Đón đầu thực tiễn, khắc phục bất cập

Sau 10 năm kể từ khi Luật Quảng cáo được thực thi, cùng với những kết quả đạt được, thực tế đã nảy sinh nhiều bất cập. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, việc tổng kết, đánh giá và đề xuất xây dựng Luật Quảng cáo (sửa đổi) là nhiệm vụ bức thiết nhằm định hướng xây dựng, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp quảng cáo, tạo dựng hành lang pháp lý phù hợp để tăng cường hiệu quả quản lý trong thời gian tới.

Bên sông Hàn. Ảnh: Cục Văn hóa cơ sở
Bên sông Hàn. Ảnh: Cục Văn hóa cơ sở

Không theo kịp thực tiễn

10 năm qua, kể từ khi Luật Quảng cáo được ban hành và đi vào thực tiễn, những quy định trong Luật đã tác động thiết thực, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, phát triển cơ sở hạ tầng quảng cáo, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, góp phần chấn chỉnh, tạo cảnh quan môi trường khang trang, hiện đại, văn minh; khắc phục tình trạng quảng cáo sai sự thật, phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục...

Tuy nhiên, sau một thập niên, nhiều quy định không theo kịp thực tiễn đã dẫn đến những vấn đề bất cập. Nhiều doanh nghiệp vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ các yếu tố truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục. Bên cạnh đó là yêu cầu về sự thích ứng của các doanh nghiệp trước những xu thế quảng cáo mới trên thế giới; việc tiếp nhận các phương thức, nội dung trên các phương tiện quảng cáo của người dân cũng cần nghiên cứu, có giải pháp quản lý hiệu quả…

Đồng tình với nhận định này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam cho rằng, hoạt động thiếu chuyên nghiệp đã dẫn đến nhiều bất cập, đóng góp của quảng cáo vào ngân sách nhà nước còn hạn chế. Vì vậy, thời điểm sau 10 năm thực thi là phù hợp để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy phát triển quảng cáo.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao TP Hồ Chí Minh Võ Trọng Nam chia sẻ, một trong những bất cập phổ biến hiện nay là hình thức quảng cáo trên mạng xã hội ngày càng phổ biến, nhưng việc quản lý chỉ tập trung vào hậu kiểm, xử lý vi phạm mà chưa có kế hoạch, chiến lược quản lý, phát triển đối với loại hình này. Sự khác nhau về quy định giữa các luật điều chỉnh liên quan; thiếu tính đồng bộ về việc cấp phép xây dựng đối với các công trình quảng cáo thuộc phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ; việc quản lý về nội dung đối với quảng cáo trên phương tiện giao thông và màn hình chuyên quảng cáo chưa triệt để… cũng tạo nên nhiều vướng mắc cho hoạt động của lĩnh vực này.

Khẳng định việc thực hiện Luật Quảng cáo đã tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất cho quản lý và hoạt động quảng cáo phát triển, ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng cũng nêu một số bất cập nảy sinh như: tình trạng treo bảng quảng cáo không đúng số lượng và vị trí cho phép, thời gian treo vượt quá thời hạn; lực lượng hậu kiểm của Sở mỏng, gây khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý. Phổ biến tình trạng biển hiệu che kín mặt tiền; xuất hiện nhiều loại hình quảng cáo bằng chữ điện tử giới thiệu các dịch vụ, kèm nội dung tiếng nước ngoài; các loại hình về quảng cáo trên khinh khí cầu, cổng chào, mô hình, lồng đèn, du thuyền… cũng xuất hiện nhiều mà thiếu chế tài xử lý.

Chú trọng tính đồng bộ và hiệu quả

Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Trường Sơn cho rằng, quảng cáo là lĩnh vực nhạy cảm, đặc thù và quan trọng trong ngành kinh tế. Luật sửa đổi, bổ sung cần chú trọng cải cách thủ tục hành chính; tăng cường hậu kiểm, xử lý mạnh vi phạm trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

"Đặc biệt, cần lưu ý rằng Luật sửa đổi, bổ sung phải đón đầu xu thế 10, 20 năm nữa; với những xu thế phát triển mạnh mẽ. Trong đó, quản lý quảng cáo trực tuyến, quảng cáo trên mạng xã hội xuyên biên giới sẽ rất phức tạp. Hãy hình dung trong tương lai, cuộc sống sẽ là thế giới ảo, chúng ta ngồi đây nhưng lại có thể đi dạo trên đại lộ Hollywood của Mỹ. Luật cần đón đầu để đưa ra giải pháp phù hợp…", Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nhấn mạnh.

"Tính phù hợp của nội dung quảng cáo là vấn đề được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Nhiều quảng cáo phản cảm, gây tranh cãi; quảng cáo không đúng sự thật, phóng đại quá mức khiến người tiêu dùng bị ảnh hưởng. Thực tế này ngày càng phổ biến và nghiêm trọng nhưng chưa có chế tài xử phạt, răn đe thích hợp…", theo Cục trưởng Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Ninh Thị Thu Hương.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất một số chính sách cần sửa đổi, bổ sung như: Các quy định về tổ chức, cá nhân nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu quảng cáo về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động của mình tại Việt Nam; các quy định đối với hoạt động đầu tư, hợp tác của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài; quy định về cơ chế hoạt động của hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo, hiệu lực pháp lý của kết quả thẩm định, đồng thời tăng cường yêu cầu của việc xây dựng và thực thi quy tắc ứng xử; quy định về thời lượng quảng cáo cho phép trên chương trình phim truyện; quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải; một số nội dung về thủ tục hành chính tại Luật Quảng cáo…

Đồng thời, đại diện Bộ cũng lưu ý, cần nghiên cứu tổng thể thực trạng để đề xuất sửa đổi, sao cho các quy định sẽ có tính thống nhất, đồng bộ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển thuận lợi, cạnh tranh công bằng, minh bạch, đưa hoạt động quảng cáo phát triển và đi vào nền nếp.