Làm mới những chuẩn mực

MV Quốc ca của ca sĩ Tùng Dương chính thức ra mắt ngày 10/10 đang tạo nên nhiều xúc cảm cho công chúng. Cùng với một số điều chỉnh về hòa âm, phối khí, đây là lần hiếm hoi Quốc ca (hay là tác phẩm Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao) có bản thu âm chính thức của một giọng hát chuyên nghiệp solo.

Sự phổ biến và tính chất của bản Quốc ca khiến cho hầu hết các nghệ sĩ ngần ngại, không dám thử nghiệm những phương thức biểu diễn mới. Ca sĩ Tùng Dương cũng có phần e ngại, nên anh chia sẻ rằng: Với Quốc ca, dù có làm mới theo cách nào đi nữa thì vẫn phải giữ được sự hào sảng, phơi phới mãnh liệt. Nhưng, anh cũng khẳng định: Nếu chúng ta không dám thử thì sẽ không tìm ra kết quả trong việc mang lại sự tươi mới trong âm nhạc theo xu hướng thời đại. Hơn nữa, ở khía cạnh nào đó sẽ bó hẹp cơ hội minh chứng cho một tác phẩm có sức sống lâu bền. Và trong thời điểm cả đất nước đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, giới thiệu MV Quốc ca đến với công chúng là cách mà một nghệ sĩ như Tùng Dương, bằng tài năng nghệ thuật của mình, lan tỏa những cảm xúc tích cực tới cộng đồng để cùng mạnh mẽ, tự tin vượt qua gian khó.

Trước đó 10 ngày, ngày 1/10, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam làm lễ khởi công vở diễn Chén thuốc độc của tác giả Vũ Ðình Long (được công diễn lần đầu ngày 22/10/1921 tại Nhà hát Lớn Hà Nội) - là tác phẩm được coi đánh dấu sự hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam. Vở kịch được dàn dựng lần này là hoạt động nằm trong chương trình kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam. Theo chia sẻ của đạo diễn Bùi Như Lai, bản dựng lần này vẫn bảo đảm giữ được tinh thần, cấu trúc vở kịch, nhưng sẽ mang tiết tấu, nhịp sống đương đại để hấp dẫn và phù hợp khán giả hiện nay. Cũng bởi điều này, cùng với sự vui mừng, trân trọng khi dấu mốc 100 năm của sân khấu kịch nói được kỷ niệm trang trọng và ý nghĩa, đã có những lo ngại trong giới làm nghề, liệu việc làm mới một tác phẩm đã công diễn 100 năm trước có làm thay đổi tinh thần và thông điệp của vở diễn?

Sẽ phải đợi đến khi tác phẩm được hoàn thiện và ra mắt khán giả tại Nhà hát Lớn Hà Nội, dự kiến là khi dịch bệnh được kiểm soát, sân khấu được mở cửa trở lại, mới có thể nhìn nhận hiệu quả của việc làm mới tác phẩm đầu tiên của sân khấu kịch nói Việt Nam. Nhưng, ngay từ bây giờ, với tình yêu, sự trân trọng di sản quý giá của nền kịch nói nước nhà, các nghệ sĩ đang tham gia dàn dựng lại Chén thuốc độc đã chuyển tải đến công chúng một thông điệp giá trị về gia tài của nghệ thuật sân khấu Việt Nam, và nỗ lực đồng hành cùng công chúng của các nghệ sĩ.