Ngăn chặn tình trạng thông tin sai sự thật về dịch Covid-19

Lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; đồng thời, nhằm tạo sự chú ý của cộng đồng mạng tới trang thông tin cá nhân (Facebook, Zalo,…) một số người đã cố tình đưa những thông tin giả, sai sự thật lên mạng xã hội. Việc làm này không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn trực tiếp tạo ra những lo lắng, hoang mang không đáng có trong dư luận. Để ngăn chặn, đồng thời giúp người dân hiểu đúng và có trách nhiệm khi thông tin trên mạng xã hội, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng có giải pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm.

Cơ quan chức năng TP Hà Nội làm việc với ông Trần Văn D, chủ tài khoản Facebook có tên “Hà Nội Phố” về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật. Ảnh: NGỌC ANH
Cơ quan chức năng TP Hà Nội làm việc với ông Trần Văn D, chủ tài khoản Facebook có tên “Hà Nội Phố” về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật. Ảnh: NGỌC ANH

Vô vàn tin giả

Vừa qua, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) tỉnh Bắc Giang ra quyết định xử phạt ông N.Q.T (SN 1986, ở xã Dương Đức, huyện Lạng Giang) 7,5 triệu đồng do đăng tải thông tin sai sự thật. Trước đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các cán bộ Công an huyện Lạng Giang phát hiện tài khoản Facebook của ông T đã đăng tải thông tin với nội dung cán bộ quản lý tại khu cách ly Trường mầm non Tân Dĩnh “ăn chặn” suất ăn sáng của những người đang cách ly y tế tại đây. Trong quá trình xác minh vụ việc, các cơ quan chức năng đã làm việc với ông T và xác định nội dung thông tin do ông đăng tải lên Facebook là sai sự thật. Bước đầu ông T khai nhận là người đang thực hiện cách ly tại Trường mầm non Tân Dĩnh; đồng thời thừa nhận hành vi sai trái khi đăng tải thông tin nêu trên lên mạng xã hội và cam kết gỡ bỏ bài viết, đính chính sự việc.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố, bắt tạm giam năm bị can liên quan đến clíp giả mạo đăng tải về quán ba - ka-ra-ô-kê Sunny bao gồm: Phùng Minh Tuấn, Đỗ Thành Đạt, Đặng Quốc Bình, cùng trú tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội); Lê Anh Tuấn, trú tại quận Cầu Giấy và Ngô Văn Thắng, trú tại quận Tây Hồ (Hà Nội) về tội “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”. Quá trình điều tra vụ án, cơ quan công an đã làm rõ, năm 2014, Ngô Văn Thắng thành lập Công ty TNHH PPO Việt Nam, có trụ sở tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) với mục đích tư vấn giải pháp thiết kế xây dựng trang web, chuyên thiết kế đồ họa, cung cấp dịch vụ máy chủ, tên miền… Khoảng tháng 9-2020, có một khách hàng thuê Thắng tạo lập ba trang web là livebong.net, tinbong.vn và vaobong.tv với mục đích đăng tải các thông tin “soi kèo” bóng đá, lịch thi đấu, kết quả bóng đá, bảng xếp hạng các giải bóng đá châu Âu, Việt Nam… Vừa qua, khi một số trường hợp mắc Covid-19 có liên quan đến hoạt động của quán ba - ka-ra-ô-kê Sunny ở TP Phúc Yên (Vĩnh Phúc) được nhiều người quan tâm, nhận thấy đây là cơ hội để tăng lượng truy cập vào ba trang web nêu trên, Phùng Minh Tuấn đã tìm kiếm và tải một đoạn vi-đê-ô clíp ở trong phòng hát có nội dung khiêu dâm rồi tạo lập tài khoản, chỉnh sửa, thêm tiêu đề, tạo đường dẫn, đăng tải trên các trang web tinbong.vn, livebong.net nhằm gây sự chú ý, tò mò, thu hút người xem. Sau đó, thấy vi-đê-ô đã đăng nhưng lượng tương tác không nhiều, Đạt và Bình tìm kiếm thêm các clíp khác để đăng thêm, đồng thời yêu cầu các nhân viên của công ty chia sẻ lên Facebook. Quá trình điều tra, các cán bộ công an xác định đoạn clíp được các đối tượng đăng tải lên trang web livebong.net đã phát tán đến rất nhiều người, riêng tại tỉnh Vĩnh Phúc bước đầu xác định có khoảng 6.000 người truy cập…

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ việc đăng tải các thông tin sai sự thật lên mạng xã hội đã bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý kịp thời. Theo thống kê của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, trên không gian mạng Việt Nam đã có hơn 900 nghìn thông tin liên quan đến dịch Covid-19. Trong đó có rất nhiều thông tin giả, sai sự thật về dịch bệnh gây hoang mang trong dư luận xã hội. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên một phần do công tác vận động, tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh của các ban, ngành còn hạn chế; người dân còn thiếu các thông tin đầy đủ về tình hình dịch bệnh. Bên cạnh đó, một số đối tượng bất mãn chính trị, thù địch, phản động trong nước và nước ngoài cũng lợi dụng cơ hội phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng nhằm phủ định công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19,... Mục đích của các đối tượng này là nhằm gây hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân, tạo ra tình trạng bất ổn, chia rẽ trong nội bộ; tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, nhiều người cũng lợi dụng tình hình dịch bệnh để tung tin thất thiệt; hoặc đưa những thông tin thiếu tính xác thực, phỏng đoán theo quan điểm, nhận thức cá nhân nhằm câu view, câu like… trên Facebook, YouTube, Zalo. Ngoài ra, do sự phát triển nhanh của công nghệ cho nên việc phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của các cơ quan chức năng gặp những khó khăn nhất định. Chính điều này đã vô tình tạo cảm giác an toàn cho những người vi phạm khi đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội.

Để thực hiện trót lọt những hành vi vi phạm này, các đối tượng thường lập nhiều trang mạng, hội nhóm, tài khoản trên mạng xã hội để tán phát các hình ảnh, bài viết,… có nội dung xuyên tạc, bịa đặt về dịch bệnh tại Việt Nam. Việc phát tán thông tin sai sự thật được thực hiện đa dạng, từ những thông tin về số người chết do Covid-19 cho đến các phương pháp tắm lá bưởi, hút thuốc lào, uống rượu bia để chữa trị. Nguy hiểm hơn, một số trang mạng còn kêu gọi người dân không thực hiện hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế; không tin vào các kênh thông tin báo chí chính thống; lồng ghép các thông tin bịa đặt, chưa được kiểm chứng gây hoang mang dư luận xã hội.

Cần sự chung sức, đồng lòng

Theo Giám đốc Sở TT và TT tỉnh Phú Thọ Trịnh Hùng Sơn, để hạn chế tình trạng đưa tin sai sự thật về tình hình dịch Covid-19 trên mạng xã hội, các cơ quan chức năng của tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp như tích cực tổ chức rà quét thông tin trên báo chí và mạng xã hội về tình hình dịch bệnh. Thường xuyên trao đổi thông tin với lực lượng công an các cấp và với sở TT và TT các tỉnh, thành phố để nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm trên môi trường mạng. Ngoài ra, Sở TT và TT còn phối hợp Công an tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Hội Nhà báo tỉnh bảo đảm an ninh chính trị nội bộ trên lĩnh vực báo chí, thông tin trên mạng tại địa bàn tỉnh. Qua đó, kịp thời phát hiện những vấn đề tiêu cực, phức tạp và tham mưu các cấp, ngành, cơ quan báo chí giải quyết dứt điểm, ổn định tình hình. Tăng cường công tác quản lý, định hướng các nhà báo, phóng viên, cán bộ, công nhân viên tại các đơn vị trong việc sử dụng Facebook, YouTube… Cũng theo đồng chí Trịnh Hùng Sơn, để kịp thời ngăn chặn tình trạng này Bộ TT và TT vừa có Công văn số 1800/BTTTT-PTTH&TTTĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội. Trước đó, Bộ cũng ra mắt cổng thông tin tiếp nhận phản ánh, công bố tin giả tại địa chỉ http://tingia.gov.vn và số điện thoại tiếp nhận phản ánh tin giả 18008108. Cổng thông tin có chức năng tiếp nhận trực tuyến các phản ánh về tin giả của tổ chức, cá nhân, đồng thời công bố tin giả bằng hình thức dán nhãn tin giả, tin sai sự thật. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu, kịp thời góp phần ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu, sai sự thật trên mạng xã hội… 

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đinh Ngọc Khoa, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, các thông tin được đăng tải trên mạng in-tơ-nét không đúng sự thật, chưa được kiểm chứng là rất nguy hại. Không những ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức mà còn gây thiệt hại đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ thực tiễn công tác điều tra các vụ việc vi phạm pháp luật về mạng xã hội cho thấy, các đối tượng vi phạm chủ yếu trong độ tuổi thanh niên, thiếu niên, thiếu hiểu biết về pháp luật và có hai khuynh hướng thông tin sai lệch. Thứ nhất, do hạn chế về nhận thức, ý thức pháp luật. Thứ hai là đăng tải thông tin với động cơ không tốt, nhằm câu like, tăng lượng người tương tác để được nổi tiếng... Để xử lý nghiêm các hành vi đưa thông tin không đúng lên mạng xã hội, trước tiên cần nâng cao hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền đối với thanh niên, thiếu niên. Từ đó, giúp họ hiểu và thấm nhuần những thuần phong mỹ tục cũng như những giá trị tốt đẹp của dân tộc để hướng tới những điều tốt cho xã hội. Đối với những hành vi vi phạm, các đơn vị của Bộ Công an, Bộ TT và TT, Bộ Quốc phòng sử dụng nghiệp vụ, kỹ thuật cần ngăn chặn và tạo tường lửa để mọi người không có khả năng truy cập vào các thông tin xấu, độc hại này. Ngoài ra, cần nâng cao mức xử phạt để tạo sức răn đe. “Để phòng, chống có hiệu quả các thông tin giả, sai sự thật về dịch Covid-19 trên mạng xã hội; đồng thời, xây dựng một không gian mạng lành mạnh, hữu ích cho xã hội bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng công an trong công tác đấu tranh xử lý các đối tượng vi phạm, rất cần có sự chung sức, đồng lòng của nhân dân...”, Đại tá Đinh Ngọc Khoa chia sẻ. 

Liên quan đến vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ TT và TT Hoàng Vĩnh Bảo vừa ký văn bản với nội dung: “Bộ TT và TT đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở TT và TT, công an tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý, xử lý theo thẩm quyền được giao. Tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm trên địa bàn. Trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, đề nghị phối hợp với Bộ TT và TT, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp”.

Về vấn đề này, Luật sư Vũ Hữu Quý (Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh) cho rằng: Việc các cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về dịch Covid-19 lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Để xử phạt đối với hành vi vi phạm này các cơ quan chức năng có thể căn cứ Nghị định số 15/2020/NÐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Luật An ninh mạng năm 2018; Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Để cụ thể hóa việc xử phạt đối với hành vi vi phạm này, ngày 30-3-2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn 45/TANDTC-PC hướng dẫn cụ thể các vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể: “Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch Covid-19, gây dư luận xấu, bị phạt tiền từ 30 - 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Ðiều 288 Bộ luật Hình sự. Trường hợp có tình tiết tăng nặng thì phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 đến 7 năm…”. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội về dịch bệnh, ngoài việc xử nghiêm các trường hợp vi phạm, các ban, ngành cần cập nhật thường xuyên, đầy đủ và chính xác tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, giúp người dân thường xuyên được tiếp cận với những thông tin chính thống về tình hình dịch Covid-19, tránh sự hoang mang, lo lắng không đáng có.