Anh Tô người tôn trọng hiền tài

NDO - Lần đầu tiên tôi được gặp anh Tô là Quốc dân Ðại hội Tân Trào. Năm ấy vào mùa Thu Ất Dậu - 1945 - Tháng 8 ngày 16. Lúc bấy giờ tôi là đại biểu văn hóa cứu quốc ở Hà Nội được triệu tập về Tuyên Quang, anh chị em đại biểu khắp ba kỳ, Việt kiều ở Xiêm cũng tề tựu về đông đủ.

Sáu mươi đại biểu Trung, Nam, Bắc ngồi trong mái đình Hồng Thái, Tân Trào - trong ban điều khiển hội nghị có một người dong dỏng cao, da xạm đen. Người cán bộ ấy mặc bộ đồ xám, ánh mắt tinh anh - mà Ban tổ chức Hội nghị gọi là anh Tống - đứng lên giới thiệu Cụ Hồ Chí Minh đến nói chuyện với Hội nghị. Cả Ðại hội mừng vui đón chào Già Hồ.

Anh Hoàng Ðạo Thúy ngồi bên cạnh tôi nói nhỏ: - Cụ Hồ Chí Minh sao giống Ðồng chí Nguyễn Ái Quốc quá! Vì anh Hoàng Ðạo Thúy đã từng thấy ảnh Nguyễn Ái Quốc rồi, còn về anh Tống, sau này về Thủ đô Hà Nội tôi gặp và làm việc với anh Phạm Văn Ðồng mới biết anh là người điều khiển chương trình Hội nghị ở đình Hồng Thái Tân Trào lúc ấy.

Ðại hội lắng nghe đồng chí Trường Chinh báo cáo về vấn đề chuẩn bị Tổng khởi nghĩa và thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc. Cả Ðại hội nhất trí bầu Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ðó là Chính phủ lâm thời và là Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên của nước ta. Các chiến sĩ giải phóng quân bắn ba loạt súng chào mừng và ngay chiều hôm ấy, bên bờ suối Tân Trào nắng xiên qua vòm lá, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa.

Ðình Tân Trào là một ngôi đình nhỏ, không lợp ngói mà lợp bằng lá cọ. Anh Tống giờ giải lao đi đi lại lại trên nền gạch ra chiều suy tư nhưng rất nhanh nhẹn. Năm ấy tôi là một đại biểu trẻ, còn anh đã 39 tuổi rồi trông có vẻ quắc thước, dáng của một nhà trí thức lăn lộn với phong trào, bao lần bị đòn thù tra tấn ở Côn Ðảo mà trông anh rất lạc quan, yêu đời.

Tôi có cảm tình và kính trọng anh từ hôm ấy. Anh không những là người giới thiệu Cụ Hồ buổi ra mắt Ðại hội Tân Trào. Mà sau này, trong kháng chiến chống Pháp chính anh là tác giả cuốn sách đầu tiên viết về Bác Hồ: "Hồ Chủ tịch hình ảnh của dân tộc". Ðây là một tác phẩm rất hay viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp nhân dân hiểu biết, kính yêu thêm vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc. Nghe anh chị em ở Liên khu 5 kể lại, tác phẩm này được xuất bản lần đầu ở Liên khu 5 đầu năm 1947. Ðược Nhà xuất bản trả mấy trăm đồng tín phiếu nhuận bút, anh giao cho Hội Văn nghệ gửi vào ngân hàng làm giải tặng cho các tác phẩm hay. Anh chị em văn nghệ yêu quý cử chỉ đẹp đẽ đó của anh, nên gọi giải thưởng ấy là Giải thưởng Phạm Văn Ðồng. Anh là người coi trọng hiền tài, trong những ngày chiến tranh ác liệt, anh còn phát biểu "Cần phải làm trong sáng tiếng Việt" và dự bao cuộc hội thảo của ngành giáo dục và viết sách về giáo dục lo cho việc đào tạo nhân tài.

Anh là một người rất chăm lo đời sống cho nhân dân, chăm sóc nhân tài quan tâm đến đời sống của anh chị em làm công tác văn nghệ. Thông cảm và hiểu được tâm tư, nguyện vọng của anh chị em. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng, nhà thơ Tế Hanh thường ca ngợi anh là tất cả các cuộc họp của anh chị em giáo dục văn nghệ hồi ấy ở Khu 5 không cuộc họp nào anh vắng mặt. Không những thế, những ai gửi tác phẩm tặng anh, anh đều góp ý, phê bình rất sâu sắc. Anh là người sáng lập ra Trường trung học Bình dân LK5, và hiệu trưởng danh dự là người trực tiếp lo chỉ đạo các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc để đào tạo nhân tài cho Tổ quốc.

Trong suốt nhiều nhiệm kỳ Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phạm Văn Ðồng luôn luôn chăm sóc đến anh chị em làm công tác văn nghệ. Có một lần sau hòa bình vào năm 1958 thời kỳ sau nhân văn giải phẩm Trường đại học Hà Nội lúc bấy giờ ở Lê Thánh Tôn, đại giảng đường đang có cuộc họp quan trọng góp ý cho Giáo sư Trần Ðức Thảo, nhiều sinh viên quá khích đã chất vấn nhà triết học nhiều câu hỏi không có tính xây dựng. Cuộc họp đang căng thẳng, có lần không khí như một cuộc "đấu". Bỗng nhiên Ban lãnh đạo nhà trường dừng lại, chuyển cho Giáo sư Thảo tấm thiếp của Thủ tướng Phạm Văn Ðồng, gửi tấm thiếp khen và động viên ông tiếp tục nghiên cứu những vấn đề của Chủ nghĩa Mác. Cuộc họp đang ồn ào, bỗng lặng yên và sau đó tổ chức tuyên bố kết thúc vì đoán biết để cho sinh viên quá khích đấu tố, thì chúng ta sẽ bị tổn thương và vị giáo sư danh tiếng này sẽ khó khăn trong công tác nghiên cứu giảng dạy. Những năm giặc Mỹ ném bom Hà Nội ác liệt, Giáo sư Trần Ðức Thảo cho tôi biết, Giáo sư có gửi những tác phẩm triết học của mình cho anh Tô, những cuốn Nguồn gốc ngôn ngữ, Nguồn gốc ý thức, anh Tô rất khen và can thiệp để tác phẩm được gửi in ở Pháp và một số nước Ðông Âu, Giáo sư Thảo ca ngợi Phạm Văn Ðồng là một trí thức cách mạng nồng nàn tình đồng chí, đồng nghiệp... Một nhân cách lớn của một người Cộng sản chân chính.

Có một lần nhà văn Nguyên Hồng, nhà văn của những người cùng khổ, xin chuyển về Bắc Giang. Ông về để viết bộ tiểu thuyết về cụ Ðề Thám.

Thời ấy - thời đánh Mỹ - hễ chuyển hộ khẩu là cắt các tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm ở Hà Nội. Nguyên Hồng hai tay không - về Bắc Giang, đâu phải một mình mà cả gia đình. Không sản xuất nông nghiệp lấy đâu ra lúa gạo mà ăn để viết. Nghe anh em nói lại, đồng chí Phạm Văn Ðồng đâu phải chỉ lo việc quốc gia đại sự. Mà ngay cả tem gạo, tem thịt, đồng chí cũng thấy xót xa với một nhà văn cách mạng nghèo, quá nghèo. Ðồng chí đã gọi dây nói cho Chủ tịch tỉnh Hà Bắc quan tâm đến việc của Nguyên Hồng. Sau đó, nhà văn Nguyên Hồng được "sổ gạo", được chiếc xe đạp Trung Quốc để đi, được cả niềm tin về nhà lãnh đạo đầy lòng nhân ái này. Rất nhiều nghệ sĩ và anh chị em cho tôi hay nhiều vấn đề nhỏ, tỉ mỉ như thế mà mỗi lần được nghe anh Tô đều quan tâm, can thiệp giúp đỡ anh chị em "thấp cổ bé họng". Các nhà văn Nguyễn Tuân, họa sĩ Diệp Minh Châu và nhiều anh chị em nghệ sĩ khác cũng được anh Tô quan tâm, có khi mời cơm, đàm đạo, có khi gửi rượu biếu.

Có một lần anh chị em văn nghệ tranh luận về cần "viết người thật việc thật, không hư cấu..." thấy tình hình như vậy, anh Tô đã viết một bài báo: Văn học nghệ thuật là vũ khí sắc bén để góp phần cải tạo cái cũ xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Và nội dung bài phát biểu của đồng chí Phạm Văn Ðồng là "hiểu biết, khám phá và sáng tạo". Như thế có nghĩa là công việc nhà văn không chỉ là ca ngợi người thật, việc thật mà còn phải hiểu sâu xã hội và con người có khám phá và sáng tạo nghệ thuật. Vì theo anh Tô, chủ nghĩa xã hội không phải cái gì trừu tượng, cũng không phải là cái khung, có thể rập khuôn theo bất cứ nước nào. Anh Tô yêu cầu văn học phải: Nhạy cảm với đời sống. Người ta cần cái gì, mong cái gì mà anh có thể giải quyết cho người ta cái gì, và anh Tô thường nhắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Viết cho ai? Viết để làm gì?" và nhất là luôn luôn phải có đầu óc sáng tạo.

 *

* *

Là một người đứng đầu Chính phủ hơn 30 năm, anh Tô luôn chăm sóc xây dựng nền văn học nghệ thuật cách mạng, mặc dầu anh bận bao việc trọng đại lãnh đạo đất nước.

Những ngày ở Tân Trào cách đây 66 năm để lại trong chúng ta ấn tượng không quên về anh Tô, một nhà lãnh đạo tài năng, sáng suốt. Giới trí thức, văn nghệ sĩ luôn luôn dành lòng kính trọng anh Tô. Anh mãi mãi là nhân vật trí thức xuất chúng ở thời đại Hồ Chí Minh.

Nhà văn Nguyễn Ðình Thi,

Chủ tịch Ủy ban Văn học - Nghệ thuật Việt Nam kể

Nhà văn Ðoàn Minh Tuấn

(ghi lúc ông còn sống)