không thuận mắt”, khi phối áo ngũ thân cùng đồ thêu ren, hay sự cắt xén áo nhật bình một cách quá đà khiến chiếc áo cổ trở nên ngắn cũn cỡn. Điều thú vị là hiện có hẳn những diễn đàn, nhóm của các “thánh soi” chuyên “bóc phốt” những thiếu sót về cổ phục! Điều đó, khiến “đời sống” của cổ phục càng trở nên phong phú. Cổ phục cách tân mang cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực. Tuy nhiên, nhìn từ một khía cạnh khác, thì đó có thể coi là sự “dò đường” để cổ phục có thể thích ứng với cuộc sống đương đại. Cổ phục mới trở lại với cuộc sống được một thời gian ngắn. Nó cần thêm thời gian để có “tân phong”. Văn hóa là một dòng chảy, cái không phù hợp, dần dần sẽ bị loại bỏ một cách tự nhiên. 

Nhìn rộng hơn, trang phục, không chỉ là chuyện áo quần. Đó là lịch sử, là văn hóa. Câu chuyện của một người mê cổ phục - cô gái trẻ Trần Thị Trang, chủ nhân cửa hàng Việt cổ phục cách tân là một thí dụ. Hồi còn đi học, Trang cũng thờ ơ với lịch sử, bởi “chữ nghĩa trên đó rất khô khan”. Nhưng bây giờ đến với cổ phục, Trang hiểu và yêu văn hóa, lịch sử của đất nước mình hơn. Nhà thiết kế Trần Thanh Tùng, người sáng lập Hội quán Di sản - nơi tập hợp một nhóm chuyên gia nghiên cứu, khôi phục di sản văn hóa và đưa vào đời sống - chia sẻ: “Nhiều người có cái nhìn quá khắt khe đối với các bạn trẻ nghiên cứu và khôi phục trang phục truyền thống. Riêng tôi lại cho rằng giới trẻ có “ngôn ngữ” của giới trẻ. Hãy để họ làm, có thể thành công, cũng có thể thất bại. Mình cần động viên, khuyến khích, vì đó là một trong những cánh cửa để họ đến với di sản. Có thể, rồi còn có nhiều người sẽ đi xa hơn”.

6_1-1624069644797.jpg
 
6_2-1624069645068.jpg
 Trang phục truyền thống góp phần giúp người trẻ mở ra một cánh cửa đến với di sản. Ảnh: VŨ MẠNH