Còi xe cứu thương, đèn đỏ và đèn đường…

Bạn tôi sống trong một con ngõ bị phong tỏa do có F0, ngay từ những ngày đầu bùng phát dịch đợt dịch Covid-19 thứ tư ở TP Hồ Chí Minh. Hết thời gian quy định, con ngõ của chị lại tiếp tục phong tỏa, theo sáng kiến bảo vệ "vùng xanh".

Trong suốt quãng thời gian chỉ ra đến cửa nhà đó, chị kể, có hai điều khiến chị ám ảnh: đó là sự im lặng đến mức nghe được tiếng gió quạt máy ở con ngõ vốn rất sôi động, và tiếng còi hú của xe cứu thương chạy trên phố, mỗi ngày. Ðể phá tan sự tĩnh lặng đáng sợ, chị nhắn tin rủ các nhà hàng xóm, vào 8 giờ sáng và tối mỗi ngày, cùng bật nhạc thật to để tạo sinh khí cho con ngõ nhỏ, và nếu có thể, cùng nhún nhảy theo điệu nhạc mình yêu thích. Nhờ thế, một niềm vui nhè nhẹ lan tỏa và nâng đỡ tinh thần cho cái cộng đồng đang phấp phỏng từng ngày vì dịch bệnh ấy.

Nhưng tiếng còi xe cứu thương chạy trên phố thì chị không nghĩ ra cách gì khắc phục được. Những tiếng hú dài, gắt, vang bất chợt, nhưng thường xuyên, bất kể sáng, chiều hay tối khiến cho những con người đang phải tự khép mình vào những không gian chật hẹp, tù túng cảm thấy rất bất an. Chị bảo: Thành phố đang giãn cách, đường vắng tanh có ai đâu, sao xe cứu thương cứ phải hú còi như thế? Ðó là âm thanh của sự hiểm nguy và mất mát, nó tác động rất mạnh đến cảm nhận của cư dân đô thị đang phải sống trong một trạng thái chưa từng có.

Dịch bệnh đang buộc cả xã hội phải vận hành theo một cách hoàn toàn khác biệt. Nhưng cũng bởi vậy, nó làm bộc lộ rất nhiều vấn đề đã từng được các chuyên gia cảnh báo, song, vì nhiều lý do, trong đó có cả sự thiếu nhận thức, nên đã bị phớt lờ, bỏ qua. Như cảnh báo về những nguy cơ từ các khối chung cư cao tầng với hàng nghìn căn hộ, cảnh báo về sự thiếu khoảng xanh, sự thiếu các thiết chế tác động đến đời sống tinh thần của cư dân đô thị, thiếu cả những cơ chế vận hành khi xảy ra các tình huống đặc biệt, như đại dịch này…

Sự bất thường của đại dịch khiến cho rất nhiều hệ thống buộc phải vận hành theo một cách khác, gây nên bất cập. Ðó là điều bất khả kháng. Nhưng sự bất thường đó cũng được coi là nguyên cớ tất nhiên để biện hộ cho một số vấn đề vốn dĩ là do thiếu sự sâu sát. Như câu chuyện nhỏ về hệ thống đèn đỏ ở các đô thị đang thực hiện giãn cách xã hội chẳng hạn. Lượng người ra đường đã giảm hẳn, nhưng toàn hệ thống vẫn hoạt động như những ngày bình thường. Trong khi, chỉ cần duy trì ở một số giao điểm có lưu lượng lớn nhất, và thời gian mỗi nhịp cũng cần linh hoạt. Việc dừng lâu và đông người cũng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Ở một khía cạnh khác, thì hệ thống đèn đường, tưởng chừng như không có nhiều ý nghĩa khi các đô thị đều hạn chế hết mức người ra đường, nhất là vào ban đêm. Nhưng theo chia sẻ của nhiều người, ánh sáng trên những con phố dài hiu hắt những ngày này giúp mang lại cảm giác không quá khác biệt, và với những người ở các chung cư, thì khi được nhìn ngắm thành phố về đêm vẫn rực sáng, họ thấy an tâm hơn - điều rất cần thiết cho tinh thần mỗi cá nhân và cả cộng đồng, trong thời điểm rất khó khăn này. Nhắc vậy để thấy, đời sống tinh thần của hàng triệu con người đang nỗ lực, hy sinh vì mục tiêu chung của cả đất nước, là vấn đề cũng cần sớm được tính đến, bắt đầu bằng những chi tiết nhỏ.

Cũng giống như cả đất nước đang phải thích ứng với những trạng huống chưa từng có, mỗi ứng xử phù hợp chức phận và hoàn cảnh đều có thể được coi là sự đóng góp ý nghĩa cho cộng đồng.