Điểm tựa để đi xa

Đầu năm 2022, Lê Cát Trọng Lý thông báo khởi động dự án Những khúc ca Việt cổ. Cùng khoảng thời gian đó, Hoàng Thùy Linh ra mắt MV Gieo quẻ, kiên định với hướng đi thổi hồn đương đại vào những tinh hoa bao đời cha ông trao truyền. Tuy phong cách và con đường âm nhạc lựa chọn rất khác nhau, nhưng cả hai đều có một điểm chung. Họ đã chọn mạch nguồn quá khứ làm điểm tựa vững chắc để tiến bước trên con đường định vị tên tuổi của riêng mình.

Lê Cát Trọng Lý trên hành trình tìm Những khúc ca Việt cổ. Nguồn: KÊNH YOUTUBE LÊ CÁT TRỌNG LÝ
Lê Cát Trọng Lý trên hành trình tìm Những khúc ca Việt cổ. Nguồn: KÊNH YOUTUBE LÊ CÁT TRỌNG LÝ

Khơi mạch nguồn tinh hoa vốn cổ

Có thể nói, năm 2019 đã trở thành một dấu mốc quan trọng trên con đường nghệ thuật của ca sĩ Hoàng Thùy Linh. Sau MV Bánh trôi nước, Linh liên tục xuất xưởng hai sản phẩm âm nhạc được đầu tư công phu, chỉ cách nhau chưa đầy một tháng. Nếu Bánh trôi nước đưa bài thơ nổi tiếng cùng tên chỉ vỏn vẹn bốn câu của "bà chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương đến gần hơn với người trẻ hôm nay thì không gian của Để Mị nói cho mà nghe là một "Ngữ văn Party": quá khứ và hiện tại đan cài trong những thông điệp đầy tính ẩn dụ văn học đã khiến sản phẩm này thật sự là một MV rất đáng xem. Để rồi, khi cơn sốt Để Mị nói cho mà nghe còn chưa kịp hạ nhiệt, giọng ca sinh năm 1988 lại tiếp tục trình làng Tứ phủ, với cảm hứng tâm linh chủ đạo xuất phát từ tín ngưỡng thờ Mẫu.

Kể từ đó, Linh thỏa sức vẫy vùng trong dòng chảy văn hóa truyền thống bất tận, nơi gợi mở những ý tưởng sáng tạo không giới hạn, nơi dưỡng nuôi và đắp bồi ngôn ngữ kể chuyện độc đáo cho những thông điệp nữ quyền mà cô đang tập trung hướng tới. Kho tàng tinh hoa vốn cổ vô tận mà bao đời cha ông xây đắp và trao truyền đã được hòa trộn đầy biến ảo trong những sản phẩm âm nhạc kế tiếp của Linh. Nhiều thành ngữ, tục ngữ quen thuộc trở thành tên ca khúc như Kẻ cắp gặp bà già, Lắm mối tối ngồi không,… Những sắc màu văn hóa bản địa mềm mại bước vào các tác phẩm đương đại như tập tục cắt tiền duyên hay hội làng trong Duyên âm, xem bói đầu năm trong Gieo quẻ. Những tác phẩm văn học nghệ thuật nổi danh trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho See tình (với bản vọng cổ Tình anh bán chiếu) hay Truyện Kiều trong Em đây chẳng phải Thúy Kiều…

Lặng lẽ chọn lối đi riêng, ca sĩ/ người viết ca khúc Lê Cát Trọng Lý vẫn liên tục cho ra đời những sản phẩm âm nhạc chất lượng. Cùng những xúc cảm tinh khôi, đẹp đẽ, Lý cứ ôm đàn thủ thỉ với công chúng của riêng mình. Cô đã có chín album phòng thu và nhiều liveshow luôn cháy vé trong suốt hơn một thập niên gắn bó cùng âm nhạc.

Khởi nguồn từ "niềm yêu thích bấy lâu với những khúc nhạc dân gian cổ, những bài đồng dao rồi hát ru, những tiếng rao và cả tiếng khóc có nhạc điệu", Lý cùng cộng sự Nguyễn Thanh Tú quyết định đi dọc dải đất hình chữ S, tìm lại những "hạt vàng" trong kho tàng nhạc dân gian của các dân tộc anh em để thu âm. Họ tiếp tục viết thêm phiên bản tiếng Kinh trên nền giai điệu gốc, chuyển soạn và phối khí cho dàn nhạc. "Mong sao những khúc hát cổ với hình ảnh dung dị, đẹp, sâu sắc cũng như giai điệu ấm áp, lung linh và giàu tình cảm sẽ phần nào xoa dịu, vỗ về cảm giác nhung nhớ vẻ đẹp xưa cũ đã bị lãng quên hay đã mất đi của các bạn" -Lý tâm sự. Trái ngọt mà Lý cùng ekip thu hoạch sau chuyến đi dài ngày này bao gồm khúc thức, ca từ đậm đặc sắc màu bản địa của đồng bào H’Mông, Dao, Thái, Giáy, Tày, Mường, Chăm... Một album chọn lọc kết quả dự án đang được lên kế hoạch ra mắt trong tháng 8 năm nay.

Thổi hồn đương đại để chinh phục khán giả trẻ

Là hai cái tên nổi bật với những sản phẩm âm nhạc được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, có thể nói Hoàng Thùy Linh và Lê Cát Trọng Lý đều đã có chọn lựa thông minh, khi biết "đứng trên vai người khổng lồ" - chính là mạch nguồn quá khứ để kiếm tìm màu sắc riêng cho những "đứa con tinh thần" của mình trong quãng thời gian đại dịch cam go vừa qua. Khó khăn, thách thức là tất yếu nhưng những gì mà họ nhận lại cũng rất đỗi ngọt ngào.

Nếu MV Bánh trôi nước thu hút 47 triệu view thì chỉ trong thời gian rất ngắn, Để Mị nói cho mà nghe đã được 161 triệu khán giả thưởng thức, Tứ Phủ đạt gần 13 triệu lượt xem, Gieo quẻ thu hút gần 38 triệu view. Những con số ấy là giấc mơ của rất nhiều ca sĩ vốn chọn khai thác chủ đề tưởng gần với nhu cầu và thị hiếu đại chúng như tình yêu, nỗi cô đơn, cuộc sống thường nhật... Năm đêm nhạc thường niên mà Lý dự định tổ chức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, từ ngày 13/5 đến 22/5/2022, mang tên Những khúc ca Việt cổ, đều nhanh chóng thông báo hết vé chỉ sau ít giờ mở bán đã cho thấy sức nóng của cái tên Lê Cát Trọng Lý cùng mối quan tâm mà công chúng dành cho dự án mới mẻ này.

Có thể nói, mảnh đất vốn cổ dân gian đã giúp Linh phô diễn mọi thế mạnh riêng có, từ ngoại hình bắt mắt, vũ đạo đẹp của một vũ công đến khả năng diễn xuất của một diễn viên, tư duy kể chuyện bằng hình ảnh của một người được đào tạo bài bản chuyên ngành đạo diễn…

Còn với Lý, xuyên suốt hành trình du ca và trải nghiệm văn hóa vùng miền, Lý không chỉ hát mà còn được người dân hát cho nghe. Cô thấy "mình quá hời hợt và nông cạn bởi nhận ra, mình không biết gì khi nghe người dân tộc ca hát, chuyện trò bằng ngôn ngữ bản địa". Trong một chương trình trò chuyện trên YouTube gần đây, cô bày tỏ hy vọng "Khi biến những ca khúc đó thành tác phẩm nghệ thuật có nguồn gốc dân gian nhờ hòa thanh, phối khí, khán giả sẽ nghe được những tác phẩm hay, thú vị và từ đó kích thích họ tìm hiểu văn hóa gốc". Điều ấy thôi thúc và khiến Lý khao khát mang được những viên ngọc quý ấy đi xa, để làm đẹp, làm giàu hơn cho văn hóa nước nhà.