Gỡ rào cản để từng bước phục hồi

Một số địa phương có điểm du lịch, các doanh nghiệp lữ hành đã sẵn sàng khởi động lại trong tình hình mới. Tuy nhiên, tình trạng một số địa phương quá thận trọng cũng như sự thiếu thống nhất về khái niệm "an toàn", "vùng xanh"... đang tạo nên rào cản lớn cho việc triển khai hoạt động du lịch.

Doanh nghiệp VietFood Travel chào hàng tour khám phá Hà Nội bằng xe đạp.
Doanh nghiệp VietFood Travel chào hàng tour khám phá Hà Nội bằng xe đạp.

Sẵn sàng cho những xu thế mới

Sau quãng thời gian phải "ở yên" để phòng, chống dịch, đến thời điểm này, khi dịch bệnh bắt đầu được khống chế, nhu cầu đi du lịch của người dân ở nhiều địa phương là rất cao. Ngay cả "tâm dịch" của cả nước là TP Hồ Chí Minh, trong tháng 10 này, hoạt động du lịch cũng đã được tái khởi động, với những tour đến các "vùng xanh" trên địa bàn, như huyện Cần Giờ, Củ Chi... Ở khu vực miền trung, Quảng Bình là tỉnh tiên phong trong đón khách ngoại tỉnh từ giữa tháng 10, với khách thuộc các địa bàn không thực hiện chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tại các tỉnh phía bắc, một số địa phương cũng đã khởi động lại các hoạt động du lịch nội tỉnh như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Giang... Nhiều tỉnh sẽ mở cửa đón khách du lịch ngoại tỉnh trong tháng 11. Dù quy định cụ thể có khác nhau, nhìn chung các địa phương sẽ chỉ chấp nhận những tour du lịch khép kín, khách tiêm đủ hai mũi vaccine có xét nghiệm PCR âm tính và đến từ vùng mà địa phương cho là dịch bệnh không phức tạp.

Dịch Covid-19 làm thay đổi cách thức đi du lịch của người dân trên toàn cầu cũng như Việt Nam. Ðó là du lịch theo nhóm nhỏ, du lịch thông minh (sử dụng nhiều tiện ích thông minh), du lịch xe tự lái, du lịch khép kín... để đề phòng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ cộng đồng sang khách du lịch và ngược lại. Thích ứng với nhu cầu mới này, các doanh nghiệp lữ hành đã chào hàng nhiều tour mới. Hội Lữ hành Hà Nội, Câu lạc bộ Du lịch bền vững Vgreen đã xây dựng nhiều tour trải nghiệm bằng xe đạp cho khách tham quan Hà Nội và một số địa phương gần Thủ đô.

Theo ông Phạm Duy Nghĩa, đại diện Hội Lữ hành Hà Nội, các tour xe đạp được thiết kế linh hoạt, phù hợp nhiều đối tượng, lứa tuổi. Các tour gồm cả hình thức đạp xe khám phá một khu vực nhất định, kết hợp di chuyển bằng ô-tô đến những địa điểm đạp xe trải nghiệm. Doanh nghiệp Hanoitourist chuẩn bị nhiều chương trình khác nhau, trong đó, điểm nhấn là chương trình caravan tự lái. Phó Giám đốc Hanoitourist Lê Hồng Thái cho biết, chương trình gồm nhiều "gói" sản phẩm khác nhau, từ du lịch nội tỉnh về thăm làng cổ Ðường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cho đến caravan đi các tỉnh đông bắc, tây bắc hay Ninh Bình... Một số doanh nghiệp chào hàng tour du lịch tự lái với xe máy.

Sớm gỡ những rào cản

Bắc Giang là một trong những địa phương sớm triển khai đón khách du lịch ngoại tỉnh. Tuy nhiên, một trong những thị trường du lịch lớn nhất cả nước là Hà Nội thì Bắc Giang chưa thể khai thác. Bởi theo bản đồ dịch tễ của Bắc Giang, Hà Nội vẫn là "vùng cam". Khách Hà Nội muốn đến Bắc Giang, kể cả người đã tiêm đủ hai mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính, vẫn phải cách ly. Ðối với du lịch Hà Giang, Giám đốc lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết: "Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tour du lịch Hà Giang vào giữa tháng 10, nhưng đã phải hoãn do Hà Giang thay đổi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi tỉnh tiếp nhận nhiều người dân trở về từ các tỉnh miền nam". Doanh nghiệp lữ hành luôn trong trạng thái "hồi hộp" cao độ do mỗi tỉnh quan niệm một khác về "an toàn", về "vùng xanh". Thậm chí, việc di chuyển từ "vùng xanh" đến "vùng xanh", nhưng ngang qua "vùng đỏ", "vùng cam" cũng hết sức phức tạp.

Cuối tháng 9 vừa qua, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Lễ phát động Chương trình Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc, mới có 25 hiệp hội du lịch, 11 sở du lịch tham dự. Nhiều tỉnh sẵn sàng đón khách, coi khôi phục du lịch là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn cuối năm. Nhưng nhiều tỉnh, thành phố đã qua hơn nửa tháng không xuất hiện ca bệnh, vẫn hết sức thận trọng trong việc mở cửa đón khách du lịch. Tại chương trình này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đề ra bộ tiêu chí an toàn trong du lịch, như an toàn ở các vị trí làm việc và phục vụ khách; an toàn đối với khách (khách trên 18 tuổi đã tiêm hai mũi vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 là có thể đi du lịch nội địa, tùy theo mức độ dịch bệnh của điểm đi, điểm đến mà cần thêm kết quả âm tính từ xét nghiệm PCR hoặc test nhanh). Tuy nhiên, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là chúng ta chưa hiểu rõ, chưa thống nhất khái niệm "an toàn" trong tất cả các khâu của hoạt động du lịch. Thế nào là du khách an toàn, điểm đến an toàn, cơ sở lưu trú an toàn, vận chuyển an toàn, nhà hàng an toàn… Do đó, nhiệm vụ cấp thiết hiện nay của ngành là phải có bộ tiêu chí du lịch an toàn cụ thể và phải sớm hoàn thiện qua thực tiễn.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Việc phân cấp nguy cơ dịch bệnh sẽ có tiêu chí cụ thể, bằng định lượng do Bộ Y tế quy định, thay vì định tính như hiện nay. Theo quy định tại Nghị quyết, chỉ khi dịch bệnh ở cấp độ cao nhất (cấp 4), hoạt động du lịch mới bị ngừng hoàn toàn. Còn lại, vẫn hoạt động, hoặc hoạt động hạn chế khi ở ba cấp độ dịch còn lại. Ðây là cơ sở để các địa phương thống nhất triển khai, tạo điều kiện cho ngành du lịch từng bước phục hồi.