Giải thưởng và những băn khoăn về chất lượng

Đã nhiều năm nay, hầu như mùa xét tặng giải thưởng, danh hiệu nào cũng luôn tạo nên những băn khoăn, chưa đồng tình trong đánh giá. Dư luận đang đặt câu hỏi rằng, ý nghĩa thật sự của những giải thưởng, danh hiệu vinh dự do Nhà nước trao tặng liệu có còn vẹn nguyên giá trị.

Đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy.
Đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy.

Tiêu chí và trách nhiệm "cầm cân nảy mực"

Mùa xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2021, dư luận tiếp tục dậy sóng việc hai Nghệ sĩ Nhân dân Trần Văn Thủy và Ðào Trọng Khánh "trượt" khỏi danh sách đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Thi đua, Khen thưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, công tác xét tặng Giải thưởng năm 2021 lần đầu tiên được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 133/2018/NÐ-CP, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 90/2014/NÐ-CP của Chính phủ. Hội đồng với hai phần ba là các nhà chuyên môn trong lĩnh vực điện ảnh đã họp, xem xét thảo luận từng hồ sơ trên nguyên tắc công khai, khách quan, độc lập, dân chủ và tiến hành bỏ phiếu kín, kiểm phiếu, công bố kết quả ngay tại phiên họp. Cụm tác phẩm phim tài liệu: Những người dân quê tôi, Phản bội, Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế và Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai do Nghệ sĩ Nhân dân Trần Văn Thủy đại diện làm hồ sơ đăng ký, và cụm tác phẩm phim tài liệu: Một thế kỷ - một đời người, Giọt nước giữa đại dương do Nghệ sĩ Nhân dân Ðào Trọng Khánh đại diện làm hồ sơ đăng ký tác phẩm đều đã qua vòng xét tặng cơ sở, tuy nhiên không đủ số phiếu để được thông qua ở vòng tiếp theo. Thông tin này ngay lập tức đã tạo "sóng", nhiều người bày tỏ sự ngỡ ngàng, tiếc nuối, thậm chí đặt câu hỏi về phương thức đánh giá của Hội đồng.

Phim của hai đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy và NSND Ðào Trọng Khánh là những tác phẩm được nhiều khán giả biết đến. Thậm chí, Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế được cho là những tác phẩm "có số phận" khi đã từng bị đưa vào danh sách cấm chiếu một thời gian dài, sau đó chính hai phim này đã tạo thành "cơn sốt" phòng vé khắp cả nước… Bởi thế, nếu theo tiêu chí khán giả thì có lẽ ít có phim tài liệu nào có thể vượt qua hai tác phẩm trên.

Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước năm nay nhận được 331 hồ sơ xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật. Sau các phiên làm việc và bỏ phiếu của các hội đồng chuyên ngành, 83 hồ sơ ở cả hai giải thưởng đã bị loại, trong đó Giải thưởng Hồ Chí Minh bớt đi chín hồ sơ, Giải thưởng Nhà nước bớt 74 hồ sơ trước khi trình Hội đồng cấp Nhà nước xem xét. 74 hồ sơ bị loại được hiểu là những hồ sơ không đáp ứng đủ những tiêu chí, quy định tại Nghị định số 133/2018/NÐ-CP của Chính phủ. Những quy định này cũng chính là nguyên tắc phải tuân thủ khi xét tặng giải thưởng, mà các thành viên hội đồng được xem là những người được giao trọng trách "cầm cân nảy mực".

Ðể tôn vinh đúng giá trị

Dư luận thường có nhiều tranh luận sau khi Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước công bố danh sách hồ sơ đủ điều kiện tiếp tục trình lên Hội đồng cấp Nhà nước, được hiểu là Hội đồng cuối cùng trong quy trình xét tặng. Nhà thơ Xuân Quỳnh, Thu Bồn ở đợt xét tặng Giải thưởng năm 2016; Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hạnh và các nghệ sĩ cải lương khu vực phía nam là Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu của đợt xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú năm 2019 và trường hợp không đủ số phiếu vừa qua của hai Nghệ sĩ Nhân dân Trần Văn Thủy và Ðào Trọng Khánh… là những cái tên được dư luận nhiều lần nhắc đến. Ðằng sau đó là những băn khoăn về mức độ chính xác, khách quan, phương thức đánh giá của các hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, được hiểu là khâu thứ hai trong quy trình xét giải thưởng.

Theo một số thành viên đã từng ngồi ghế hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, một trong những vấn đề đang đặt ra là tính chuyên nghiệp ở hội đồng cấp cơ sở. Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu cho rằng, nơi nào cũng vậy, các địa phương luôn mong muốn sẽ có nghệ sĩ của mình trong danh sách được tôn vinh, dẫn đến có những liên hoan mà giải thưởng, huy chương được trao tặng gần như một kiểu động viên. Ðiều này khiến cho số lượng hồ sơ từ hội đồng cấp cơ sở đưa lên hội đồng cấp trên ít nhiều rơi rụng. "Các hồ sơ được hội đồng cơ sở đưa lên hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước đều sẽ tiếp tục được chọn lựa để bảo đảm tính chính xác, khách quan. Ðiều đó càng đòi hỏi hội đồng cơ sở cân nhắc, đánh giá kỹ càng. Những quy định tại Nghị định sửa đổi ngoài tiêu chuẩn huy chương được căn chuẩn để đánh giá thì đã có thêm những quy định mới, tương đối "mở", đòi hỏi sự sát sao và công tâm của hội đồng cơ sở", theo NSND Trần Ngọc Giàu.

Một vấn đề khác cũng đang được dư luận quan tâm là số lượng tác giả, tác phẩm được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật; các tác giả được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú những năm gần đây. Liên quan vấn đề này, cũng đã nhiều lần giới văn nghệ sĩ đề xuất rằng đã đến lúc phải thay đổi cách xét giải thưởng, nhất là Giải thưởng Hồ Chí Minh, tránh tình trạng suy giảm về chất lượng. Bởi nhìn vào danh sách đề nghị không của riêng lĩnh vực nào cũng thấy có ít tác phẩm đạt đến tiêu chí Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhất là khi so với những tên tuổi, tác phẩm của các tác giả được Giải thưởng giai đoạn đầu. Chưa kể, nhiều tác giả trước đây đã chọn tác phẩm xuất sắc để xét Giải thưởng Nhà nước, đến khi xét Giải thưởng Hồ Chí Minh bị rơi vào tình trạng chất lượng tác phẩm không bằng Giải thưởng Nhà nước của chính tác giả đó.

Thiết nghĩ những đánh giá, nhận xét để xét tặng giải thưởng, danh hiệu được đưa ra cần dựa trên cơ sở nhìn nhận thật sự khách quan, không cảm tính. Hãy sòng phẳng và công tâm để gìn giữ giá trị của giải thưởng danh giá dành cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật ■