Phát triển kinh tế ban đêm

“Cơi nới” hay “xây mới”?

Hầu hết các địa điểm du lịch lớn trong cả nước như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh… đều thiếu các hoạt động vào ban đêm phục vụ khách du lịch. Nhưng làm gì để thu hút và tạo nên bản sắc lại không phải là điều dễ tìm thấy câu trả lời.

Phố đêm Tạ Hiện (Hà Nội) là điểm đến của nhiều khách trong nước và quốc tế.
Phố đêm Tạ Hiện (Hà Nội) là điểm đến của nhiều khách trong nước và quốc tế.

Bài học từ thành công và thất bại

Cách đây hơn một năm, khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu chính sách kinh tế của Trung Quốc, trong đó có phát triển “kinh tế ban đêm”, chúng ta mới sực nhớ ra là lâu nay, các hoạt động kinh tế ban đêm là lãnh địa bị bỏ quên. Rất ít địa phương chú trọng phát triển các mô hình kinh tế đêm. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) vốn là một “thiên đường du lịch” ở phía bắc, nơi thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế. Nhưng các hoạt động kinh tế đêm đều tự phát, èo uột. Duy nhất Chợ đêm Hạ Long là có định hướng về khai thác kinh tế ban đêm, được khai trương từ năm 2015, nhưng lại chưa đáp ứng được kỳ vọng khi các loại hàng hóa khá lèo tèo. Trong số đó, nhiều mặt hàng lại có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Tại Hà Nội, mô hình kinh tế đêm phát triển đa dạng hơn. Song trớ trêu là nhiều không gian hướng tới phát triển kinh tế đêm do chính quyền định hướng, tổ chức không đáp ứng được kỳ vọng. Phố ẩm thực Tống Duy Tân ra đời cách đây khá lâu, nhưng không tạo được dấu ấn. Tuyến phố đi bộ Hàng Ngang - Hàng Đào - Hàng Đường - Đồng Xuân ban đầu được kỳ vọng là nơi giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Song, bây giờ lại trở thành một nỗi niềm… khó nói của Hà Nội. Đây là nơi bán “tả-pí-lù”, từ ốp lưng điện thoại, cho tới quần áo, khăn, túi xách, trang sức, phụ kiện… với giá rất “bèo”. Nhiều người gọi đây là “phố hàng chợ”. Để thì bất ổn, dẹp thì không xong. Phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) sau hai năm hoạt động vào các dịp cuối tuần vẫn không thu hút được khách.

Ngoại trừ không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm là do đầu tư của chính quyền, một số mô hình tạo nên kinh tế đêm “thương hiệu” Hà Nội lại hình thành một cách tự phát. Điển hình như chợ hoa Quảng Bá hay “phố Tây” Tạ Hiện. Trong đó, “phố Tây” Tạ Hiện được ví là “ngã tư quốc tế”, khi từ chiều đến đêm, khách du lịch tập trung ăn uống, ngắm cảnh. Trên nhiều trang hướng dẫn du lịch, uống bia hơi tại phố Tạ Hiện được coi là một trong những điều không thể bỏ qua khi đến Hà Nội.

Phố Tạ Hiện có khá nhiều điểm tương đồng với một con “phố Tây” khác tại TP Hồ Chí Minh, phố Bùi Viện. Ban đầu cũng phát triển một cách tự phát. Đến năm 2017, con phố được tổ chức lại thành phố đi bộ. So với phố Tạ Hiện, “phố Tây” Bùi Viện hoạt động quy củ hơn. Con phố trở thành một không gian biểu diễn nghệ thuật đường phố, đồng thời, cũng là “tổ hợp” ăn chơi, với nhiều loại hình dịch vụ du lịch, giải trí khác nhau. Tương tự như phố Tạ Hiện của Hà Nội, khu phố này được đưa vào nhiều trang chỉ dẫn du lịch của nước ngoài. 

Chọn “làm mới” hay “cơi nới”?

Đến thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Nhiều địa phương đã rục rịch triển khai các giải pháp phát triển kinh tế ban đêm, với mục tiêu trước hết là để kích cầu du lịch, tạo không gian vui chơi, giải trí, ăn uống, để khách… tiêu tiền. Tuy nhiên, thực tế còn rất nhiều vấn đề đặt ra. Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, cần phải có những chính sách phát triển đồng bộ từ trung ương tới địa phương. Đồng thời, phải có chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển, trong một giai đoạn nào đó, ở một số lĩnh vực nào đó mới có thể phát triển được kinh tế ban đêm. Trong đó, phải có nghiên cứu, đánh giá thực trạng; có thí điểm và có lộ trình thực hiện. Đây cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia nhấn mạnh, nhất là những cơ chế chính sách đặc thù. Song, vấn đề chưa nhiều người đề cập là sản phẩm “đầu ra” cho khách hàng nên là sản phẩm như thế nào. Chọn những nhân tố có sẵn để cải tạo, đầu tư, hay xây dựng những sản phẩm hoàn toàn mới? 

Thực tế ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, không phải cứ mạnh dạn đầu tư, mạnh dạn can thiệp hay làm mới mà có thể thu được thành công. Tại Hà Nội, quận Hoàn Kiếm là đơn vị tiên phong trong phát triển kinh tế đêm bằng việc hoàn thành “Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm” và sẽ triển khai thí điểm trong thời gian tới. Đối với không gian đi bộ trong khu phố cổ, quận sẽ “làm mới” bằng tăng cường khai thác giá trị du lịch di sản kết hợp với các hoạt động ẩm thực, chương trình văn hóa nghệ thuật... Quận cũng sẽ tổ chức một số không gian mới như: tuyến phố đi bộ Phùng Hưng - Gầm Cầu (sau khi triển khai đục thông các vòm cầu cạn); phát triển tuyến phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Tống Duy Tân - Cấm Chỉ; xây dựng phương án vận hành, khai thác phố Tràng Tiền thành tuyến phố trình diễn nghệ thuật, thời trang kết hợp ẩm thực... Như vậy, Hoàn Kiếm vừa có “xây mới” vừa có “cơi nới”. Tuy nhiên, nhìn vào đề án này, nhiều người thấy đáng tiếc khi khu vực Nhà thờ Lớn và các phố phụ cận các hoạt động về đêm đã khá sôi nổi, nhưng không được nằm trong diện “tái cơ cấu” để phát triển. Chưa kể, hiện Hoàn Kiếm đã có khá nhiều không gian đi bộ, các hoạt động mới dễ trùng lặp với những không gian cũ. Cũng ở Hà Nội, những trải nghiệm đêm được dân “phượt” mách nhau như: tham quan chợ hoa Quảng Bá, cầu Long Biên… vẫn chưa được nhắc tới. Tất nhiên thành - bại còn phải chờ thêm. Việc đầu tư những không gian mới sẽ thuận lợi về quản lý, nhưng khó khăn là tạo dựng thương hiệu và sức hút so với những không gian đã trở nên quen thuộc.

Lựa chọn “xây mới” hay “cơi nới” sẽ tùy thuộc vào điều kiện và năng lực của mỗi địa phương, nhưng, để thật sự tạo nên sức hút cho các sản phẩm kinh tế đêm, thì điều quan trọng là phải nắm bắt đúng nhu cầu du khách, cũng như đầu tư sâu về “chất” văn hóa để tạo dấu ấn riêng biệt.