Ngăn chặn hành vi mua bán thiết bị đánh bạc

Với sự phát triển của công nghệ, nhiều thiết bị dùng để lừa đảo khi đánh bạc và tổ chức đánh bạc, được sản xuất ngày một tinh vi. Nhiều kẻ đã lợi dụng tâm lý hám lợi, thích đỏ đen của một số người để mua bán loại thiết bị này. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. 

Công an tỉnh Thanh Hóa thu giữ các thiết bị, dụng cụ đánh bạc tại một địa điểm buôn bán ở thành phố Thanh Hóa. (Ảnh THÁI THANH)
Công an tỉnh Thanh Hóa thu giữ các thiết bị, dụng cụ đánh bạc tại một địa điểm buôn bán ở thành phố Thanh Hóa. (Ảnh THÁI THANH)

Thời gian qua, trên nhiều nhóm, diễn đàn mạng xã hội, các hoạt động buôn bán thiết bị này cũng diễn ra sôi động, công khai. Các bài viết, clip hướng dẫn sử dụng thiết bị cũng được cập nhật thường xuyên. Nhiều đối tượng buôn bán các thiết bị cờ bạc bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. 

Nổi cộm nhất là vụ việc diễn ra cách đây không lâu tại tỉnh Thanh Hóa, khi cơ quan công an kiểm tra một căn nhà tại thành phố Thanh Hóa và phát hiện hơn 2.500 bộ bài tẩm hóa chất, hàng chục bộ bát đĩa và quân vị gắn chíp điện tử, áo gắn máy đổi bài, kính áp tròng, kính đeo mắt nhìn thấu quân bài… Cơ quan công an xác định chủ nhà là hai vợ chồng Lê Văn Hiền (38 tuổi), Lê Thị Huệ (31 tuổi). Các đối tượng khai mua các dụng cụ, thiết bị này từ cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) về Thanh Hóa bán kiếm lời. Mỗi loại thiết bị, dụng cụ này được bán từ  một đến 10 triệu đồng.

Qua các vụ việc được phát hiện, có thể thấy hành vi buôn bán các thiết bị cờ bạc ngày càng nở rộ. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện rất dễ dàng để mua các thiết bị này. Trên công cụ tìm kiếm Google, khi gõ từ khóa “cờ bạc bịp” sẽ cho ra hàng loạt trang web đăng bán đủ loại, từ các bộ bài đánh dấu, các thiết bị điện tử dùng để lừa đảo khi chơi bài. 

Tại website http://cobacvip..., dòng quảng cáo: “Chuyên bán buôn, bán lẻ các dụng cụ cờ bạc bịp mới 100% với hàng ngàn sản phẩm hiện đại, công nghệ cao mới nhất trên thị trường, giá rẻ cực sốc…” xuất hiện ngay trên trang chủ. Trên các nhóm, diễn đàn mạng xã hội, các hoạt động buôn bán thiết bị này cũng diễn ra sôi động, công khai. Các bài viết, clip hướng dẫn sử dụng thiết bị cũng được cập nhật thường xuyên.

Ngăn chặn hành vi mua bán thiết bị đánh bạc -0
Nhiều video hướng dẫn các thủ thuật, rao bán các thiết bị được đăng tải thường xuyên trên mạng xã hội. (Ảnh LONG KHÁNH) 

Liên hệ với một tài khoản Zalo thường xuyên đăng tin quảng cáo về dụng cụ đánh bạc có tên “Tuan Nguyen”, phóng viên được hẹn gặp xem hàng tại một con ngõ nhỏ trên đường Trường Chinh (Hà Nội). Đến điểm hẹn, chỉ sau chưa đầy 5 phút gọi điện, một người chạy xe máy đến, giới thiệu tên là Tuấn. Tuấn nhanh chóng mở cốp xe, chỉ cho tôi các thiết bị anh ta đăng bán và khẳng định: “Có những món này, ai cũng có thể thành thần bài”. Nói rồi Tuấn cầm lên tay bộ bài mà anh ta gọi là “bài lỗi”. Bộ bài này không khác gì những bộ vẫn được bán trên thị trường. 

Tuy nhiên, sau chỉ dẫn của Tuấn mới thấy được sự đặc biệt của món đồ này. Mánh lới nằm ở những ký tự hình tam giác ở phía sau lá bài. Trên mỗi hình tam giác viền quanh lá bài, tùy theo quân bài sẽ được in thiếu một nửa. Người chơi nhìn vào hình tam giác bị khuyết đó ở chiều ngang và chiều dọc để nhận biết con bài đó là bài gì. “Giá 60 nghìn đồng một bộ, nhưng em không bán lẻ. Anh mua thì mua cả cây (10 bộ) vì xé lẻ ra khó bán lắm!”. Nói rồi Tuấn cho biết, đây là thứ rẻ và “xoàng” nhất trong những thiết bị anh ta bán. Để tránh bị nhận biết, mỗi năm Tuấn đều nhập về các kiểu mẫu bài khác nhau. 

Theo Tuấn, món đồ được nhiều người chọn mua nhất là bộ bài phủ hóa chất được rao bán 300 nghìn đồng/bộ đi kèm cặp kính áp tròng có giá 3,2 triệu đồng. Tuấn cho biết: “Đây là hàng “xách tay”, nhập từ nước ngoài, giá cả hơi cao vì đợt này nhập được ít. Anh dùng bộ bài này, bảo đảm không ai phát hiện ra được”. Bí mật nằm ở lớp hóa chất phủ theo hình quân bài ở mặt sau những lá bài. Lớp hóa chất này không thể nhìn bằng mắt thường, nhưng khi dùng cặp kính áp tròng, sẽ phản quang. Khi dùng kính, lớp hóa chất tạo nên ánh sáng mờ mờ mầu đỏ, không khó để thấy hình dạng quân bài được hiện ra một cách rõ ràng. 

Ngoài những bộ bài nói trên thì Tuấn còn giới thiệu một vài món đồ khác. Anh ta có vẻ “tâm đắc” nhất là chiếc bát bằng men sứ gắn camera siêu nhỏ chuyên dùng để chơi xóc đĩa. Tuấn cho biết khách hàng chỉ cần đặt trên mạng là hàng sẽ được chuyển đến tận tay. 

Mặc dù các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ buôn bán thiết bị dùng để đánh bạc, tuy nhiên, hoạt động này vẫn diễn ra ngày càng nhiều và công khai. Theo một số cán bộ cảnh sát hình sự, việc mua bán, hướng dẫn sử dụng các thiết bị đánh  bạc gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Không ít tụ điểm đánh bạc sau khi bị triệt phá, cơ quan chức năng phát hiện các thiết bị này được các đối tượng sử dụng, cất giấu hết sức tinh vi. 

Thực tế cũng xảy ra nhiều vụ xô xát, ẩu đả, thậm chí có cả trọng án sau khi người chơi bài cay cú vì phát hiện mình bị lừa. Nếu người không biết bị lừa, lại có tâm lý muốn gỡ gạc thì đã thua lại càng thua, thậm chí dẫn đến khuynh gia bại sản. Chưa kể, buôn bán các loại thiết bị này cũng chính là tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo đánh bạc. 

Đáng chú ý, thời gian qua, Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) phát hiện việc sử dụng chất phóng xạ trong thiết bị cờ bạc “bịp”. Qua các vụ việc bị phát hiện, cơ quan công an cũng xác định các lá bài được quét các loại hóa chất dùng để phản quang có chứa chất phóng xạ, vượt từ 20 đến 30 lần cho phép, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và môi trường. 

Dược sĩ Hoàng Phương Thúy (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Hà Nội) cho biết, người tiếp xúc với phóng xạ, tùy mức độ phơi nhiễm và loại phóng xạ đều ảnh hưởng sức khỏe. Nếu tiếp xúc thường xuyên, nhiễm lâu dài có thể ảnh hưởng các tế bào trong cơ thể và nguy cơ cao nhất là ung thư. Ngoài ra, nhiều triệu chứng được ghi nhận khi tiếp xúc phóng xạ như da bị bong tróc, rụng tóc, mệt mỏi, bị viêm nhiễm…

Theo luật sư Phạm Việt Hưng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), hiện nay, Bộ luật Hình sự chỉ quy định xử lý các hành vi đánh bạc, gá bạc hoặc tổ chức đánh bạc, gá bạc trái phép chứ không quy định về các hành vi mua bán thiết bị dùng trong cờ bạc. 

Vì vậy, khi phát hiện các hành vi mua bán thiết bị này, rất khó để xử lý hình sự mà chỉ có thể phạt hành chính nếu chúng thuộc danh mục sản phẩm cấm lưu thông. Người sử dụng các loại thiết bị này để chơi bạc, ăn tiền thì ngoài hành vi đánh bạc, có thể còn bị xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Tuy nhiên, thực tế là nhiều “con bạc” biết bị người khác lừa tiền qua hình thức này lại không dám tố cáo do bản thân mình cũng đánh bạc, tức là đã vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự. Để ngăn chặn việc mua bán các thiết bị đánh bạc như hiện nay, cần xem xét, sửa đổi để quy định cụ thể hình thức xử lý hành vi nêu trên. 

Ngoài ra, nếu thiết bị cờ bạc có chứa chất phóng xạ, người mua bán, tàng trữ trái phép có thể bị xử lý hình sự theo Điều  309 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân.