Đổi mới công tác khám bệnh, chữa bệnh

Người dân sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đăng ký KCB BHYT tại Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam. Ảnh: Trung Tâm cung cấp
Người dân sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đăng ký KCB BHYT tại Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam. Ảnh: Trung Tâm cung cấp

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và đang được lấy ý kiến rộng rãi. Thực tế cho thấy, Luật này cần được hoàn thiện càng sớm càng tốt nhằm sửa đổi vướng mắc, bất cập của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để điều chỉnh, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hai năm qua.

Là lĩnh vực được nhà nước ưu tiên đầu tư, nhưng muốn bảo đảm mục tiêu sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đòi hỏi các cơ quan liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định cho chặt chẽ. Thực tế đã chứng minh có những kẽ hở cần phải được lấp đầy mới mong bảo đảm được kỷ luật, kỷ cương trong sử dụng ngân sách nhà nước cho y tế một cách tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích. Nhất là cần triệt tiêu các nhóm lợi ích, hành vi tư lợi, tham ô, nhũng nhiễu, trục lợi thông qua các hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân.

Hiện nay, có những mô hình, cách làm liên quan hành nghề y, dược rất đa dạng, phong phú và cần được quan tâm cụ thể hơn. Chẳng hạn việc khám, chữa bệnh trực tuyến, từ xa bước đầu phát triển và có tác động tích cực tới đời sống xã hội; sự phát triển của mô hình bác sĩ gia đình đang được người dân quan tâm, sử dụng; sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong quá trình khám, chữa bệnh đang tạo ra những cơ hội mới cho người dân trong tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại… Ngoài ra, sự xuất hiện rộng khắp của các phòng khám bệnh, chữa bệnh, bệnh viện tư nhân đang tạo ra sắc diện mới của y tế nước ta và cần được nghiên cứu, định hướng phát triển phù hợp tình hình đất nước và nhu cầu, khả năng của nhân dân.

Sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần tiếp tục quan tâm cụ thể hơn, đổi mới mạnh mẽ hơn công tác  tổ chức đội ngũ y, bác sĩ; xem xét vấn đề cấp phép hành nghề, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho y, bác sĩ được khám, chữa bệnh tốt hơn, đúng hơn, hiệu quả hơn và người dân có điều kiện tiếp cận những thầy thuốc giỏi nhiều hơn. Các quy định liên quan hoạt động ngành nghề của y, bác sĩ cần được đổi mới để phù hợp thực tế, đồng thời tháo gỡ bất cập, tạo môi trường để các y, bác sĩ hoạt động chuyên môn. Bên cạnh đó, cần chú trọng nghiên cứu điều chỉnh, sắp xếp lại các bệnh viện bảo đảm mọi người dân đều có thể nhanh chóng, thuận lợi khi cần khám bệnh, chữa bệnh.

Một trong những nội dung được nhiều người dân quan tâm là việc thanh toán Bảo hiểm y tế sau khi điều trị. Đây là công việc quan trọng, đã có những đổi mới thiết thực trong nhiều năm qua, từ đó giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân kịp thời, nhất là người nghèo, người mắc các bệnh nan y. Vì vậy, nội dung này rất cần được cơ quan soạn thảo cùng các bộ, ngành chức năng nghiên cứu thành quả, nhận diện hạn chế, rà soát các quy định của pháp luật một cách kỹ lưỡng, toàn diện.

Từ thực tế phòng, chống đại dịch Covid-19, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hội hóa, đa dạng hóa loại hình dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân để có thể huy động sự tham gia tích cực của các Hội nghề nghiệp, ngành nghề cũng như bảo đảm công bằng trong tiếp cận, cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh của cả cơ sở y tế công lập và tư nhân… Lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh. Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo, làm cơ sở để đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở y tế. Hiện thực hóa những mục tiêu đặt ra khi sửa đổi luật chính là chìa khóa để ngành y phát triển mạnh mẽ và thực chất hơn.