"Vàng ròng" từ phim hợp tác quốc tế

Trong buổi đoàn phim Tình yêu vô hình gặp gỡ báo chí tại Hà Nội, tháng 4/2021, ông Bill Einreinhofer, Viện trưởng Học viện New York Film-một địa chỉ đào tạo uy tín của Mỹ trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình-đồng thời cũng là người giám sát phim này, nói: "Ngày nay, làm phim trở thành một ngành nghề toàn cầu hóa với sự tham gia của đa quốc gia. Chính sự kết hợp xuyên biên giới này đã tạo nên một nền điện ảnh hiện đại".

Cảnh trong phim Tình yêu vô hình.
Cảnh trong phim Tình yêu vô hình.

Cấu trúc ngày càng "động"

Khoan bàn tới chất lượng, chỉ cần làm một phép tính nhẩm, dễ nhận thấy, những năm qua, số dự án phim hợp tác quốc tế đáng kể, nổi bật của nước ta chỉ đếm… trên đầu ngón tay. Trong lĩnh vực phim điện ảnh, có thể kể ra một số trường hợp như đoàn phim Kong: Skull Island đến Việt Nam (năm 2016), dự án hợp tác giữa đạo diễn Phan Đăng Di và HBO trong serie tám tập Food Lore có tên Chàng dâng cá, nàng ăn hoa (năm 2019), Tình yêu vô hình-dự án hợp tác giữa ba quốc gia Việt Nam, Trung Quốc và Mỹ (năm 2019), phim hợp tác Việt Nam-Nhật Bản Nhắm mắt thấy mùa hè (năm 2018)…

Từng trải nghiệm qua các dạng thức phim khác nhau như phim thương mại, phim tác giả lẫn phim hợp tác quốc tế, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc nhấn mạnh đến xu hướng hội nhập quốc tế, mô hình liên kết đa quốc gia trong các lĩnh vực của đời sống, xã hội; và "phim ảnh không nằm ngoài guồng quay đó". Chưa kể, nguồn nhân lực có hạn, trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển của điện ảnh. Việc hợp tác quốc tế là tất yếu.

Không giống như trước, giờ đây, mỗi phim có thể có một cấu trúc khác nhau. Có thể là một phim nói về một câu chuyện Việt Nam, bối cảnh Việt Nam, đạo diễn người Việt… nhưng là phim hợp tác quốc tế. Có thể là phim có nhà đồng sản xuất, nhà đầu tư, kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng là người nước ngoài tham gia vào dự án ở giai đoạn hậu kỳ...

Vì tính chất "động" trong hợp tác sản xuất ở thời điểm hội nhập này mà trong nhiều trường hợp, ta không thể hoặc rất khó đề ra được một bản kế hoạch cố định để xin cấp giấy phép và thẩm định kịch bản theo kiểu của Việt Nam. Nếu ta muốn kiếm được tiền từ dịch vụ và hợp tác quốc tế, thì Luật Điện ảnh phải thay đổi, cập nhật được xu thế thế giới và thực tế phát triển của điện ảnh.

"Covid-19 đã làm tê liệt hệ thống rạp chiếu trên khắp thế giới, việc các "ông lớn" trực tuyến như Netflix, Amazon, HBO… muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác ở những thị trường mới là điều có thể nhìn ra. Nếu ta có những chính sách rõ ràng, thông thoáng, tôi tin rằng, nó sẽ thúc đẩy quy mô của thị trường điện ảnh nội địa cả về giá trị kinh tế lẫn sáng tạo", bà Trần Thị Bích Ngọc nhìn nhận.

Có mấy cái lợi được bà Ngọc liệt kê ra nếu đẩy mạnh mảng dịch vụ và hợp tác quốc tế. Theo bà, điện ảnh là một cơ hội rất tốt để quảng bá văn hóa và hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Tự thân sự hợp tác này sẽ mở ra các phim trường hiện đại, các thiết bị hay nguồn lực đủ chất lượng để đáp ứng nhu cầu. Khi đó, các phim thị trường nội địa cũng được hưởng lợi từ những cơ sở hạ tầng như thế. Vô hình trung, thị trường sẽ phát triển theo hướng đi lên. Chưa kể, khi có nhiều cơ hội cọ xát với các đoàn phim chuyên nghiệp, có tính kỷ luật cao của thế giới, trình độ chuyên môn của các đoàn phim nội địa cũng tăng lên. Một điều quan trọng nữa, những hợp tác này mang lại lợi ích kinh tế rất lớn. Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc dẫn chứng, trong năm 2019, có tới 740 đoàn làm phim quốc tế đến Thái Lan và họ kịp thu về 150 triệu USD bất chấp những biến động về chính trị lẫn dịch bệnh. Còn Hungary, được ví như phim trường của cả châu Âu, thì năm 2018, họ thu về 323 triệu USD, trong đó 90% là đến từ các dự án hợp tác quốc tế.

Nên đảo ngược mô hình

Bà Lê Thị Phương Thảo-Giám đốc điều hành Công ty Thaole Entertainment-chia sẻ, có nhiều đoàn phim Holywood liên lạc với công ty bà để hợp tác; nhưng sau khi biết quy trình xin giấy phép có thể kéo dài đến cả năm trời, họ đã chuyển hướng sang các nước láng giềng. Giám đốc Thaole Entertainment đề xuất, luật nên cụ thể hóa và rõ ràng, tránh những "tù mù" không cần thiết, gây hoang mang cho những nhà làm phim.

Giới làm phim cũng cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh cao như hiện nay, vấn đề bản quyền là một vấn đề nhức nhối. Yêu cầu các đoàn phim quốc tế trình tóm tắt kịch bản để cấp phép và thẩm định kịch bản theo luật ở ta khiến họ ngại ngần. Họ cũng chẳng được nhận bất cứ ưu đãi về thuế nào. Trong khi đó, họ lại được "trải thảm đỏ" đến để làm phim ở các nước, việc chuyển hướng cũng chẳng có gì lạ.

Trong bản dự thảo Luật Điện ảnh, những nội dung liên quan dịch vụ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh đang nằm rải rác ở các điều, khoản. Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc đặt vấn đề: "Sao không tập trung những "rải rác" đó vào một nội dung lớn, mà ở đó sẽ có ba hạng mục: cung cấp dịch vụ phim nước ngoài, hợp tác sản xuất và phim nội địa có nhân sự nước ngoài".

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, nhận định: Bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam nói chung và điện ảnh nói riêng có một cơ hội thứ hai để phát triển. Nhưng ta mới dành nhiều sự quan tâm cho mảng phim nghệ thuật và phim thương mại. Tất nhiên, khát vọng của mọi nền điện ảnh đều hướng tới một sản phẩm giàu tính nghệ thuật và đạt các giải thưởng quốc tế cao. Muốn vậy, "chân đế" phải vững. Dù thế, ta đang đi ngược.

Ông Nguyễn Quang Đồng đề xuất: "Chân đế của ngành là công nghiệp và dịch vụ điện ảnh đang rất hẹp. Tôi nghĩ cần đảo ngược mô hình phát triển lại: ưu tiên cho sự phát triển của hệ sinh thái công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Tập trung vào phát triển hạ tầng cơ sở, kỹ năng con người, điều đó sẽ bắt đầu từ ngành dịch vụ điện ảnh".