Huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực phát triển văn hóa

Huy động nguồn lực để đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hóa luôn là vấn đề được quan tâm, bàn thảo từ nhiều năm nay. Nhất là, từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, việc thúc đẩy để văn hóa thật sự trở thành nền tảng, động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, để có thể "soi đường cho quốc dân đi" càng trở thành nhiệm vụ cấp thiết. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về giải pháp thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực phát triển văn hóa

Phóng viên (PV): Thưa ông, nguồn lực đầu tư được coi là yếu tố quan trọng để nâng tầm và thúc đẩy sự phát triển của văn hóa. Ông có thể cho biết, trong bối cảnh đất nước ta hiện nay, nguồn lực đầu tư cho văn hóa cần được hiểu như thế nào? Và vì sao phải tăng cường nguồn lực đầu tư cho văn hóa?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn (BHS): Việc đầu tư nguồn lực cho văn hóa là một tín hiệu hết sức đáng mừng, báo hiệu chúng ta ngày càng quan tâm một cách thực chất hơn cho văn hóa. Thông thường, chúng ta hiểu nguồn lực đầu tư cho văn hóa liên quan đến tài chính, cụ thể hơn là tiền cho văn hóa. Tuy nhiên, tôi nghĩ rộng hơn đến các nguồn lực khác để có thể phát triển văn hóa một cách toàn diện, đó là nguồn lực thể chế-chính sách, tài chính, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hóa. Xem xét trên quan điểm này, chúng ta sẽ xử lý vấn đề phức tạp như văn hóa ở một bình diện rộng, tổng thể, toàn diện hơn, đúng với ý nghĩa, vị trí và vai trò của văn hóa trong phát triển đất nước. Tăng cường đầu tư cho văn hóa không chỉ thể chế hóa quan điểm, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với phát triển văn hóa, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế-xã hội, mà còn tạo điều kiện cho văn hóa góp phần phát triển bền vững đất nước, xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc từ/bằng văn hóa.

PV: "Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa"- là một trong các giải pháp được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, tháng 11/2021, nhằm hiện thực hóa mục tiêu chấn hưng và phát triển nền văn hóa đất nước. Triển khai các nội dung này trong thực tế, theo ông, cần phải làm gì?

BHS: Đầu tư cho văn hóa đã và đang được khẳng định là một trong những trọng trách của Nhà nước, tạo điều kiện cho văn hóa phát triển. Vì vậy, trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta chủ trương "lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững" và quan tâm đầu tư đúng mức cho phát triển văn hóa. Việc phát triển văn hóa theo các định hướng lâu dài, cho dù đó là mục tiêu đa dạng hóa văn hóa (đa dạng hóa cách thức sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và hoạt động văn hóa, đa dạng hóa cách tiếp cận văn hóa...) hay dân chủ hóa văn hóa (bảo đảm mọi người dân thuộc mọi thành phần xã hội đều có thể tham gia quá trình sáng tạo, phân phối và hưởng thụ văn hóa) và phúc lợi văn hóa…, đều cần đến nền tảng vững chắc về tài chính.

Tuy nhiên, rõ ràng, so với nhu cầu phát triển văn hóa, ngân sách dành cho văn hóa còn nhiều hạn chế. Năm 2019, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thừa nhận rằng mức chi cho văn hóa mới chỉ dừng lại ở 1,71% chi thường xuyên, thấp hơn so với yêu cầu là 1,8% đã được đưa ra từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (Ban Chấp hành Trung ương Khóa VIII) từ năm 1998. Khi nguồn lực ngân sách cho phát triển văn hóa không đáp ứng yêu cầu, chắc chắn nhiều vấn đề liên quan văn hóa sẽ bị ảnh hưởng.

Không chỉ mức chi cho văn hóa thấp, điều quan trọng không kém là tình trạng đầu tư cho văn hóa còn dàn trải, chưa thật sự mang lại hiệu quả. Trong khi các tác phẩm nghệ thuật do Nhà nước đầu tư chủ yếu vẫn gắn với việc phục vụ cho những ngày lễ lớn hoặc những sự kiện chính trị quan trọng, các chương trình đầu tư dài hạn lại không được triển khai một cách đồng bộ. Chương trình Mục tiêu quốc gia về điện ảnh là một thí dụ điển hình. Trong khi phần lớn số tiền được đầu tư vào việc nâng cấp cơ sở kỹ thuật phục vụ công nghiệp điện ảnh và đầu tư trang thiết bị cho các hãng phim, việc đào tạo nguồn nhân lực lại bị bỏ qua. Rất nhiều thiết chế văn hóa ở cơ sở hoạt động cũng không hiệu quả so với kỳ vọng của xã hội.

Để khắc phục tình trạng này, triển khai hiệu quả đầu tư tài chính cho văn hóa, chúng ta cần thực hiện những giải pháp đồng bộ sau: nâng cao năng lực quản trị và cơ chế phân bổ nguồn đầu tư công trong việc huy động và phân bổ nguồn lực tài chính cho phát triển văn hóa. Như vậy, thay vì đầu tư dàn trải, cơ chế đầu tư cần hướng tới các mục tiêu dài hạn và được triển khai theo các tiêu chí ngày càng rõ ràng hơn. Theo đó, Nhà nước xây dựng kế hoạch cụ thể và lựa chọn đầu tư vào các lĩnh vực, các ngành trọng điểm, ưu tiên các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số loại hình nghệ thuật truyền thống cần bảo tồn, phát huy. Để bảo đảm tính chất công ích, giá trị phúc lợi xã hội của lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật, Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư vào loại hình sản phẩm và dịch vụ văn hóa phục vụ nhu cầu chung của cả cộng đồng nhưng không có sẵn hoặc ít được các doanh nghiệp cung cấp trên thị trường vì khả năng sinh lời hạn chế hay một số sản phẩm và dịch vụ văn hóa không thể do tư nhân cung ứng vì đòi hỏi những điều kiện nhất định mà chỉ có Nhà nước mới đủ tiềm lực để thực hiện.

Nguyên tắc căn bản trong phân bổ nguồn lực quốc gia chính là "đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", tức là, đầu tư từ ngân sách Nhà nước chỉ đóng vai trò "làm mồi" để thu hút thêm các nguồn đầu tư từ doanh nghiệp và xã hội vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao (như cơ sở hạ tầng, quảng bá thương hiệu, đào tạo nhân lực…). Nhà nước cần bảo đảm sự công bằng trong phân phối nguồn lực: xây dựng tiêu chí cụ thể và hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng về thủ tục xin tài trợ; bảo đảm quyền bình đẳng trong tiếp cận nguồn tài trợ công giữa các đơn vị công lập và tư nhân, giữa các nghệ sĩ làm việc cho các tổ chức và các nghệ sĩ tự do.

Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi (về thuế, phí, tín dụng, quyền sử dụng đất…) nhằm đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa. Nhà nước cũng khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản... Xây dựng cơ chế ưu đãi (như miễn/giảm thuế…) nhằm khuyến khích thành lập doanh nghiệp xã hội cung cấp các dịch vụ phi lợi nhuận và tạo tác động xã hội.

PV: Nguồn lực con người được xem là có vai trò quan trọng nhất, song cũng lại là khâu đang rất yếu, đặc biệt ở các thiết chế văn hóa, trong công tác quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật cũng như nhiều lĩnh vực liên quan. Làm thế nào để thay đổi thực trạng đó?

BHS: Bác Hồ đã từng nói: "Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Cán bộ là gốc của mọi công việc...". Trong phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng trăn trở: "Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới".

Văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn và phức tạp nên đòi hỏi cán bộ vừa phải tâm huyết, nhưng cũng cần am hiểu sâu về văn hóa để có thể đồng cảm, lý giải, phân tích rõ ràng những vấn đề, giá trị của văn hóa, từ đó có những quan điểm, định hướng, giải pháp rõ ràng cho sự phát triển văn hóa. Bởi vậy, chúng ta cần xây dựng chính sách sử dụng cán bộ văn hóa hợp lý, phù hợp với chuyên môn, trình độ ở tất cả các cấp quản lý. Hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ đặc thù đối với trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân như chế độ lương, nhuận bút, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp, chế độ đãi ngộ khác...; đầu tư phát triển các trường văn hóa nghệ thuật trên cả nước theo định hướng mới, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hỗ trợ đào tạo nghệ thuật khó, hiếm, đỉnh cao, nghệ thuật truyền thống. Khuyến khích nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia giảng dạy các ngành nghệ thuật đặc thù, cũng như thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh các bộ môn nghệ thuật truyền thống dân tộc.

Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) ghi rõ: "Văn hóa là một mặt trận; xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì thận trọng". Vì vậy, việc bố trí cán bộ cho ngành văn hóa, làm về lĩnh vực văn hóa phải hết sức thận trọng, để họ thật sự trở thành đội ngũ tiên phong, làm gương sáng cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khơi dậy khát vọng hùng cường, hạnh phúc cho toàn dân tộc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!