"Tiếp dầu" cho ngọn đuốc văn hóa

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tất cả các nghị quyết của Ðảng gần đây đều khẳng định điều đó. Xa hơn thế, tháng 11/1946, phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Vậy việc "tiếp dầu" cho ngọn đuốc này như thế nào?

Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh mang đến nhiều cảm xúc đẹp về quê hương, xứ sở.
Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh mang đến nhiều cảm xúc đẹp về quê hương, xứ sở.

GS, TS Ðinh Xuân Dũng vốn là giảng viên bộ môn Lý luận văn học của Trường đại học Tổng hợp, nay là Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, người thầy của nhiều thế hệ các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng. Do công việc của mình, ông luôn theo sát các diễn biến văn nghệ, mỗi năm đọc hàng trăm tác phẩm, xem hàng chục vở diễn, bộ phim và bản thân ông là tác giả, chủ biên của hơn 30 cuốn sách, trong đó có những cuốn sách trở thành tư liệu không thể thiếu cho giới phê bình sáng tác và những người quản lý văn hóa như: Hiện thực chiến tranh và sáng tạo văn học (2003), Công tác tư tưởng - văn hóa trong xây dựng quân đội về chính trị (2000), Xây dựng môi trường văn hóa - một số vấn đề về lý luận và thực tiễn (2004), Quan điểm của Ðảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa văn nghệ - những mốc phát triển (2011), Mấy vấn đề sáng tạo văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay (2012), Văn hóa trong chiến lược phát triển của Việt Nam (2013), Ðịnh hướng và những nội dung cơ bản của lý luận văn nghệ Việt Nam (2016), Văn học - tiếp nhận tác phẩm và suy nghĩ lý luận (2016)...

Ðọc và nghĩ (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021) dày hơn 400 trang, khổ 16x24 là công trình nghiên cứu tâm huyết về những vấn đề lý luận và trải nghiệm văn hóa của bản thân tác giả nên rất có sức thuyết phục. Cuốn sách có nhiều bài viết khá sâu về văn hóa, nghệ thuật nói chung, về văn học nói riêng, như: "Ðể văn học Việt Nam có tác phẩm lớn ngang tầm thời đại", "Những nỗ lực khám phá đa chiều con người hiện thực trong văn học hôm nay", "Sự thật đời sống và lý tưởng xã hội - thẩm mỹ trong văn học, nghệ thuật hôm nay", "Văn học, nghệ thuật tham gia giáo dục lý tưởng cách mạng, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên", "Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật"...

Nắm vững tiến trình lịch sử văn học Việt Nam, đặc biệt từ năm 1930 đến nay; nắm vững các lý thuyết văn nghệ phương Ðông và phương Tây, cũ và mới; đứng vững trên lập trường văn hóa, văn nghệ của Ðảng, GS, TS Ðinh Xuân Dũng đã phân tích sâu sắc thực trạng văn nghệ giai đoạn từ sau Ðổi mới (1986-2021), chỉ ra những nỗ lực tiến bộ và cả những hạn chế cần mạnh mẽ phê phán của một số khuynh hướng nghệ thuật có tính giễu nhại lịch sử và dân tộc, sự phai nhạt lý tưởng, hạ bệ thần tượng, xuyên tạc sự thật, hạ thấp con người. Sự lỏng lẻo trong quản lý đã làm cho những xuất bản phẩm xấu độc có cơ hội gieo độc vào đời sống tinh thần, chẳng hạn, có bức tranh tên là "Quét rác", chỉ là một vòng tròn đỏ máu bao quanh một thân người tong teo, thảm hại vẫn được treo triển lãm; một bản nhạc mang tên "Vĩnh biệt" nhìn mùa xuân đất nước là mùa "dã man", "tối tăm, bệnh hoạn", nhìn cuộc sống là "chết dần, chết mòn, chết thật rồi" mà vẫn được một số phương tiện truyền thông ca ngợi...

Với tư cách, kinh nghiệm của người giảng dạy văn học, người tham mưu cho công tác lãnh đạo, quản lý văn nghệ trong một thời gian dài, đồng thời là một cây bút tâm huyết với cuộc sống, trong cuốn sách, nhiều lần tác giả đã bày tỏ sự thấm nhuần một chân lý bất di bất dịch của nghệ thuật là hướng tới chân - thiện - mỹ, là đem lại niềm tin yêu cuộc sống cho con người, xây dựng con người có tấm lòng chan chứa yêu thương, hành động anh hùng, yêu chuộng và phấn đấu cho những lý tưởng cao đẹp. Văn học, nghệ thuật phải gắn bó chặt chẽ với đời sống hôm nay, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước như phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (ngày 25/7/2018): "Nhiệm vụ chủ yếu của văn học, nghệ thuật Việt Nam thời gian tới là trực tiếp tham gia vào sự nghiệp đổi mới đất nước, miêu tả cho hay, cho chân thật, sinh động và có sức thuyết phục sự nảy sinh và phát triển cái mới, cái tốt đẹp, cao cả trong đời sống; dũng cảm, nghiêm khắc lên án, phê phán những cái xấu xa, thấp hèn, sự thoái hóa, biến chất, tham nhũng, thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, qua đó góp phần tích cực vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng con người, đổi mới và phát triển đất nước".

Hy vọng các văn nghệ sĩ, với sự quan tâm, hỗ trợ hiệu quả của Ðảng, Nhà nước, của toàn xã hội (bà đỡ) khi nhận ra được đúng con đường cần đi thì sẽ đi nhanh, không chỉ kịp mà còn vượt sự đổi mới trong kinh tế và các lĩnh vực khác, để làm ngọn đuốc soi đường, làm bàn tay vẫy gọi cả dân tộc đi theo cái anh hùng, cái cao cả, cái đẹp.

Nguyễn Hoàng