NẠN ĐẠO, NHÁI TRANH

Đạo đức nghề nghiệp và lỗ hổng thẩm định

Chưa hết “nóng” vụ đạo tranh cổ động dự thi, dư luận lại xôn xao về câu chuyện một tác phẩm ở Cần Thơ bị thu hồi giải thưởng vì nghi sao chép ý tưởng. Điều khiến người làm nghề và dư luận bức xúc là, sau rất nhiều vụ việc bị phát giác, vấn đề tranh xâm phạm bản quyền tác giả vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Bên cạnh đó, cùng với sự cảnh báo về đạo đức nghề nghiệp, công tác thẩm định tranh thật - giả cũng đang tồn tại quá nhiều lỗ hổng.

Tác phẩm của một họa sĩ Ukraine vẽ từ năm 2015 và tác phẩm vi phạm bản quyền của họa sĩ D.N.H 
Tác phẩm của một họa sĩ Ukraine vẽ từ năm 2015 và tác phẩm vi phạm bản quyền của họa sĩ D.N.H 

Từ nhận thức sơ sài, yếu kém

Tác phẩm của họa sĩ D.N.H được chính tác giả thừa nhận đã vi phạm bản quyền nhưng vẫn tham dự cuộc thi sáng tác tranh cổ động Tuyên truyền - Văn hóa năm Chủ tịch ASEAN 2020, khiến dư luận bất bình. Đây là một trong những thí dụ điển hình nối dài câu chuyện xâm phạm bản quyền trong mỹ thuật nói chung và trong sáng tác tranh cổ động nói riêng.

Tác giả này đã xin lỗi và giãi bày rằng thấy hình ảnh trong tranh phù hợp với ý tưởng nên áp dụng và không hề nghĩ đó là đạo, nhái. Tuy nhiên, chính những giãi bày này phần nào lại cho thấy sự nhận thức rất sơ sài, yếu kém về vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ của không ít người làm nghề hiện nay. Đáng ra, đó phải là những yếu tố tiên quyết trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật.

Các vụ việc xâm phạm bản quyền tác giả trong mỹ thuật nói chung và đặc biệt trong sáng tác tranh cổ động nói riêng không phải câu chuyện mới. Không ít cuộc thi sáng tác tranh cổ động thời gian qua đã xuất hiện những tác phẩm có dấu hiệu xâm phạm bản quyền tác giả, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và uy tín của mỗi cuộc thi.

Vụ tranh cổ động chưa kịp lắng xuống, lại tiếp tục xảy ra việc một tác phẩm tranh đoạt Giải nhất cuộc thi mỹ thuật năm 2019 do Hội Mỹ thuật TP Cần Thơ tổ chức bị thu hồi giải vì nghi sao chép từ ảnh chụp của người khác. Tác giả không thừa nhận và gửi đơn ra tòa. Phản hồi gửi tới Hội Mỹ thuật TP Cần Thơ về vụ việc này, Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, tác phẩm tranh lụa nói trên có hình tượng chính giống ảnh chụp đến 90%. Tác giả đã lấy ý tưởng, hình tượng nhân vật của ảnh, chỉ thêm một vài chi tiết nhưng không thay đổi bố cục chung. Theo Hội Mỹ thuật Việt Nam, sự vi phạm bản quyền là rõ ràng trong việc sao chép ảnh của tác giả người nước ngoài để thực hiện tác phẩm. 

Trước nữa, dư luận hẳn cũng chưa quên vụ việc hàng loạt tranh cổ động của các giảng viên được trao giải trong một cuộc thi bị tố đạo, nhái hồi năm ngoái…  

…đến trách nhiệm của người “cầm cân nảy mực”

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) khẳng định, quy trình thẩm định, chấm chọn các tác phẩm tranh cổ động để trao giải và phục vụ công tác tuyên truyền được triển khai rất chặt chẽ. Mỗi cuộc thi đều được thành lập ban tổ chức, ban giám khảo và tổ tư vấn. Trong đó, thành viên ban giám khảo là những họa sĩ kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn sâu về hội họa; đại diện cơ quan quản lý nhà nước về mỹ thuật và các đơn vị có liên quan. Quy trình chấm giải cũng được bảo đảm chặt chẽ. Nhưng trên thực tế vẫn xảy ra những vụ việc tác phẩm vi phạm bản quyền tham dự các cuộc thi. Ở đây vẫn phải nói đến vấn đề trách nhiệm của người có tác phẩm tham gia. Cuộc thi sáng tác nào cũng vậy, họa sĩ hay người có tác phẩm tham gia phải thực hiện và tuân thủ các yêu cầu được quy định tại thể lệ do ban tổ chức ban hành, đặc biệt là những yêu cầu liên quan đến bản quyền tác giả. Bà Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh, để khắc phục và đẩy lùi những hành vi vi phạm về quyền tác giả trong các cuộc thi tranh cổ động thời gian tới, yếu tố đầu tiên vẫn là vấn đề về ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp và trách nhiệm đối với cộng đồng của mỗi nghệ sĩ. 

Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh, những hành vi đánh cắp, sao chép ý tưởng của người khác không khó để bị phát hiện và xử lý. Vấn đề là dù “bản án” được đưa ra như thế nào, giải thưởng có bị thu hồi hay không thì cuối cùng, án phạt lớn nhất vẫn là vết chàm để lại trên con đường nghệ thuật của mỗi người làm nghề. “Việc kiểm soát hình ảnh của các tác phẩm nghệ thuật trên toàn cầu để bảo đảm không còn hiện tượng vi phạm quyền tác giả là một thách thức rất lớn. Vì vậy, trong bước rà soát cuối cùng, ban tổ chức các cuộc thi cần tăng cường sự phối hợp với các cơ quan chuyên môn về sở hữu trí tuệ, kỹ thuật hình ảnh, áp dụng công nghệ hiện đại để kiểm tra, xác định hình ảnh bị sao chép trong các tác phẩm do ban giám khảo đã lựa chọn trước khi công bố và trao giải thưởng…”, theo bà Ninh Thị Thu Hương.

Bên cạnh vấn đề trách nhiệm làm nghề, dư luận cũng đặt câu hỏi, vậy trách nhiệm của những người cầm cân nảy mực trong các cuộc thi, hoặc tuyển chọn tác phẩm để bày triển lãm ở đâu khi để lọt tác phẩm đạo, nhái như vậy? Theo lãnh đạo Hội Mỹ thuật Việt Nam, nâng cao trình độ của các nhà thẩm định cũng đang là một vấn đề cần được chú trọng hơn nhằm khắc phục tình trạng thiếu minh bạch trên thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay.

“Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này bắt nguồn từ sự tồn tại của một thị trường tranh thiếu định hướng. Và để khắc phục lại là một câu chuyện dài, không thể một sớm một chiều…”, họa sĩ Ngô Quang Dương, Giám đốc Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh thuộc Bộ VHTTDL khẳng định.