Điệu hát thờ bên dòng sông huyền sử

Ven sông Đáy hiền hòa có biết bao làng cổ, làng văn hóa vẫn giữ được vẻ thanh bình, nếp sống gần gũi với thiên nhiên. Ở đất Thi Sơn (Kim Bảng - Hà Nam), nơi dòng sông uốn khúc tuyệt đẹp, các làn điệu hát dặm độc đáo được bảo tồn, lưu giữ qua thời gian, vẹn nguyên sức sống trong những ngày lễ hội, sinh hoạt văn hóa, và còn được trình diễn ở nước ngoài, làm lan tỏa những giá trị truyền thống dân tộc.

Bà Trịnh Thị Phẩm hướng dẫn học trò múa hát.
Bà Trịnh Thị Phẩm hướng dẫn học trò múa hát.

Lối hát độc đáo
 
 Bao lần ngắm cảnh, nghe hát ở Ngũ Động Thi Sơn (năm động nối liền nhau tại thôn Quyển Sơn), lần nào trong tôi cũng đượm đầy cảm xúc. Không chỉ bởi phong cảnh hữu tình, mà những làn điệu hát dặm (hát dậm) được kỳ công lưu giữ đưa người nghe trở về với những câu chuyện văn hóa nhuốm đậm dấu ấn thời gian. Theo các lão niên và tài liệu của nhà nghiên cứu Trọng Văn, hát dặm gắn với truyền thuyết về danh tướng Lý Thường Kiệt. Năm 1069, Lý Thường Kiệt đem quân đánh Chiêm Thành, đến đoạn sông Đáy gần trại Canh Dịch (thôn Quyển Sơn ngày nay) thì gặp gió lớn, làm gãy cột buồm, cuốn lá cờ lên trên đỉnh núi. Ngài cho quân dừng nghỉ. Đêm đó trong giấc ngủ, ngài mơ thấy có một người mẹ trên tay bế con đứng ở đầu thuyền và nói: “Trận này cất quân đi đánh giặc sẽ giành thắng lợi”. Sáng ra Lý Thường Kiệt cho sửa soạn lễ vật tế trời đất cầu chiến thắng và đặt tên ngọn núi có lá cờ bị cuốn lên là Cuốn Sơn, trại Canh Dịch thành làng Cuốn Sơn, sau này đổi thành Quyển Sơn.
 
 Thắng giặc trở về, qua Quyển Sơn, Lý Thường Kiệt cho quân làm lễ tạ ơn trời đất, khao thưởng quân sĩ và dân làng. Trong thời gian ngắn lưu lại ngài cho tuyển những cô gái thanh tân trong làng đến và dạy điệu hát thờ. Lối hát ấy sau được gọi là hát “dặm”. Ngài còn dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Để ghi nhớ công lao, dân làng lập đền thờ Lý Thường Kiệt tại đền Trúc và hằng năm tổ chức hội từ mồng một đến mồng mười tháng Giêng. Từ đó, hát dặm trở thành nét sinh hoạt văn hóa riêng, độc đáo trong những ngày lễ hội và sinh hoạt văn hóa của vùng quê này.
 
 Theo nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Trịnh Thị Phẩm - bà trùm phường dặm Quyển Sơn, dựa vào những đặc điểm diễn xướng, có thể xác định được sự độc đáo của hát dặm. Cụ thể, đặc điểm diễn xướng thứ nhất là hội dặm tái hiện sự kiện lịch sử và nhân vật anh hùng, chủ yếu là chiến công “bình Tống phạt Chiêm” của quân và dân nhà Lý, nhằm bảo vệ chủ quyền dân tộc và cương vực đất nước Đại Việt. Hành động hội chính được các gái dặm trình diễn qua các làn điệu “Trẩy quân”, “Mái hò một”, “Mái hò hai”, “Mái hò ba”, “Chèo quỳ”... tập trung vào hình ảnh mái chèo và con thuyền, mang đậm dấu ấn văn hóa lúa nước.
 
 Đặc điểm thứ hai của hội dặm là tái hiện việc sản xuất nông nghiệp và tổ chức, xây dựng làng xã. Đặc điểm này thể hiện qua hình ảnh biểu trưng cấy lúa, chăn tằm, dệt vải, làm nhà... được bộc lộ qua các làn điệu “Trấn ngũ phương”, “Cần miêu”, “Chăn tằm”, “Mắc cửi”, “May áo”...
 
 Khác với nhiều lễ hội khác, ở hội dặm chỉ thuần túy lĩnh xướng, đồng xướng, đối xướng giữa nữ với nữ. Thêm nữa, đặc điểm diễn xướng thứ tư của hội dặm là trình diễn song hành cặp đôi giữa múa hát trên đình với bơi chải (dưới sông), tạo thành cặp biểu tượng nam - nữ, cạn - nước, âm - dương.
 
 Đội múa hát dặm có khoảng 12 đến 24 “con dặm”, với độ tuổi từ 14 đến 20, là những cô gái chưa lập gia đình. Trong những ngày diễn ra lễ hội, trước bàn thờ Thánh khi diễn xướng bà trùm mặc áo lụa vàng, đội khăn vàng đứng giữa. Dọc hai bên là các thiếu nữ duyên dáng trong tà áo truyền thống, đầu đội khăn vấn mầu đỏ, thắt lưng mầu đỏ, đứng thẳng hàng quay mặt vào ban thờ và cùng hát xướng. Bà Phẩm cho hay: “Hát dặm có 38 bài, là những bài thơ, văn có làn điệu. Bài dài tới cả trăm câu thơ. Bài ngắn chỉ có ba, bốn câu. Hát dặm không chia thành chặng, phường dặm vừa hát vừa múa từ bài này sang bài khác. Trong 38 làn điệu ấy có một nửa là nhạc múa, còn lại là hát. Ngày nay không phải kỳ hội xuân, thì phường chúng tôi để cả chị em lớn tuổi cùng hát”.
 
 Cùng với tâm huyết của các đời bà trùm, người dân, con dặm, các làn điệu hát dặm luôn được gìn giữ, trở thành di sản văn hóa của Hà Nam nói riêng và cả nước nói chung.
 
 Ước nguyện của hai nghệ nhân
 
 Hiện nay, NNƯT Trịnh Thị Phẩm còn hiểu và hát được 38 làn điệu, cũng là người đang tích cực thắp tình yêu múa hát cho các em gái trong làng. Hằng ngày, bà vẫn làm việc đồng áng, vườn tược, thời gian rảnh lại tập hợp các em nhỏ về nhà mình truyền dạy với mong ước, làn điệu của quê hương sẽ sống mãi.
 
 Trong lúc trò chuyện, bà Phẩm rưng rưng cầm tấm ảnh của chị gái mình - bà Trịnh Thị Răm, đã mất cách đây vài năm. Bà kể rằng, bà Răm là người có công lớn gìn giữ, phát triển và đã nhiều chuyến mang các làn điệu hát dặm đến biểu diễn ở 14 nước trên thế giới. Bà Phẩm tâm sự: “Năm chị tôi 12 tuổi được cụ trùm Phạm Thị Nhích phát hiện ra giọng ca và từ đó được truyền dạy. Sau này cụ Nhích mất, cụ Nguyễn Thị Thinh lên thay và vẫn dạy chị gái tôi. Nhưng rồi chiến tranh, giặc dã, hát dặm cũng bị lắng xuống. Sau đó chính chị tôi gây dựng lại phong trào và thành trùm phường”.
 
 Vậy cơ duyên nào khiến hát dặm có điều kiện được biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới? Bà Phẩm nói rằng, khi hát dặm được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa biết đến, thì biên đạo Esola Thủy, là người thích nghiên cứu các điệu hát cổ truyền Việt Nam, đã ngỏ ý mời một số nghệ nhân ra nước ngoài biểu diễn. Trong năm 2005 và 2006 bà Răm được mời đi bốn đợt, mỗi đợt bốn tháng, còn bà Phẩm được đi một đợt. Những câu hát dặm đã vang lên trên sân khấu biểu diễn ở Mỹ, Đan Mạch, Na Uy, Anh, Bỉ, Đức… Bà Phẩm tự hào: “Mừng là vì bè bạn quốc tế biết đến các điệu hát cổ truyền, chúng ta có cơ hội quảng bá văn hóa”.
 
 Sáu năm trước, cũng tại không gian đền Trúc, nơi dẫn vào Ngũ Động Thi Sơn, tôi đã được bà Trịnh Thị Răm (sinh năm 1924) giới thiệu về những nét đẹp của hát dặm. Bà Răm cũng tích cực dạy em gái mình để có thêm người đồng hành trong việc gìn giữ di sản cha ông. Cũng năm đó, qua trò chuyện tôi được biết bà Răm có chồng và con trai là liệt sĩ, còn bà Phẩm có chồng là liệt sĩ. Cả hai bà đều ở vậy để nuôi nấng những người con còn thơ dại nên người, tựa nương vào nếp quê nghèo, gìn giữ điệu hát. Tôi nhớ lời bà Răm bộc bạch: “Tôi tham gia nhiều buổi giao lưu văn nghệ, không ít ông bà ở những vùng quê khác nhau chia sẻ về những khó khăn của hát truyền thống trong thời hiện đại. Vì thế tôi có ước ao không để hát dặm thất truyền”.
 
 Bà Phẩm hôm nay cũng chia sẻ với tôi tâm nguyện đó. Theo bà, hát dặm bao giờ cũng có một người đứng đầu làm trùm. Người đó phải lớn tuổi, hát hay, thuộc hết làn điệu, đồng thời biết dẫn hướng cho đội hát. “Từ năm 1974 cho đến năm 2014 chị Răm giữ chức vị trùm phường. Năm 2014, chị tôi giao lại cho tôi, là người khỏe hơn với mong muốn hát dặm được phát triển bền vững”, bà Phẩm thổ lộ.
 
 Để chúng tôi hiểu rõ hơn về hát dặm, bà Phẩm dẫn các cháu nhỏ ra sân, chỉnh từng cách cầm quạt, vạt áo. Rồi phường hát ngân lên làn điệu dân dã: “Làng Quyển Sơn sơn thủy hữu tình/ Có huyệt tam thế một mình núi cao/ Cỏ Thi mọc như chiêm bao/ Để cho thiên hạ ước ao đến tìm/ Đồn rằng núi Cấm lắm chim/ Để cho thiên hạ đến tìm cỏ Thi/ Một năm tế lễ có một kỳ/ Luật làng phép nước hát đủ 30 ngày/ Trên hát dặm dưới sông bơi chải/ Các cụ già tế lễ thần ngồi kiệu hoa/ Nơi đô vật, nơi chọi gà/ Nơi đánh cờ tướng, nơi là kéo co”…
 
 Tiếp nối những trùm phường đi trước, bà Phẩm luôn hết mình với công việc, dù cuộc sống còn nhiều vất vả. Bà thường xuyên tham gia hát dặm tại lễ hội đền Trúc và dạy con em địa phương hát các làn điệu. Nghệ nhân Hoàng Văn Hởi, người có nhiều năm tìm hiểu về các làn điệu hát truyền thống ở Kim Bảng, tâm sự: “Bà Phẩm là nghệ nhân giàu tâm huyết. Qua quá trình nghiên cứu phương pháp để truyền dạy cho các cháu, bà đã trình bày tác phẩm một cách hết sức linh hoạt”.
 
 Dòng sông Đáy êm đềm chảy qua thăng trầm của lịch sử, đã tôn bồi bao trầm tích văn hóa dân gian. Ở phía dòng xanh, đàn cò vẽ một vệt sáng. Bà Phẩm bảo, hát dặm sẽ luôn sống, bởi người đi trước luôn tạo cho người đi sau một niềm hứng khởi với làn điệu quê hương.