Kết cấu của nhận thức

Không chỉ là những mất mát không thể cứu vãn khi tấm bia đá cổ hơn ba trăm năm tuổi tại di tích quốc gia chùa Thổ Hà bị vỡ do sự tắc trách, cẩu thả của đơn vị thực hiện dự án tu bổ toàn diện di tích này, vụ việc, thêm một lần nữa, cho thấy rõ hơn những bất cập cả trong quy định và nhận thức về hoạt động bảo tồn, trùng tu di sản.

Được ghi niên đại dựng vào năm Vĩnh Trị thứ tư (1679), tấm bia đá bị vỡ là loại bia có chữ khắc bốn mặt, bằng đá xanh, ghi tên những người công đức và quá trình xây dựng gác chuông chùa Thổ Hà, minh chứng sinh động cho sự hưng thịnh của nghề gốm ở làng nghề thủ công nổi tiếng từ thế kỷ 18. Đã từng trải qua nhiều lần di chuyển, chịu nhiều tác động mạnh bởi nước (ngập lụt) và lửa (cháy tháp chuông chùa), tấm bia vẫn giữ được hình thức nguyên vẹn và khá đẹp.

Vậy nhưng, chỉ bởi sự tùy tiện, cẩu thả và thiếu kiến thức chuyên môn của đơn vị thi công (Công ty cổ phần Bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc Việt), tấm bia đã bị vỡ thành nhiều mảnh. Đáng nói, tấm bia vốn không nằm trong các hạng mục cần tu bổ, tôn tạo theo hồ sơ đã được các cơ quan chức năng phê duyệt. Việc di chuyển tấm bia chỉ thuần túy để thuận tiện cho hoạt động của đơn vị thi công. Khi vụ việc bị phát hiện, vẫn còn có nhiều người liên quan lên tiếng bao biện rằng do kết cấu của tấm bia đã bị hư hại nhiều nên khi di chuyển mới bị vỡ ra như vậy.

Sự vào cuộc nhanh chóng của Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phần nào an ủi những người yêu di sản. Theo đó, Cục đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang chỉ đạo chủ đầu tư dự án bảo vệ tại chỗ bia đá, và khẩn trương lựa chọn phương án cũng như đơn vị thực thi đủ năng lực để tu bổ, phục hồi tấm bia và đánh giá mức độ ảnh hưởng của vụ việc. Đồng thời, cần tiến hành rà soát lại toàn bộ quá trình triển khai thực hiện dự án tu bổ di sản này, đánh giá lại việc phân loại để tái sử dụng các cấu kiện gỗ - vốn được coi là còn giữ được nhiều giá trị, nhưng đã bị đơn vị thi công thẳng tay loại bỏ, thay mới.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc phục hồi nguyên trạng tấm bia là điều không thể. Có nhà nghiên cứu di sản còn đề nghị giữ lại nguyên trạng bia đá bị vỡ như một lời cảnh tỉnh về cách thức ứng xử vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết với di sản. Quanh vụ việc, một số ý kiến cũng chỉ ra lỗ hổng khá lớn tồn tại trong quy định của hoạt động tư vấn thiết kế tu bổ, hiện vẫn được áp dụng theo quy định về xây dựng cơ bản, khiến cho quá trình tu bổ gần như được khoán trắng cho nhà thầu. Khi phát hiện sai phạm thì hậu quả đã là vô cùng lớn đối với di sản.

Di sản vật thể vốn là những giá trị đơn nhất, chứa rất nhiều thông điệp vô giá. Rất nhiều di sản đã vượt qua những thăng trầm, biến động của lịch sử để góp mặt với hiện tại. Nhưng, ý thức của con người sẽ quyết định sức sống trường tồn hay ngắn ngủi của những di sản đó.