Không gian mở cho nghệ thuật

Khi mà những lời phàn nàn về việc thiếu hụt các không gian nghệ thuật chất lượng cao, điểm đến xứng tầm cho các sáng tạo nghệ thuật, nhất là nghệ thuật tạo hình, xuất hiện ngày càng nhiều, trong bối cảnh khu vực nội đô đã quá chật chội, chen chúc, nhiều phân tích chỉ ra rằng:

Không gian mở cho nghệ thuật

Hà Nội lại đang bỏ phí một khu vực rất giàu tiềm năng cho các không gian nghệ thuật - chính là trục ven sông Hồng.

Thật ra, với lợi thế là giá rẻ, từ hàng chục năm trước, khu vực hai bên bờ sông Hồng, đoạn từ cầu Nhật Tân đến cầu Thanh Trì, đã được nhiều nghệ sĩ tạo hình chọn làm nơi đặt xưởng sáng tác và trình diễn nghệ thuật khá nổi tiếng, thu hút nhiều người tìm đến. Ðược nhìn, ngắm các tác phẩm nghệ thuật giữa không gian bên sông thoáng đãng mang lại nhiều cảm hứng, ấn tượng cho người xem.

Năm 2011, dư luận một phen ồn ào trước đề xuất biến khu vực cầu Long Biên thành một không gian nghệ thuật với hệ thống bảo tàng nghệ thuật, công viên nghệ thuật, khu trưng bày nghề truyền thống… của KTS Việt kiều Nguyễn Nga. Dù dự án không có nhiều yếu tố khả thi, mà khó khăn lớn nhất chính là nguồn kinh phí triển khai khổng lồ, nhưng ý tưởng táo bạo này đã đánh thức, mở lối một luồng tư duy mới với nhiều người, cho việc ứng xử với trục không gian sông Hồng ở khu vực Thủ đô Hà Nội.

Trước đó một chút, dự án Con đường gốm sứ cũng góp phần tạo nên một điểm nhấn cảnh quan cho khu vực bờ sông. Và mới đây nhất, dự án nghệ thuật Phúc Tân - Sông Hồng (trong ảnh) được triển khai bởi 16 nghệ sĩ tình nguyện đã góp phần biến một "điểm nóng" về vi phạm trật tự đô thị và vệ sinh môi trường thành một địa điểm check-in mới của giới trẻ Thủ đô, với 16 bức tranh tường độc đáo.

Kiến tạo những không gian văn hóa công cộng, nhất là ở khu vực hai bên bờ sông Hồng, sẽ góp phần tạo nên những địa chỉ văn hóa đặc sắc và ấn tượng cho Thủ đô.

LUÂN VŨ