Định hình "khung" phát triển giai đoạn tiếp theo

Sau 21 ngày làm việc nghiêm túc, hiệu quả, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã vừa khép lại. Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định: "Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tâm lực, trí lực giải quyết một khối lượng công việc lớn, quan trọng với sự đồng thuận, nhất trí cao".
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh bế mạc kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Quang cảnh bế mạc kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Thông qua sáu luật, 12 nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết chung

Xác định rõ tình hình kinh tế và chính trị-an ninh thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tại kỳ họp này, Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tập trung giải quyết căn cơ, có kết quả cụ thể các yếu kém, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, trong xử lý các tổ chức tín dụng, các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ.

Hệ thống chỉ tiêu quan trọng nhất năm 2023 đã được Quốc hội quyết định, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Mức tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4,5% đạt được sự đồng thuận rất cao của đại biểu Quốc hội và được giới quan sát kinh tế cả trong và ngoài nước nhìn nhận là "thách thức nhưng khả thi".

Trong công tác lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội đã biểu quyết thông qua sáu luật, 12 nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết chung của kỳ họp, thảo luận về việc tiếp thu, chỉnh lý và cho ý kiến lần đầu đối với tám dự án luật, đồng thời quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phát huy dân chủ, thật sự cầu thị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, cơ quan tổ chức hữu quan để tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình kịp thời, thấu đáo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, nhất là các vấn đề lớn, quan trọng hoặc còn có ý kiến khác nhau nên đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết khi đưa ra biểu quyết.

Chỉ có một thay đổi so với chương trình nghị sự ban đầu: Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chưa được thông qua. Nhưng đây cũng là điều đã được Quốc hội dự liệu ngay khi thông qua chương trình chính thức của kỳ họp. Báo cáo của Chính phủ, của Ủy ban Xã hội và quá trình thảo luận tại kỳ họp cho thấy dự án Luật còn chưa "chín", nhất là trong việc xây dựng, luật hóa cơ chế tự chủ tài chính của bệnh viện công, trước hết là tự chủ tài chính, hợp tác công tư, giá dịch vụ… Đó là chưa kể còn rất nhiều vấn đề lớn khác (gần một phần ba trong hơn 120 điều luật) còn được giao cho Chính phủ quy định chi tiết, liên quan đến hệ thống cơ sở y tế; xã hội hóa; chi phí giá khám bệnh, chữa bệnh; cơ chế tài chính y tế; Hội đồng Y khoa Quốc gia; công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh; thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh... Tuy nhiên, dự án luật sẽ được hoàn thiện, bảo đảm thời gian có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 như dự kiến của Quốc hội và Chính phủ.

Giải quyết các vấn đề thiên hình vạn trạng trong thực tế, nhiều khi phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Nhưng làm luật thì không thể "xuống nước trước khi tập bơi". Khẩn trương, nhưng không nóng vội, Quốc hội đã thể hiện cách làm việc trách nhiệm và chuyên nghiệp trong công tác lập pháp.

Dân chủ hơn, quyết liệt và thiết thực hơn

Trong công tác giám sát, bên cạnh những nội dung theo thông lệ, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Cuộc giám sát được tiến hành với quy mô và lực lượng huy động tham gia rất lớn. Trên cơ sở 580 báo cáo, văn bản của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cùng hệ thống phụ lục kèm theo khoảng 100 nghìn trang tài liệu, kết quả giám sát được phản ánh tại Báo cáo đầy đủ (93 trang), 42 phụ lục và 30 báo cáo giám sát trực tiếp tại các Bộ, ngành, địa phương với tổng số 1.685 trang.

Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết "Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", trong đó, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức hữu quan làm rõ các vi phạm, thất thoát, lãng phí được phát hiện; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các giải pháp khắc phục các khuyết điểm, tồn tại, hạn chế trong Báo cáo của Đoàn giám sát.

Cũng trong lĩnh vực giám sát, hoạt động chất vấn tiếp tục có đổi mới, thực chất, sôi động. Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4 đã xác định rõ nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và thời hạn hoàn thành cụ thể, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những vấn đề đã cam kết, có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn, báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện tại các kỳ họp sau.

Một số nội dung không kém phần quan trọng khác cũng đã được quyết định tại kỳ họp là kiện toàn nhân sự Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026. Quốc hội, trong nghị quyết chung của kỳ họp, cũng đã quyết định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14; giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14; áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ với quy định xử lý kỷ luật của Đảng; bổ sung thông tin "nơi sinh" vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam để tạo thuận lợi và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân khi nhập cảnh tại các nước…

Với tất cả những thành quả quan trọng đó, cùng với Nội quy kỳ họp Quốc hội đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng hoạt động của Quốc hội sẽ ngày càng có chất lượng cao hơn; dân chủ hơn, sáng tạo, quyết liệt và thiết thực hơn, đóng góp xứng đáng vào hành trình phát triển bền vững của đất nước.