NSƯT LỘC HUYỀN:  

Không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai

Ðể giữ gìn nghệ thuật dân tộc và mở lối tiếp cận giới trẻ, Ðoàn Thể nghiệm của Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa xây dựng một chương trình mang tên Giới thiệu nghệ thuật tuồng với khán giả trẻ, kết hợp hình thức biểu diễn và giao lưu, trải nghiệm, giúp người xem hiểu được những tinh hoa của môn nghệ thuật này một cách trọn vẹn nhất. NSƯT Lộc Huyền (ảnh nhỏ), Trưởng đoàn Thể nghiệm của Nhà hát Tuồng Việt Nam trò chuyện với chúng tôi về nỗ lực này.

Chương trình Giới thiệu nghệ thuật tuồng với khản giả trẻ mang đến những cách tiếp cận mới cho công chúng.
Chương trình Giới thiệu nghệ thuật tuồng với khản giả trẻ mang đến những cách tiếp cận mới cho công chúng.

- Không vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì sân khấu tuồng vốn dĩ đã và đang mất dần khán giả?

- Ðúng là như vậy. Sân khấu tuồng đang khủng hoảng về khán giả, đặc biệt người trẻ ít quan tâm và tới rạp hát để xem tuồng. Nhiều năm gần đây, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng đã xây dựng các chương trình, tác phẩm để hướng tới khán giả trẻ nhưng kết quả chưa được như mong đợi. Thực tế cho thấy cần phải có một mô hình phù hợp hơn. Xuất phát từ nhu cầu này, Ðoàn Thể nghiệm Nhà hát Tuồng Việt Nam tập trung lực lượng nghệ sĩ trẻ của đơn vị, đã xây dựng chương trình Giới thiệu nghệ thuật tuồng với khán giả trẻ năm 2021, với những cách tiếp cận mới.

 Không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai -0

- Chị có thể chia sẻ về những cách tiếp cận mới của chương trình này?

- Chủ đạo trong chương trình vẫn là biểu diễn những trích đoạn tuồng mẫu mực, đặc sắc của nghệ thuật tuồng truyền thống như: Ông già cõng vợ trẻ đi xem hội, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Ôn Ðình chém Tá, Trần Quốc Toản ra quân... được kết cấu chặt chẽ, hấp dẫn. Ðiều quan trọng là nghệ sĩ không chỉ biểu diễn mà còn giao lưu, tương tác với khán giả, giới thiệu với khán giả đặc trưng loại hình nghệ thuật tuồng, một số quy tắc, lề lối của hát, múa biểu diễn, hóa trang… và giải đáp những câu hỏi của khán giả để giúp họ hiểu hơn về nghệ thuật tuồng ở nhiều góc cạnh. Tham gia biểu diễn trong chương trình đều là những gương mặt nghệ sĩ trẻ tài năng và triển vọng của nhà hát. Không chỉ đòi hỏi trình độ diễn xuất của nghệ sĩ, chương trình còn đặt tiêu chí phải chú trọng sự chuẩn mực, làm sao nhấn mạnh được đặc trưng riêng của tuồng và văn hóa của người Việt Nam.

- Chọn đối tượng chính của chương trình là người trẻ. Chị có thể nói rõ hơn về điều này?

- Chúng tôi phân cấp độ nhu cầu thưởng thức theo từng cấp học phổ thông như học sinh tiểu học, học sinh trung học phổ thông, sinh viên đại học. Với từng cấp học phải có một chương trình giới thiệu riêng. Thí dụ trích đoạn tuồng lịch sử Trần Quốc Toản ra quân sẽ phù hợp với đối tượng học sinh cấp tiểu học, trung học cơ sở, hay trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hóa cáo có nội dung và trình thức biểu diễn phức tạp thì sẽ phù hợp hơn với các bạn sinh viên. Và dĩ nhiên, có những trích đoạn như tuồng hài Ông già cõng vợ trẻ đi xem hội thì kể cả học sinh, sinh viên cũng đều có thể tiếp nhận dễ dàng. Qua việc trao đổi giao lưu, nghệ sĩ tuồng có thể giới thiệu sâu về đặc trưng của nghệ thuật tuồng. Ðơn cử như các mẫu nhân vật điển hình như nịnh thần, trung thần, nữ đẹp… được đứng song hành trên sân khấu, giới thiệu tỉ mỉ giúp khán giả có thể hiểu hơn về mẫu các nhân vật của tuồng ngay từ cách hóa trang.

- Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng đã nhiều lần xây dựng các chương trình hướng tới mục tiêu tiếp cận khán giả nhưng kết quả vẫn chưa đạt được như mong đợi. Với chương trình Giới thiệu nghệ thuật tuồng với khán giả trẻ, chị có tự tin?

- Việc kéo khán giả đến với nghệ thuật tuồng không thể là câu chuyện ngày một, ngày hai. Trong khi, giáo trình giảng dạy nghệ thuật truyền thống chưa phong phú, trong chương trình phổ thông rất ít bài học về nghệ thuật truyền thống. Ðó là lý do Nhà hát Tuồng Việt Nam vẫn kiên trì với mục đích này. Không chỉ riêng Nhà hát Tuồng Việt Nam mà các cơ quan quản lý nhà nước, hội nghề nghiệp cũng đã và đang nỗ lực tìm các giải pháp cho bài toán khó này, và xác định ưu tiên trước hết là đầu tư chiến lược cho khán giả bằng các chương trình giáo dục thẩm mỹ sân khấu. Cục Biểu diễn nghệ thuật và một số cơ quan liên quan đã từng phối hợp cùng các địa phương triển khai dự án Sân khấu học đường. Thông qua việc giới thiệu những tinh hoa của nghệ thuật dân tộc trong nhà trường, giảng dạy các kiến thức về bộ môn nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch cho học sinh, dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra một đội ngũ công chúng trẻ có hiểu biết, có nhận thức đúng, thẩm thấu được những cái hay, cái đẹp, những giá trị tinh hoa của nghệ thuật dân tộc. Tuy nhiên việc triển khai chưa thật sự quyết liệt và tạo sự lan tỏa rộng. Ðược biết, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng đang xây dựng đề án phát triển đối tượng khán giả trẻ cho sân khấu. Theo đó, đề án sẽ có nhiều hoạt động như tổ chức các trại sáng tác cho sân khấu truyền thống, tổ chức giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống trong hệ thống các trường học... Tôi cho rằng chúng ta vẫn chưa có những đề án và giải pháp thật sự chiến lược đầu tư thích đáng cho khán giả trẻ, kéo họ đến với nghệ thuật truyền thống, trong đó có tuồng. Với chương trình Giới thiệu nghệ thuật tuồng với khán giả trẻ, Nhà hát Tuồng Việt Nam mong muốn cung cấp những chương trình và tiết mục thật sự đạt chuẩn mực để khán giả trẻ có thể thẩm thấu được những tinh hoa của môn nghệ thuật này một cách trọn vẹn nhất. Làm cho khán giả trẻ từ biết, rồi hiểu và gần gũi hơn với nghệ thuật tuồng là một cách đào tạo mang tính khoa học, phù hợp và cũng là cách bảo tồn nghệ thuật tuồng một cách hiệu quả, bền vững.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của chị.

HIỀN LƯƠNG (thực hiện)