Món nợ của kịch nói

Là sự kiện đáng chú ý giữa lúc đời sống văn hóa, nghệ thuật đất nước vẫn đang trầm lắng do đại dịch, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 lại gợi lên nhiều trăn trở đối với những người làm nghề: Vì sao có một đội ngũ tác giả, đạo diễn và nghệ sĩ hùng hậu như vậy mà sân khấu kịch nói vẫn thiếu vắng những tác phẩm có chất lượng tốt về cuộc sống đương đại?

Ngược chiều gió của Nhà hát Tuổi Trẻ là vở diễn duy nhất tại Liên hoan đề cập câu chuyện của trẻ vị thành niên. Ảnh: Anh Toàn
Ngược chiều gió của Nhà hát Tuổi Trẻ là vở diễn duy nhất tại Liên hoan đề cập câu chuyện của trẻ vị thành niên. Ảnh: Anh Toàn

Bài toán khó cho sáng tạo

Diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 cho thấy nỗ lực vượt lên những gian khó đời thường để nuôi giữ đam mê, lòng yêu nghề của những người làm nghệ thuật. Các tác phẩm trình diễn tại Liên hoan lần này đều cho thấy sự đầu tư nghiêm túc của các đơn vị nghệ thuật, từ kịch bản, đạo diễn, diễn viên và các thành phần sáng tạo khác… Đã có những tác phẩm đã thật sự chạm tới trái tim của đồng nghiệp và khán giả.

Tuy nhiên, trong suy nghĩ của nhiều nghệ sĩ, dường như sân khấu kịch nói vẫn đang "nợ" người xem những cuộc "đối thoại" trực diện với đời sống hiện tại. Kể cả sáu vở diễn được trao Huy chương vàng tại Liên hoan đều khai thác đề tài lịch sử, cận đại hoặc hậu chiến, không có vở nào khai thác vấn đề mang tính thời sự của cuộc sống hiện tại. Đành rằng ai cũng hiểu, khi xem chuyện xưa người xem có thể ngẫm chuyện hôm nay. Nhưng rõ ràng, khán giả có quyền đặt ra câu hỏi: Vì sao hiện thực đời sống với ngồn ngộn tư liệu lại gần như "vắng mặt" tại liên hoan của một thể loại vốn dĩ được coi là tiên phong trong phản ánh hiện thực của sân khấu?

Mong chờ những cuộc "đối thoại" trực diện

Sự lúng túng trong công tác biên kịch khi phát hiện và diễn giải những vấn đề của đời sống hiện tại bộc lộ rất rõ ở những vở diễn đề tài hiện đại tại Liên hoan. Nếu so sánh với những kịch bản của cố tác giả Lưu Quang Vũ thì có thể thấy rằng, sân khấu kịch nói đang đi thụt lùi, khi thiếu đi những vở diễn mang tính dự báo về thế sự, chạm đến những vấn đề mà khán giả quan tâm. PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái, thành viên Hội đồng nghệ thuật Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021, nhận định: "Kịch-thể loại hàng đầu của sân khấu Việt hiện đại đã mất trắng khán giả. Xét kịch là thể loại chủ chốt và cách sáng tạo vở diễn với nguyên lý tả thực thì việc mất trắng khán giả là do bản thân kịch đã đánh mất chính bản chất của nó-sự đối thoại với đương thời. Đời sống hiện thực bộn bề những vấn đề xã hội, đơn cử như người dân Việt Nam cũng như toàn cầu đang phải chống chọi với đại dịch Covid-19. Vậy mà Liên hoan này không có vở nào đề cập đến đề tài này cả. Vì sao người dân lại quan tâm đến các phiên họp chất vấn và trả lời của Quốc hội? Là bởi những vấn đề đặt ra sát với quyền lợi và mong muốn của họ. Sân khấu cũng phải đặt mình vào nhu cầu, lợi ích của người dân để nói những vấn đề mà người dân cảm thấy cần, có như vậy mới thật sự làm tròn trách nhiệm của nghệ thuật. Theo tôi, chúng ta hãy kiên nhẫn và chờ đợi. Những người sáng tạo cần phải có khoảng lùi để suy ngẫm và đối thoại với đời sống bằng tác phẩm nghệ thuật".

Có cảm giác như chính những người làm nghệ thuật đang tự tạo cho mình ranh giới và chọn phương án an toàn trong sáng tạo bằng cách né tránh những đề tài thời sự đang có những đánh giá nhiều chiều? Phải chăng có những đơn vị nghệ thuật không thể xác định cho mình đối tượng phục vụ là ai? Trong bối cảnh đó, những đơn vị nghệ thuật đã mạnh dạn khai thác đề tài hiện đại tại Liên hoan lần này đã nhận được sự ủng hộ và khích lệ từ ngay chính những người làm nghề, như các vở: Đường chân trời (Đoàn Kịch nói Hải Phòng), Hố đen (Nhà hát Kịch nói Quân đội), Vầng sáng (Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn), Trái tim thành phố (Nhà hát Công an nhân dân)… Trong đó, Nhà hát Tuổi Trẻ là đơn vị được đánh giá cao với cả hai vở kịch tham dự Liên hoan đều thể hiện sự trẻ trung trong cách nhìn cuộc sống hiện đại. Đặc biệt, vở Ngược chiều gió đề cập tới những vấn đề của trẻ vị thành niên một cách thuyết phục và rất gần gũi với giới trẻ. Chọn một kịch bản khai thác về đề tài người trẻ, chọn một lối dàn dựng sân khấu hiện đại tiết tấu kịch nhanh. Rõ ràng cách đi, cách làm của Ban Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ đang hướng tới đó chính là mong muốn nâng tầm cho thương hiệu của mình thật sự có bản sắc riêng, khẳng định vị trí và phương hướng hoạt động là phục vụ đối tượng ưu tiên chính là lớp trẻ ngày hôm nay. Nhà báo Ngô Bá Lục cho rằng Ngược chiều gió xứng đáng là top 5 vở xuất sắc nhất của Liên hoan vì vở diễn nóng hổi hơi thở đời sống hiện đại, cách dàn dựng hợp với thị hiếu của đối tượng khán giả đích, và sẽ là một trong những vở hiếm hoi có thể bán vé…

Có thể nói, những người làm sân khấu kịch nói đang "nợ" khán giả khi chưa có được nhiều tác phẩm nghệ thuật khai thác những vấn đề thời sự nóng bỏng của đời sống hiện đại, chưa có những cuộc "đối thoại" trực diện với đương thời. Hy vọng rằng, với lực lượng hùng hậu về tác giả, đạo diễn và nghệ sĩ tài năng, những người làm kịch nói sẽ sớm tìm ra những hướng đi mới, khôi phục lại tính chiến đấu và xung kích của thể loại sân khấu hiện đại này.