Định hướng nghề cần đi trước một bước

Giáo dục nghề nghiệp, định hướng nghề là công tác được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Thành phố đã có nhiều chính sách khuyến khích học nghề, đầu tư cho công tác đào tạo nghề để thu hút học sinh, người lao động tham gia học nghề, góp phần bảo đảm cung cấp nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
0:00 / 0:00
0:00

Tám tháng đầu năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp của thành phố Hà Nội đã tuyển sinh và đào tạo cho 158.358 lượt người, đạt 70,54% kế hoạch tuyển sinh năm 2022, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trình độ cao đẳng là 13.115 người; trung cấp 17.639 người; sơ cấp và dưới ba tháng là 127.604 người.

Đã có 131.104 học sinh, sinh viên, học viên tốt nghiệp, góp phần cung cấp nguồn lao động đã qua đào tạo cho thị trường lao động. Đáng chú ý, tỷ lệ về cơ hội việc làm dành cho những người học nghề luôn ở mức cao, từ 95 đến 100%, bởi họ có thể đáp ứng được đòi hỏi của công việc, của thị trường lao động. Đây là một tín hiệu tích cực trong công tác định hướng, đào tạo nghề của thành phố.

Để có được kết quả này, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ đối tượng học sinh, sinh viên và người lao động. Để thực hiện chính sách đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới ba tháng theo quy định của Nhà nước, thành phố hỗ trợ năm nhóm đối tượng.

Ngoài ra, người lao động tham gia học nghề thuộc một số đối tượng còn được thành phố hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại học nghề. Mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày học; hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học đối với trường hợp địa điểm đào tạo cách xa nơi cư trú từ 15km trở lên. Theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, chỉ tiêu đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới ba tháng của các quận, huyện, thị xã năm 2022 là hơn 21.000 người, trong đó có hơn 9.000 người được đào tạo nghề phi nông nghiệp và hơn 12.000 người được đào tạo nghề nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Hà Nội chú trọng phân luồng giáo dục ngay từ những năm cuối cấp trung học cơ sở, sớm định hướng học nghề để tiết kiệm thời gian, chi phí và có cơ hội việc làm cho đối tượng học sinh. Hiện, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp của thành phố đã tuyển sinh, đào tạo nghề chương trình hệ 9+, thu hút học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học văn hóa trung học phổ thông song song với học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Trưởng phòng Kỹ năng, Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ thanh thiếu niên Hà Nội Lê Anh Tuấn cho rằng, cần thay đổi nhận thức về giáo dục hướng nghiệp để có sự chuẩn bị tốt nhất. Không nên đợi đến hết trung học phổ thông mới hướng nghiệp, bởi như thế là quá muộn. Các em học sinh nên cố gắng chọn ngành nghề phù hợp dựa trên ba yếu tố: Phù hợp hoàn cảnh gia đình; phù hợp năng lực bản thân; phù hợp nhu cầu xã hội.

Khi đã nắm rõ thế mạnh bản thân, lựa chọn ngành nghề phù hợp, nắm rõ thông tin thị trường lao động, lợi thế của các ngành nghề, các em nên chọn học trung cấp nghề, sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, thậm chí được miễn phí học nghề, sau này vừa sớm tìm được việc làm, vừa có cơ hội học lên trình độ cao hơn.

Năm 2022, thành phố Hà Nội đặt chỉ tiêu 224.500 lượt người được tuyển sinh và đào tạo nghề, nhằm tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động, từng bước khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.