Bản sắc nào cho phố đi bộ?

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn tái khởi động, không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây chính thức đi vào hoạt động, bản đồ du lịch Thủ đô được bổ sung những điểm đến nhiều hứa hẹn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, số lượng liệu có song hành với chất lượng, khi những không gian đi bộ hiện có vẫn bộc lộ nhiều bất cập?

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn trong ngày mở cửa lại. Ảnh: Lê Phú
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn trong ngày mở cửa lại. Ảnh: Lê Phú

"Nhân bản" phố đi bộ

Không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây vừa chính thức đi vào hoạt động vào dịp lễ 30/4-1/5. Kế tiếp là sự kiện tái khởi động không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn sau một thời gian dài tạm ngưng vì đại dịch. Rồi đồng loạt nhiều quận, huyện cũng liên tiếp đề xuất mở cửa thêm các không gian mới, gồm có: Phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng); hồ Ngọc Khánh, hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình); Phố đi bộ Khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 (quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì),...

Thế nhưng, ngay ở không gian đi bộ đầu tiên và được đánh giá thành công nhất là phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, nhận định một cách khách quan thì đến nay, sự cuốn hút cần phải có của một không gian đi bộ đúng nghĩa vẫn chưa thật sự hoàn thiện. Trong bối cảnh người Hà Nội đang thiếu vắng những địa chỉ đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần thì sự xuất hiện của không gian này được xem như một "món ăn" lạ miệng, vì thế dần trở thành một thương hiệu điểm đến quen thuộc đối với du khách.

Tương tự, không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây cũng đã thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách trong hai tuần đầu vận hành, sôi nổi với những hoạt động văn hóa-nghệ thuật đa dạng phục vụ cộng đồng. Là tuyến phố đi bộ thứ tư của Hà Nội, Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây được kỳ vọng sẽ phát huy lợi thế của di tích này, đồng thời tạo nên một không gian văn hóa đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương và du khách. Tuy nhiên, sau những khởi động đầu tiên, vấn đề được nhìn thấy tại không gian đi bộ ở xứ Đoài là vẫn chưa hình thành rõ nét những hoạt động mang bản sắc riêng. Hàng quán nhiều hơn những sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn trong giai đoạn đầu hoạt động thậm chí bị đánh giá là một sự thất bại, khi bản sắc lãng mạn như con phố mang tên một nhạc sĩ tài hoa đã không thể thành hình. Phố đi bộ Trịnh Công Sơn nhanh chóng trở thành một địa chỉ nhộm nhoạm, hàng quán xô bồ. Trong lần trở lại vào cuối tuần qua, người dân phần nào nhìn thấy những nỗ lực khoác áo mới cho tuyến phố. Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn được khởi động lại với nhiều điểm mới như chỉnh trang, xây dựng cảnh quan đẹp mắt, điểm nhấn là con đường hoa, con đường hội họa, con đường tình yêu theo phong cách trẻ trung… Ngoài ra, quận tập trung xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa; liên kết với nhiều điểm du lịch trong khu vực như Công viên nước, thung lũng hoa, các điểm ẩm thực để tạo tuyến du lịch mới... "Phố đi bộ Trịnh Công Sơn sẽ thu hút du khách theo hướng đi sâu vào nội dung các hoạt động nghệ thuật, nền tảng là nhạc Trịnh. Bên cạnh đó, tuyến phố cũng tạo bản sắc riêng với không gian cảnh quan thiên nhiên rộng mở. Những con đường âm nhạc, con đường nghệ thuật, con đường tình yêu… cũng nhằm mục đích tạo nét riêng, thu hút du khách"- ông Nguyễn Đình Khuyến chia sẻ.

Ða dạng và khác biệt

Theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội), nhu cầu về những không gian đi bộ rất lớn, trong khi, người Hà Nội đang bị mất dần những không gian này, vì vậy, cần thấy rằng mở càng nhiều phố đi bộ càng tốt. Tuy nhiên, không nên lấy danh nghĩa phố đi bộ để rồi thành... phố đi chợ, chỉ chú ý đến việc tăng không gian dịch vụ mua bán mà không quan tâm không gian đi bộ, rèn luyện, vận động, giải trí hấp dẫn, thú vị, an toàn.

Nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội mong muốn mở không gian đi bộ, chắc chắn đều xuất phát từ nhu cầu thực tế. Chưa kể, những không gian đi bộ có giá trị cũng tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương. Nhưng, thế nào là những không gian đi bộ thật sự có chất lượng cao, mang bản sắc đặc thù lại là vấn đề khiến chính quyền các địa phương không khỏi lúng túng. Các chuyên gia quy hoạch đô thị, các nhà văn hóa đều chung nhận định, không thể ồ ạt mở cửa phố đi bộ theo cách nhân bản đơn thuần. Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm phải khác phố đi bộ Trịnh Công Sơn, càng phải khác với không gian thả bộ ở xứ Đoài. Sự đa dạng và khác biệt, đương nhiên là bài toán khó để quyết định thành, bại của những không gian này.

Ngoài nội hàm tạo nên tính chất và bản sắc đặc thù của tuyến phố, các yếu tố phụ trợ cũng quan trọng không kém. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh nêu: "Phố đi bộ mà ăn uống nhồm nhoàm, nói tục, nói to, hát như một cách đàn áp âm thanh thì khách chạy sạch. Mùi xào nấu khói mù cũng cần phải dẹp. Trẻ con cần có chỗ chạy nhảy, người lớn cần có nơi đi, nơi đứng, nơi xem thú vị an toàn, riêng tư… Những yếu tố đơn giản này lại thể hiện năng lực quản trị của nhà quản lý địa phương. Rất tiếc là điều đó còn đang yếu kém. Quận Hoàn Kiếm là nơi đang tổ chức tốt nhất, lãnh đạo sâu sát nhất, nhưng cũng còn nhiều bất cập. Còn những nơi khác thì quả thật chưa làm đã thấy ít khả năng thành công…".

Suy đến cùng, sự thành công của không gian công cộng xuất phát từ việc đáp ứng nhu cầu của người dân, tạo chất lượng kết nối không gian và hình thành giá trị của các tuyến phố đó. Nếu thiếu vắng những yếu tố này, e rằng những tuyến phố sẽ nhanh chóng trở nên nhạt nhẽo và không đọng lại trong tâm trí người dân.