Du lịch địa chất

Mỏ vàng chờ khai thác

"Xét về tiềm năng phát triển loại hình du lịch địa chất, Việt Nam không có đối thủ ở khu vực Đông Nam Á. Còn so với châu Á thì chúng ta cũng nằm trong nhóm dẫn đầu" - Đây là nhận định của GS, TS Tạ Hòa Phương, chuyên gia đầu ngành về cổ sinh vật học và di sản địa chất khi đề cập tới loại hình sản phẩm bền vững còn khá mới mẻ với thị trường du lịch trong nước này.

Buổi sáng trong Hang Én, hang động tự nhiên lớn thứ ba thế giới. Ảnh: Ryan Deboodt 
Buổi sáng trong Hang Én, hang động tự nhiên lớn thứ ba thế giới. Ảnh: Ryan Deboodt 

Trữ lượng giàu có

Trên suốt dải đất hình chữ S, 335 biểu hiện di sản địa chất phân bố ở tám khu di sản địa chất (Đông Bắc Bộ, Sông Hồng, Tây Bắc Bộ, Trung Trung Bộ, Cao nguyên Nam Trung Bộ, Tây Ninh và Đông Nam Bộ, ven biển Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ và Vịnh Thái Lan) đã được Bảo tàng Địa chất nghiên cứu và thống kê. Trong đó, các nhà khoa học đã sắp xếp 182 biểu hiện vào 10 kiểu di sản địa chất (cổ sinh-địa mạo-cổ môi trường-đá-địa tầng-khoáng vật/khoáng sản-kinh tế-lịch sử-các vấn đề vũ trụ-các biểu hiện địa chất cỡ lục địa/đại dương).

Cũng trên hành trình từ bắc vào nam, du khách có thể thăm ba Công viên địa chất toàn cầu (Cao nguyên đá Đồng Văn, Non nước Cao Bằng, Đắk Nông), ba Di sản thiên nhiên thế giới (Vịnh Hạ Long, Quần thể danh thắng Tràng An, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng), chín khu Ramsar đất ngập nước thế giới (Hồ Ba Bể-Bắc Kạn, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long-Ninh Bình, Vườn Quốc gia Xuân Thủy-Nam Định, Bàu Sấu thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên-Đồng Nai, Vườn Quốc gia Tràm Chim-Đồng Tháp, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen-Long An, Vườn Quốc gia U Minh Thượng-Kiên Giang, Vườn Quốc gia Côn Đảo, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau-Cà Mau), cùng 11 Khu dự trữ sinh quyển thế giới (Cát Bà, châu thổ sông Hồng, miền tây Nghệ An, Cù Lao Chàm, Núi Chúa, Kon Hà Nừng, Đồng Nai, Lang Biang, Rừng ngập mặn Cần Giờ, ven biển và biển đảo Kiên Giang, Mũi Cà Mau). Chừng ấy địa danh được ghi nhận giá trị ở tầm vóc toàn cầu đã khiến nguồn tài nguyên di sản thiên nhiên nói chung, di sản địa chất nói riêng của chúng ta trở thành "mỏ vàng với trữ lượng vô cùng giàu có" trong con mắt du khách đam mê loại hình du lịch địa chất ở cả trong và ngoài nước. Đó là chưa kể những di sản địa chất giá trị lọt vào danh sách hàng đầu thế giới cũng như khu vực như thác Bản Giốc (Cao Bằng, Top 21 thác nước đẹp nhất thế giới do tạp chí Travel + Leisure bình chọn năm 2021), Ghềnh Đá Đĩa (Phú Yên, Top 5 ghềnh đá đĩa nổi tiếng nhất thế giới), hang Sơn Đoòng và hang Én (Quảng Bình, hang động tự nhiên lớn nhất và lớn thứ ba thế giới), hẻm vực Tu Sản (Hà Giang, hẻm vực sâu nhất khu vực Đông Nam Á)...

Điểm nhấn đáng chú ý nhất, cũng là thỏi nam châm có lực hút lớn với các tín đồ du lịch địa chất chính là ba Công viên địa chất toàn cầu. "Chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất có giá trị khoa học, giáo dục và kinh tế; có các đặc điểm nổi bật, độc đáo, minh chứng cho các quá trình địa chất quan trọng trong lịch sử tiến hóa, phát triển của Trái đất; đồng thời là nơi hội tụ các giá trị về thiên nhiên, đa dạng sinh học và được nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn và khai thác, sử dụng một cách tổng thể bền vững" (theo Luật Bảo vệ môi trường định nghĩa), ba Công viên địa chất toàn cầu mà chúng ta may mắn được Mẹ Thiên nhiên ban tặng chứa đựng trong mình sức hấp dẫn không thể phủ nhận, cả ở cảnh quan tuyệt đẹp lẫn những giá trị địa chất-địa mạo độc đáo. Nếu Cao nguyên đá Đồng Văn sở hữu 70% diện tích đá vôi, chứa đựng tới bảy thời kỳ địa chất khác nhau hiện diện trong các di chỉ cổ sinh vật học, hang động, địa tầng và những kết cấu địa chất đặc biệt khác thì Non nước Cao Bằng lưu giữ lịch sử hình thành hơn 500 triệu năm trong những hóa thạch, khoáng sản, trầm tích biển, đá núi lửa cùng các cảnh quan đá vôi tuyệt đẹp. Đắk Nông với diện tích đất đỏ bazan rộng lớn màu mỡ do dung nham từ những đợt phun trào bao phủ cùng hoạt động của núi lửa tạo nên một hệ thống hang động núi lửa độc đáo, đồ sộ bậc nhất Đông Nam Á.

Mỏ vàng chờ khai thác -0
Cảnh sắc tuyệt đẹp trong Hang động tự nhiên lớn nhất thế giới Sơn Đoòng. Ảnh: Ryan Deboodt 

Ðể "đánh thức người đẹp đang say ngủ"

Tiềm năng dồi dào là thế, điểm đến tiềm ẩn sức quyến rũ là thế nhưng loại hình du lịch địa chất ở Việt Nam mới dừng lại ở mức độ rất sơ khai, như một người đẹp say ngủ vẫn đang chờ được đánh thức. Dưới góc nhìn của GS, TS Tạ Hòa Phương - Chủ tịch Hội Cổ sinh và Địa tầng, Viện trưởng Nghiên cứu cổ sinh, người đã có nhiều năm tâm huyết đồng hành, giảng dạy và đang trực tiếp viết giáo trình về địa chất du lịch tại Khoa Địa chất (Trường đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), "hiện chúng ta chưa có sản phẩm du lịch địa chất đúng nghĩa, du khách chỉ dừng lại ở việc thưởng lãm giá trị thẩm mỹ, vẻ đẹp cảnh quan của những địa di sản chứ chưa đi sâu tìm hiểu những kiến thức chuyên biệt, những giá trị địa chất-địa mạo, giá trị khoa học-giáo dục hay văn hóa-đa dạng sinh học ẩn sau và làm nên những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp đó".

Là loại hình chuyên biệt đặc thù, du lịch địa chất không dành cho số đông nên vì vậy cũng không thể khai thác đại trà. Ngoài số ít tour giới hạn, phục vụ đối tượng du khách cụ thể như ngành dầu khí vẫn tổ chức hằng năm mà GS, TS Tạ Hòa Phương và một số chuyên gia được mời đi trực tiếp hướng dẫn, ông nhận thấy phần lớn khách du lịch không hề biết tới loại hình này, trong ngành công nghiệp không khói. Nguyên do, theo ông là bởi cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa có sự quan tâm đúng mức với nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này. Dù đã được UNESCO công nhận tới ba Công viên địa chất toàn cầu, nhưng cho tới nay, Việt Nam vẫn chưa có một công viên địa chất tầm quốc gia, di sản địa chất được chính thức công nhận bằng văn bản cũng chưa hề có. Về lý thuyết, công viên địa chất được hình thành từ tập hợp rất nhiều di sản địa chất. Nhưng những thác Bản Giốc, ghềnh Đá Đĩa, hẻm vực Tu Sản… mà chúng ta tự hào liệt kê phía trên chỉ được xếp vào nhóm di sản thiên nhiên, thậm chí có khi còn lạc sang "địa phận" di sản văn hóa.

Chưa "chính danh" thì khó bề "ngôn thuận", việc xây dựng nội dung cùng lộ trình tham quan tuyến điểm cũng sẽ gặp ít nhiều khó khăn. Đó là còn chưa kể để phục vụ được đối tượng khách đòi hỏi rất chuyên sâu về kiến thức truyền đạt, đơn vị kinh doanh sản phẩm sẽ phải đầu tư nhiều khoản chi phí phát sinh trong khâu chuẩn bị và triển khai. Thay vì đơn thuần đưa khách tới những danh thắng giang sơn cẩm tú để họ ồ à thán phục và thỏa sức chụp hình, đơn vị tổ chức phải mời người am hiểu chuyên môn xây dựng nội dung khoa học chuẩn chỉ về những điểm nhấn hấp dẫn của di sản thành một tài liệu song ngữ, phải đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên có thể tiếp thu và truyền đạt nội dung bằng hai thứ tiếng, phải quảng bá sản phẩm mới trên mọi kênh truyền thông-đa nền tảng, đa phương tiện để khách dần biết tới, thử nghiệm, làm quen và từ đó chấp nhận loại hình mới mẻ này.

Bước khởi đầu sẽ gian nan, vất vả. Nhưng cũng theo góc nhìn của GS, TS Tạ Hòa Phương, "khách đam mê dạng tour chuyên biệt này thường chấp nhận chi phí cao, mức chi tiêu đầu người lớn. Khi sản phẩm mang lại lợi ích kinh tế thì mỗi người dân bản địa sẽ hình thành ý thức bảo vệ nghiêm ngặt, giúp những hạt vàng di sản được nâng niu và phát triển bền vững".