Đánh giá về hoạt động đối ngoại và ngoại giao của Việt Nam, Đại sứ Pháp Nicolas Warnery so sánh với cây tre bởi tính mạnh mẽ, nguyên tắc nhưng cũng linh hoạt, uyển chuyển.

Ngày 12/4/1973 Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ. Sau năm 1975, quan hệ Việt-Pháp được tăng cường trên nhiều mặt, với dấu mốc quan trọng là chuyến thăm Pháp của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng hồi tháng 4/1977.

Năm 2023, Việt Nam và Pháp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược. Nhân dịp này, phóng viên Báo Nhân dân đã có buổi trò chuyện với Đại sứ Pháp về quan hệ Việt-Pháp cũng như các hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong năm 2022.

PV: 50 năm là một hành trình không hề ngắn trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. So với ngày đầu thiết lập, quan hệ giữa Pháp và Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể nào, thưa ông?

Đại sứ Nicolas Warnery: Sự thúc đẩy, ủng hộ của các lãnh đạo cấp cao từ cả hai phía là đặc thù trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp. Đồng thời, mối quan hệ này cũng được phát triển từ sự thân tình giữa người dân với người dân.

Chúng ta có thể thấy, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã phát triển rõ rệt theo năm tháng. Trong đó, các chuyến thăm cấp cao là dấu ấn quan trọng, mở ra những hướng đi mới và tăng cường quan hệ hợp tác song phương.

Tháng 2/1993, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand trở thành lãnh đạo phương Tây đầu tiên thăm Việt Nam kể từ năm 1975. Chuyến thăm này đã đặt nền móng cho hoạt động của Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp,… Những cơ quan này vẫn còn hoạt động cho tới tận ngày nay và có thể giữ một vai trò quan trọng trong việc phát triển quan hệ hợp tác Pháp-Việt trong nhiều năm nữa.

Các chuyến thăm cấp cao cũng làm phong phú, đa dạng mối quan hệ hợp tác giữa hai bên trong nhiều lĩnh vực như: Giáo dục, nghiên cứu, y tế, môi trường, thương mại, văn hóa,… hay chuyển dịch năng lượng công bằng – một chủ đề mới mà Việt Nam và Pháp đang đẩy mạnh hợp tác.

Về kinh tế, tôi nghĩ đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam và Pháp phát triển mối quan hệ giao thương mạnh mẽ hơn nữa, giảm bớt thâm hụt trong cán cân thương mại.

Như tôi đã nói, chuyển dịch năng lượng công bằng là lĩnh vực có nhiều cơ hội để hai bên hợp tác trong bối cảnh mọi quốc gia đều phải thích ứng với vấn đề biến đổi khí hậu.

Hợp tác quốc phòng là lĩnh vực tôi muốn nhấn mạnh trong thời gian tới. Chúng tôi mong Việt Nam và Pháp sẽ có những dự án nền tảng, đi vào chiều sâu để tăng cường mối quan hệ giữa hai nước.

Trên logo kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp có in một dòng chữ “Văn hóa sẻ chia” bằng tiếng Việt. Việt Nam và Pháp vốn có nhiều điểm tương đồng trong văn hóa. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng có rất nhiều điểm khác biệt – điều mà hai nước có thể bổ sung, chia sẻ với nhau. Đó chính là tinh thần của việc kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp.

PV: Trong chuyến thăm Việt Nam vào đầu tháng 12/2022, Chủ tịch Thượng viện Pháp Larcher nhấn mạnh rằng: Điều đặc biệt trong mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam chính là khả năng vượt qua những khác biệt và lịch sử giữa 2 nước để hướng tới tương lai, xây dựng câu chuyện ngoại giao mới. Xin ông phân tích thêm về khả năng đặc biệt này?

Đại sứ Nicolas Warnery: Mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp đã trải qua một thời gian dài, có những lúc thăng trầm khác nhau. Điều đặc biệt là dù có lúc đi vào pha trầm nhưng Việt Nam và Pháp luôn luôn muốn tạo ra pha thăng mới trong quan hệ giữa hai nước.

Như tôi đã chia sẻ, tinh thần đó chính là cơ sở để hai nước tăng cường, đa dạng các lĩnh vực hợp tác trong thời gian qua. Mặc dù chúng ta đã có 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng có lẽ đó mới chỉ là khởi đầu.

PV: Trong cuộc trò chuyện giữa chúng ta vào năm ngoái, Đại sứ nói rằng “năm 2022 sẽ là thời điểm chúng ta phải “thuần hóa” virus SARS-CoV-2 để sống chung”. Ông đánh giá thế nào về hoạt động “thuần hóa” này trong năm vừa qua? Sự thuần hóa này đã ảnh hưởng thế nào tới các hoạt động ngoại giao?

Đại sứ Nicolas Warnery: Trong năm 2022, nỗ lực quay trở lại cuộc sống bình thường đã chứng tỏ tính hiệu quả từ chính sách của cả Việt Nam và Pháp. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam và Pháp đã thể hiện tình đoàn kết và trợ giúp lẫn nhau về cả tinh thần và vật chất như: Tặng khẩu trang, tặng vaccine,…

Hiện tại, dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Nhưng chúng ta có thể thấy hai nước đã bảo vệ người dân rất tốt trước đại dịch này.

Đây cũng là cơ sở để hai nước duy trì những hoạt động ngoại giao cấp cao trong suốt hai năm dịch bệnh bùng phát. Chúng ta có thể kể đến 2 chuyến thăm quan trọng nhất: Chuyến thăm vào tháng 11/2021 của Thủ tướng Phạm Minh Chính sang Pháp và chuyến thăm của Chủ tịch Thượng viện Pháp sang thăm Việt Nam vào tháng 12/2022.

Hai chuyến thăm này không chỉ là những hoạt động duy trì mối quan hệ cấp cao giữa Pháp và Việt Nam mà còn là sự duy trì và thúc đẩy những dự án quan trọng giữa Việt Nam và Pháp trong thời điểm dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn.

PV: Với tư cách là một nhà ngoại giao, Đại sứ đánh giá thế nào về các hoạt động ngoại giao của Việt Nam vào năm 2022?

Đại sứ Nicolas Warnery: Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn, Việt Nam đã thể hiện được sự năng động và tích cực trong các hoạt động ngoại giao.

Các hoạt động đối ngoại của Việt Nam không chỉ dừng ở khuôn khổ song phương mà còn mà còn mở rộng các mối quan hệ đa phương trong khuôn khổ ra quốc tế. Tôi có thể điểm lại một sự kiện chính như: Năm 2020, Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN; năm 2022, Việt Nam hoàn thành nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; năm 2022, Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 77,…

Đặc biệt, sự kiện Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025,…cũng sẽ là cơ hội tăng cường mối quan hệ hợp tác Việt - Pháp.

PV: Theo Đại sứ, trường phái đối ngoại và ngoại giao “cây tre Việt Nam” sẽ phát triển và tạo ra sức ảnh hưởng thế nào trong tương lai? “Cây tre Việt Nam” sẽ đứng trước những thách thức, cơ hội gì?

Đại sứ Nicolas Warnery: Cá nhân tôi khá thích hình ảnh cây tre. Với nhiều đặc tính như uyển chuyển nhưng mạnh mẽ, mềm mỏng nhưng dẻo dai, cây tre là hình tượng, biểu trưng cho tính cách của người Việt Nam.

Tôi nghĩ, hoạt động đối ngoại và ngoại giao của Việt Nam được so sánh với cây tre bởi tính mạnh mẽ, nguyên tắc nhưng cũng linh hoạt, uyển chuyển. Cây tre Việt Nam có màu xanh, luôn vươn lên để kết nối với đất trời, hòa hợp với môi trường xung quanh.

Với tư cách là một nhà ngoại giao đang công tác tại Việt Nam, tôi cho rằng Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.

Việt Nam đang phải giải quyết nhiều thách thức của thời đại như: Vấn đề biến đổi khí hậu, vấn đề môi trường, cuộc khủng hoảng về năng lượng hay lương thực; vấn đề ở Myanmar, xung đột Nga- Ukraine,...

Để giải quyết tốt vấn đề đó, Việt Nam phải tính toán rất chi ly để đưa ra các giải pháp hợp lý trên cơ sở vẫn phải hòa mình với thế giới, đặc biệt là quá trình tăng trưởng kinh tế.

Tôi cho rằng, mặc dù có nhiều thách thức nhưng Việt Nam cũng có rất nhiều cơ hội để khẳng định vị trí của mình. Bởi đây là những vấn đề toàn cầu. Không chỉ riêng Việt Nam mà các nước khác trên thế giới cũng phải chịu ảnh hưởng bởi những vấn đề này. Đó chính là cơ hội để mở rộng hợp tác giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

PV: Đây là cái Tết thứ 4 Đại sứ ở Việt Nam nhưng là cái Tết đầu tiên không diễn ra trong hoàn cảnh dịch bệnh bùng phát. Tết này của Đại sứ có gì khác biệt?

Đại sứ Nicolas Warnery: Đây là lần thứ 4, tôi được đón Tết tại Việt Nam. Không khí Tết của Việt Nam rất đặc biệt nhất là những ngày cuối năm trước thời khắc giao thừa. Sự bận rộn nhìn thấy rõ trong từng gia đình đến các con phố. Nhưng sau thời điểm giao thừa, nhất là vào ngày mùng 1 Tết, đường phố trở nên tĩnh lặng.

Việc mà người Việt Nam, người phương Đông nói chung chọn hình tượng mỗi con vật cho 1 năm thay vì những con số khô khan. Đó cũng là một điều rất thú vị.

Nhân dịp năm mới, tôi xin được chúc độc giả của Báo Nhân Dân và người dân Việt Nam một năm mới an khang, thịnh vượng.

PV: Xin cảm ơn và chúc mừng năm mới ngài Đại sứ./.

Chỉ đạo sản xuất: Ngô Việt Anh

Thực hiện: Thi Uyên