Logic của sự khác biệt

Hà Nội đang "thừa" nhà máy, xí nghiệp cũ trong nội đô, nhưng lại thiếu các không gian công cộng, nhất là không gian văn hóa. Và còn một cái thiếu nữa là "bệ đỡ" chính sách, để có thể tạo nên sự hài hòa lợi ích giữa cộng đồng với chủ của các lô đất hiện là các nhà máy, xí nghiệp cũ. 

Nhà máy In Công đoàn (cũ) được chuyển đổi thành một không gian sáng tạo hấp dẫn.
Nhà máy In Công đoàn (cũ) được chuyển đổi thành một không gian sáng tạo hấp dẫn.

Nhà máy cũ là nền tảng cho… nghệ thuật

Hà Nội đang thiếu những không gian công cộng, nhất là những không gian văn hóa. Cá biệt, một số phường tại quận Đống Đa, cả phường chỉ có vài chục mét vuông dành cho sân chơi. Trong khi, toàn thành phố hiện có khoảng 90 nhà máy, xí nghiệp phải di dời. Có những nhà máy, xí nghiệp rộng từ vài ha cho đến hàng chục ha như: Nhà máy Bia Hà Nội (quận Ba Đình), Nhà máy Dệt kim Đông Xuân (quận Hai Bà Trưng), Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên)… Thế giới từ lâu đã coi đây là những di sản công nghiệp và cần bảo tồn, phát huy giá trị. Đó là lý do rất nhiều người "mơ" những nhà máy, xí nghiệp này được chuyển đổi thành những không gian công cộng, không gian văn hóa. Trong đó, có một mô hình vừa tạo đà cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, vừa tạo không gian cho cộng đồng, đó là những không gian sáng tạo. Bản thân Hà Nội đã gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, trong đó, sự phát triển của các không gian sáng tạo chính là một trong những yếu tố để hồ sơ gia nhập Mạng lưới Thành phố sáng tạo của Hà Nội "ghi điểm" với UNESCO. Trên thế giới, chuyển đổi mô hình từ nhà máy, xí nghiệp cũ thành những không gian sáng tạo đã và đang là xu hướng phổ biến. Kiến trúc sư Bùi Thị Thúy Ngọc cho biết: "Nhóm nghiên cứu thuộc Trường đại học Kiến trúc Hà Nội chúng tôi đã thực hiện đánh giá 104 mô hình chuyển đổi mô hình di sản công nghiệp trên thế giới thì có tới 55% chuyển đổi thành các công trình văn hóa, tiếp đó là sự ưu tiên cho các mô hình giáo dục, chỉ 9% chuyển đổi thành nhà ở. Nhìn chung, từ các di sản công nghiệp, các nước phát triển ưu tiên cho các công trình văn hóa, tạo nên những môi trường đặc sắc, thậm chí trở thành biểu tượng, nơi cung cấp các trải nghiệm ý nghĩa về văn hóa, thẩm mỹ".

Lý giải tại sao các nhà máy cũ lại có thể phù hợp để chuyển đổi thành các không gian sáng tạo, kiến trúc sư Lê Phước Anh (Trường đại học Kiến trúc Hà Nội) chia sẻ: "Nếu những đình, đền, chùa dễ được chấp nhận trong việc bảo tồn thì dù những công trình nhà máy, xí nghiệp rất đẹp, lại dễ bị bỏ qua, do tính chất "công nghiệp" của nó. Di sản công nghiệp mới được biết đến ở Việt Nam gần đây và vẫn còn có thể gây tranh cãi với một bộ phận lớn người dân. Nhưng chính hình thức công nghiệp này lại đem đến những điều độc đáo, khác biệt với logic kiến trúc dân dụng thông thường. Chính logic sản xuất của những công trình này, sự khác biệt của chúng phù hợp với sáng tạo, làm nền về thẩm mỹ đương đại cho các không gian sáng tạo".

Với Hà Nội, gần đây, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Tạp chí Kiến trúc tổ chức cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo. Trong đó, hạng mục thiết kế không gian sáng tạo trên cơ sở chuyển đổi công năng của nhà máy, xí nghiệp cũ là hạng mục giành được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Nhiều kiến trúc sư đã "vẽ" ra những không gian văn hóa thú vị, trên cơ sở bảo tồn, phát huy những nhà máy, xí nghiệp nổi tiếng của Hà Nội. Ở đó, đều có các không gian sáng tạo nghệ thuật, không gian công cộng để tương tác, không gian dành cho các hoạt động dịch vụ… thực chất, đây là tổ hợp công nghiệp văn hóa.

Rào cản từ chính sách

Theo Quy hoạch phân khu đô thị N10 do UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kèm Quyết định số 6115/QĐ-UBND vào tháng 11/2014, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm sẽ được chuyển đổi thành không gian công cộng. Tại đó, sẽ có một Bảo tàng Đường sắt và nhiều không gian khác. Tuy nhiên, thực tế ai cũng biết, đây là một khu đất "vàng", được nhiều chủ đầu tư "nhòm ngó" để xây dựng nên những khu dân cư hiện đại. Bởi thế, nhiều người lo ngại rằng, tại khu đất của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, cũng như nhiều di sản công nghiệp khác của Hà Nội sẽ sớm có những cao ốc chọc trời như nhiều nhà máy, xí nghiệp đã từng di dời khác. Kiến trúc sư Lê Phước Anh cho rằng, những chính sách luôn ra đời chậm hơn so với thực tế; Hà Nội cũng như các địa phương khác thiếu khung cơ chế để có thể "tái tạo" những di sản công nghiệp này. Khi những xung đột lợi ích diễn ra thì di sản luôn biến mất.

Cũng về vấn đề này, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh đề xuất một giải pháp có tính dung hòa. Anh cho biết: "Chúng ta đang bước khỏi thời kỳ thiếu thốn nên bất động sản tiện ích chiếm ưu thế. Nhưng đến một lúc nào đó, chúng ta cần bất động sản có "nội dung" - bất động sản có hạ tầng xã hội. Nếu chúng ta phát huy được khía cạnh này, tạo ra những không gian mà mọi người di chuyển chậm - khi di chuyển chậm thì giá trị càng cao. Chúng ta có thể căn cứ vào yếu tố này để thuyết phục chủ đầu tư thay vì chỉ xây nhà để bán thì tạo giá trị cao hơn bằng những hoạt động cộng đồng tại khu vực này, thí dụ như các không gian sáng tạo". Đây cũng là hướng mà nhiều chuyên gia đề xuất. Đó là dành một phần quỹ đất tại các nhà máy cũ, để tạo dựng không gian văn hóa, bên cạnh việc xây nhà ở, giúp tăng "hàm lượng" văn hóa, tăng chất lượng sống cho các không gian. Trong bối cảnh hiện nay, giải pháp này có thể xem là hài hòa lợi ích giữa các bên.