Mở một hướng đi

Những động thái từ phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ cho các nhà hát trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp mang lại những hy vọng cho giới nghệ sĩ.

Chương trình nghệ thuật Những ngôi sao bất tử của Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc trên VTV2 tối 27/7.
Chương trình nghệ thuật Những ngôi sao bất tử của Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc trên VTV2 tối 27/7.

Một số cơ quan báo chí như: Ðài Truyền hình Việt Nam, Ðài Tiếng nói Việt Nam, Ðài Truyền hình Hải Phòng… được đề nghị rất sẵn sàng phối hợp phát sóng các chương trình biểu diễn. Tuy nhiên, từ phía các nhà hát lại còn đó những trăn trở, lo ngại. Các vở diễn, biểu diễn được ghi hình và phát trên các kênh sóng có thể mang đến niềm hy vọng. Nhưng để mở một lối đi cho nghệ thuật biểu diễn còn cần nhiều hơn thế! Những người trong cuộc nghĩ gì, chia sẻ gì?

Từ tháng 7 này, các kênh truyền hình của VTV, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình Hải Phòng… sẽ đồng loạt phát sóng các chương trình nghệ thuật biểu diễn, tạo cầu nối giữa nghệ thuật và khán giả. Ðây là giải pháp do Cục Nghệ thuật biểu diễn triển khai, phần nào giúp tháo gỡ những khó khăn lớn mà các nhà hát đang gặp phải.

Không chỉ là giải pháp tình thế

Phó Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương cho biết: "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những cuộc trao đổi làm việc và gửi công văn đề nghị tới một số cơ quan báo chí như: Ðài Truyền hình Việt Nam, Ðài Tiếng nói Việt Nam, Ðài Truyền hình Hải Phòng… đề nghị phối hợp phát sóng các chương trình biểu diễn của các nhà hát và nhận được sự đồng tình ủng hộ. Cơ quan quản lý ngành sẽ chịu trách nhiệm về phần lựa chọn cung cấp những chương trình, tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, phía các đài sẽ chịu trách nhiệm biên tập, dàn dựng các chương trình nghệ thuật này để phát sóng".

Cũng theo ông Dương, kể cả khi điều kiện cho phép các hoạt động biểu diễn trực tiếp trở lại, việc tổ chức phát sóng chương trình trên truyền hình vẫn được duy trì. Việc quảng bá, giới thiệu các chương trình nghệ thuật có thể sẽ được khai thác với nhiều góc độ phong phú như làm talk show trao đổi, giới thiệu chương trình gồm các trích đoạn tuồng cổ, chèo cổ, những trích đoạn hay trong vở kịch nói kinh điển của Việt Nam và thế giới…

Khó có thể chia sẻ hết niềm vui của lãnh đạo cũng như nghệ sĩ các đơn vị nghệ thuật khi được khởi động để trở lại làm nghề, mặc dù chỉ là biểu diễn với hình thức ghi hình lại. Tuy hiệu ứng không bằng diễn trực tiếp trước khán giả, nhưng hoạt động này cũng giúp đưa nghệ thuật biểu diễn đến với công chúng, quảng bá hình ảnh của các đơn vị.

Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên cho rằng: "Việc triển khai xây dựng nhà hát trực tuyến là một ý tưởng rất hiệu quả đối với nghệ thuật biểu diễn trong thời điểm mà các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp không thể tổ chức biểu diễn trực tiếp phục vụ khán giả được. Và nếu như dịch Covid-19 được ngăn ngừa thì các đơn vị nghệ thuật biểu diễn cũng vô cùng vất vả để kéo khán giả trở lại thói quen xem tại nhà hát khi mà ai cũng sẽ có cảm giác sợ những địa điểm tập trung đông người ở nơi công cộng.

Xây dựng nhà hát trực tuyến trên mạng xã hội và truyền hình là xu hướng tất yếu để nghệ thuật biểu diễn phát triển". Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, NSND Thanh Ngoan cho biết: "Khán giả sẽ có cơ hội để được xem các chương trình nghệ thuật hay, đặc sắc nhất trong kịch mục của các đơn vị nghệ thuật".

Cần chọn lọc và ưu tiên

Tuy nhiên, việc xây dựng nhà hát trực tuyến cần phải được tính toán kỹ, phù hợp điều kiện thực tế. NSƯT Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ, nếu làm trực tuyến thì rất cầu kỳ, cắt dựng phải rất giỏi mới thể hiện hết được tinh thần của vở diễn. Một số đạo diễn sân khấu tỏ ra lo lắng vì việc phát sóng một chương trình nghệ thuật, một vở diễn dài trên truyền hình không dễ, nhất là với những loại hình như xiếc diễn trên sân khấu tròn hay sân khấu cho thiếu nhi rất cần sự tương tác giữa nghệ sĩ với khán giả…

Cục Nghệ thuật biểu diễn, các đơn vị nghệ thuật, các đài truyền hình cần "ngồi lại" để lựa chọn chương trình, vở diễn hay trích đoạn, tiết mục cho phù hợp. Cũng có ý kiến cho rằng, mô hình đưa chương trình nghệ thuật biểu diễn lên truyền hình chỉ là một giải pháp tình thế để giải quyết nhu cầu thưởng thức nghệ thuật biểu diễn của khán giả khi không có cơ hội tới rạp hát, cũng như giúp cho lực lượng nghệ sĩ biểu diễn có cơ hội để làm nghề trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.

Tuy nhiên, với nghệ thuật biểu diễn thì điều quan trọng nhất vẫn là phải được diễn trực tiếp tại nhà hát và phải có sự tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả.

Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, NSƯT Trần Ly Ly cho biết lý do mà Nhà hát không chọn diễn một vở dài lên truyền hình là bởi lẽ, mỗi tác phẩm nhạc vũ kịch được đầu tư dàn dựng có khi cả năm trời, nếu diễn truyền hình trực tiếp thì việc khai thác biểu diễn bán vé kinh doanh có thể sẽ bị hạn chế. Chưa nói tới không gian ghi hình của truyền hình cũng rất khó có thể đáp ứng mọi yếu tố đối với một số tác phẩm được dàn dựng lớn như Hồ thiên nga, Những người khốn khổ.

Việc xây dựng nhà hát trực tuyến trên truyền hình và một số nền tảng mạng xã hội là cơ hội để nghệ thuật biểu diễn được quảng bá rộng rãi tới mọi đối tượng khán giả. Cùng với những cân nhắc, chọn lựa tác phẩm phù hợp yêu cầu thưởng thức của công chúng, việc sắp xếp khung giờ phát sóng cũng là điều cần lưu tâm, để có thể mang đến những trải nghiệm chất lượng và trọn vẹn nhất cho công chúng trong thời điểm toàn xã hội đồng lòng chống dịch này.

TRỌNG HOÀNG