Khi quy định gây khó cho lĩnh vực đặc thù

Qua bốn năm triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp, vẫn tồn tại một số nội dung chưa được quy định, hướng dẫn một cách cụ thể. Ðặc biệt, đối với các cơ sở đào tạo năng khiếu nghệ thuật, nhiều quy định đang trở thành những rào cản gây khó khăn, vướng mắc.

Một học sinh của trường xiếc mỗi ngày học ít nhất với tám giáo viên từ các môn cơ bản cho tới văn hóa phổ thông.
Một học sinh của trường xiếc mỗi ngày học ít nhất với tám giáo viên từ các môn cơ bản cho tới văn hóa phổ thông.

Nhiều bất cập cần sửa đổi

Báo cáo thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp của Vụ Ðào tạo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VHTTDL) cho biết, việc hai Bộ Giáo dục và Ðào tạo và Lao động - Thương binh và Xã hội cùng quản lý nhà nước đối với một cơ sở giáo dục như Học viện Âm nhạc quốc gia, Học viện Âm nhạc Huế, Trường Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, Trường đại học (ÐH) Sân khấu - Ðiện ảnh Hà Nội… dẫn đến sự chồng chéo về thực hiện chính sách và các quy định về quy trình đào tạo, chương trình đào tạo, mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, về đội ngũ giảng viên, giáo viên và chế độ làm việc, chế độ chính sách ưu đãi đối với giảng viên, học sinh, sinh viên, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, vấn đề đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp... Bên cạnh đó, quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp và Nghị định số 48/2015/NÐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật còn nhiều nội dung chưa phù hợp hoặc chưa được quy định đối với khối đào tạo đặc thù năng khiếu nghệ thuật như: Các ngành đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp đang triển khai trong các đại học, học viện; các quy định về quản lý đối với các trường đặc thù như cao đẳng, trung cấp văn hóa - nghệ thuật, các ngành, nghề chuyên môn đặc thù khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu.

Cần quan tâm tới tính đặc thù

Có thể nhận thấy rất rõ, tính đặc thù trong đào tạo năng khiếu nghệ thuật rất khác với các cơ sở đào tạo hiện nay trong ngành giáo dục. Thứ nhất, công tác tuyển sinh năng khiếu phụ thuộc vào từng ngành/chuyên ngành đào tạo với yêu cầu triển khai rất khác nhau. Ðối với quy mô đào tạo, có lĩnh vực có chỉ tiêu 35 em/năm như ngành xiếc, còn lại thông thường các lĩnh vực khác tổng chỉ tiêu hầu hết dưới 300 chỉ tiêu/1 năm cả bậc đại học và trung cấp. Thậm chí có những ngành có năm không tuyển được như Kèn (ngành âm nhạc), diễn viên Tuồng, Chèo, Biên kịch sân khấu (ngành sân khấu). Quy trình đào tạo liên tục từ trung cấp cho đến đại học, có những lĩnh vực các em học từ 9 tuổi như âm nhạc, múa, xiếc, sân khấu.

PGS, TS Nguyễn Ðình Thi, Hiệu trưởng Trường ÐH Sân khấu - Ðiện ảnh Hà Nội cho rằng: Cần có sự điều chỉnh Luật Giáo dục nghề nghiệp hoặc có những văn bản hướng dẫn riêng đối với tuyển sinh và đào tạo năng khiếu nghệ thuật. Ðơn cử như quy định về thời gian cứng đào tạo của nghệ thuật giống như các ngành nghề khác là bất hợp lý. Thí dụ như đào tạo diễn viên trung cấp chuyên ngành cải lương có thể ba năm, nhưng với đào tạo diễn viên tuồng thì thời gian đó lại quá ngắn không bảo đảm được chất lượng đào tạo. PGS, TS Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cho biết, đã có lúc trường điều chỉnh thời gian đào tạo từ sáu năm xuống bốn năm nhưng việc làm này không thành công và hiện nay trường đang đào tạo 5 năm cho khóa diễn viên xiếc hệ trung cấp.

Có thể khẳng định là công tác tuyển sinh, đào tạo đối với nghệ thuật là vô cùng khó khăn và tốn kém. Ðào tạo năng khiếu nghệ thuật khác với các lĩnh vực đào tạo đại trà. Ðối với các ngành/lĩnh vực khác, một thầy có thể giảng dạy cho quy mô lớp đến hàng trăm sinh viên, còn đào tạo nghệ thuật lại phải chia thành những lớp nhỏ, một thầy hoặc thậm chí 2 - 3 thầy dạy một trò. Một học sinh của trường xiếc mỗi ngày học ít nhất với tám giáo viên từ việc học các môn cơ bản cho tới văn hóa phổ thông.

TSKH Phạm Ðỗ Nhật Tiến cho rằng, đào tạo nghệ thuật nhất là diễn viên không thể đòi hỏi phải có học hàm, học vị đối với các giảng viên là NSND, NSƯT. Nếu cứ áp dụng các quy định cứng như vậy thì sẽ không thể bảo đảm chất lượng đào tạo cho lĩnh vực này.

Những bất cập trong công tác tuyển sinh và đào tạo các ngành năng khiếu thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch cho thấy, cần phải có sự điều chỉnh, sửa đổi về chính sách pháp luật giáo dục nghề nghiệp sao cho phù hợp tính đặc thù của các cơ sở đào tạo chuyên ngành này, trong đó có vấn đề về chính sách đào tạo, đào tạo chuyên sâu đối với các ngành văn hóa, nghệ thuật (VHNT); đầu tư có trọng điểm đối với ngành VHNT, thể thao; đối tượng đào tạo dân tộc thiểu số; quy định bằng cấp đối với cán bộ giáo viên trong đào tạo VHNT là chưa hợp lý... Nếu không có cơ chế đặc thù trong đào tạo ngành năng khiếu nghệ thuật thì sẽ không thể đào tạo được trong lĩnh vực này. Kéo theo đó là nguy cơ mất nguồn nhân lực và không bảo tồn được nghệ thuật dân tộc.

Thứ trưởng VHTTDL Tạ Quang Ðông nhận định: “Luật Giáo dục nghề nghiệp đang là cơ sở pháp lý rất quan trọng tạo cơ sở ổn định cho phát triển đào tạo nghề nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số bất cập đối với ngành đào tạo năng khiếu nghệ thuật”.