Ðiều tra qua thư bạn đọc

Chấn chỉnh tiêu cực trong dồn điền, đổi thửa

Hiện nay, các địa phương đang đẩy mạnh việc dồn điền, đổi thửa (DÐÐT) nhằm khắc phục tình trạng manh mún đất canh tác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cơ giới hóa, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, việc DÐÐT tại các tỉnh phía bắc đã nảy sinh những tiêu cực, khiến người dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài.

Nông dân xã Thụy Lôi (Kim Bảng, Hà Nam) chia ruộng ngoài thực địa. Ảnh: ĐÀO PHƯƠNG
Nông dân xã Thụy Lôi (Kim Bảng, Hà Nam) chia ruộng ngoài thực địa. Ảnh: ĐÀO PHƯƠNG

Nghịch lý trong dồn điền, đổi thửa...

Gần đây, bảy hộ dân tại thôn Bùi Xá, xã Ðoàn Kết (Thanh Miện, Hải Dương) liên tục gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng về việc các cấp chính quyền thôn, xã làm trái mục đích, yêu cầu và nguyên tắc trong DÐÐT. Ngày 13-1-2014, thôn Bùi Xá tổ chức họp dân để xin ý kiến xã viên về dồn ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn. Có 110 trong số 112 hộ dân dự họp biểu quyết nhất trí phương án DÐÐT. Theo phương án này thì tổng số suất dự chia là 762 suất, mỗi suất là 1,63 sào (360 m2/sào). Trong đó giao 1,5 sào/suất tại các khu ruộng khác và 0,13 sào/suất tại khu ruộng nằm trong quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng của xã. Song việc cho mỗi suất 0,13 sào tại khu quy hoạch dẫn đến bức xúc, đó là: Diện tích khu Ðầm trên, khu Ðầm dưới và sau chùa Bùi Xá có tổng diện tích là 103,65 sào nằm trong vùng quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng của xã giai đoạn 2006-2010. Tại khu vực này có khoảng 30 hộ đang canh tác, nhưng Ban DÐÐT đã tự ý chia cho 762 suất, mỗi suất ruộng tiêu chuẩn là 0,13 sào. Tuy nhiên, theo bà Ðinh Thị Hiên, việc chia nhỏ diện tích đất là không đúng, bởi theo quy định tại Ðiều 29 Luật Ðất đai 2003 thì "Trường hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố có diện tích đất phải thu hồi mà Nhà nước chưa thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng theo mục đích đã xác định trước khi công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất".

Theo quy định nêu trên thì đất mà gia đình bà Hiên và các hộ dân khác đang sử dụng nằm trong quy hoạch đáng lẽ phải giữ nguyên hiện trạng. Nhưng chính quyền địa phương lại "ép" các hộ có đất nằm trong vùng quy hoạch phải "chia nhỏ" diện tích mà các hộ đang sử dụng mặc dù chưa được sự đồng ý của người dân. Tại khu đất Ðầm trên và Ðầm dưới có tổng diện tích khoảng 24 sào trước đây chỉ giao cho tám hộ canh tác, nhưng sau DÐÐT số hộ canh tác tại đây tăng lên thành 186 hộ. Một số hộ dân không đồng ý phương thức chia ruộng nêu trên, nên đã ra cấy tại ruộng cũ thì bị cán bộ, lãnh đạo UBND xã , công an xã Ðoàn Kết, cán bộ thôn ngăn cản, cưỡng chế không cho cấy thậm chí hành hung gây thương tích cho người dân.

Thực hiện kế hoạch DÐÐT, năm 2011, nhân dân xã Quảng Long (Quảng Xương, Thanh Hóa) hiến đất xây dựng công trình phúc lợi. Tuy nhiên, diện tích này chỉ dùng một phần vào mục đích công ích, diện tích còn lại hàng chục nghìn m2 được sử dụng sai mục đích nhằm trục lợi cá nhân gây bức xúc trong cán bộ và nhân dân. Nhân dân trong xã đều chung nguyện vọng được kiểm tra thực tế đất nông nghiệp và giao thông nội đồng sau DÐÐT, nhưng lãnh đạo thôn, xã đều gây khó khăn. Chỉ duy nhất Chi bộ thôn Lộc Xá ra Nghị quyết tháng 4-2012, đề nghị xã kiểm tra hai nội dung nói trên. Tháng 8-2012, lãnh đạo xã có quyết định thành lập Tổ kiểm tra gồm tám thành viên (trong đó, xã có bốn người và dân có bốn người đại diện do dân cử ra). Nhưng sau đó, một thành viên do người dân cử có tinh thần đấu tranh, hiểu biết pháp luật đã bị thay thế bằng một thành viên khác có lợi cho các đối tượng bị kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra, có rất nhiều điểm gây thắc mắc, đó là: tài liệu liên quan đến kiểm tra không đầy đủ và không được niêm phong. Trong Nghị quyết Chi bộ thôn Lộc Xá đã xác định rõ: "Mục tiêu của DÐÐT phải đạt bình quân 1,5 thửa/hộ". Tuy nhiên, sau DÐÐT, nhiều hộ có từ ba đến bốn thửa, cá biệt có hộ có năm thửa nằm rải rác khắp các xứ đồng...

Thực hiện không đúng theo quy định

Gia đình bà Bùi Thị Tích, ở xóm 8, thôn Trà Bồ, xã Phan Sào Nam (Phù Cừ, Hưng Yên) là gia đình có công với cách mạng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, thực hiện Chỉ thị số 21 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên về DÐÐT, chính quyền xã Phan Sào Nam đã không thực hiện việc DÐÐT cho gia đình bà. Theo Chỉ thị này, trước khi DÐÐT, chính quyền phải vận động nhân dân tự chuyển đổi cho nhau, hoặc cho người dân bàn bạc dân chủ, công khai. Song Ðảng ủy xã Phan Sào Nam dựa vào một số ít người (biểu quyết chưa quá bán) đã áp đặt một số hộ dân phải hiến đất với mục đích không rõ ràng. Riêng đối với gia đình bà Tích bị ép phải bỏ ra 363 m2 đất có quyền sở hữu hợp pháp. Ngoài ra, Bí thư Chi bộ xóm 8 khi chưa có Nghị quyết của Chi bộ và nhân dân, đã tự ý chia cho một số gia đình người thân diện tích đất lớn hơn so với các gia đình khác và những mảnh ruộng này đều là đất "bờ xôi, ruộng mật"...

Bà Ðào Thị Síu, thôn Tất Viên, xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ, Hưng Yên) bức xúc nói: Việc DÐÐT ở thôn Tất Viên không dân chủ, nông dân bị áp đặt, ép nhận ruộng. Nhiều gia đình cán bộ xã, thôn, cùng anh em họ hàng, thân quen được chia ruộng tốt. Ông Phạm Ngọc Hoa, cán bộ nông giang thôn Tất Viên, cho biết thêm: Ðầu năm 2014, thôn họp dân để thông báo chủ trương, phương thức DÐÐT của xã, theo nguyên tắc "thửa to ở lại, thửa bé ra đi". Khi chưa có sự đồng thuận của nhân dân, ông trưởng thôn đã cho chia lại ruộng đất, dùng quyền áp đặt nông dân nhận ruộng theo phương án do thôn định sẵn. Phương án chia ruộng mang tính áp đặt đã phá bỏ nguyên tắc nêu trên. Cán bộ thôn, xã "chiếm" những thửa ruộng đẹp, thậm chí có cả những biểu hiện tiêu cực trong việc DÐÐT, như ở cánh đồng Hiệp (cánh đồng đẹp nhất), cả trưởng thôn, phó thôn và Chủ tịch UBND xã đều được chia ruộng ở đó. Một số hộ dân bức xúc, làm đơn khiếu kiện đến các cấp, các ngành.

Trong quá trình triển khai việc DÐÐT ở tỉnh Hà Nam đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp do sự nóng vội, làm không đúng quy trình và thiếu tính minh bạch tại một số xã. Cán bộ ở cơ sở chưa nhiệt tình trong công việc, thiếu gương mẫu, còn lồng ghép quyền lợi cá nhân, thiếu công khai, minh bạch trong DÐÐT cho nên đã xảy ra tình trạng khiếu kiện. Tại thôn Phúc Thành, xã Châu Giang (huyện Duy Tiên), lãnh đạo thôn đã tổ chức thu tiền đối với những thửa ruộng tốt có vị trí thuận tiện đường giao thông và thủy lợi cho các hộ trong diện chuyển đổi, tự ý đấu giá đất để lập quỹ trái phép. Cán bộ thôn, xóm lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật trong công tác DÐÐT, không thực hiện đúng nghị quyết của thôn. Cán bộ tiểu ban thôn Nhất, xã Liêm Cần (Thanh Liêm) thiếu dân chủ trong công tác DÐÐT. Tiểu ban DÐÐT của thôn Ðoan Vĩ, xã Thanh Hải (Thanh Liêm) thực hiện dồn đổi thiếu minh bạch, có sự gian lận trong bốc thăm, chia ruộng... và để xảy ra tình trạng có những hộ diện tích đã bị đối trừ hoặc bị thu hồi bởi các dự án trên địa bàn nhưng khi tiến hành dồn đổi vẫn được nhận đủ diện tích...

Hiện nay, các địa phương đang nỗ lực triển khai việc DÐÐT, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cơ giới hóa, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, đang được người dân đồng thuận. Tuy nhiên, qua khảo sát, trong quá trình triển khai việc DÐÐT tại các tỉnh phía bắc, nhất là ở cấp cơ sở, một số nơi đã nảy sinh tiêu cực, khiếu kiện kéo dài. Ðể xảy ra tình trạng này, ngoài nguyên nhân do đội ngũ cán bộ cơ sở thực hiện DÐÐT thiếu công khai, dân chủ; trình độ và nhận thức hạn chế; còn do cấp ủy, chính quyền và một số ngành liên quan thiếu sự hướng dẫn cụ thể, chỉ đạo sâu sát. Việc DÐÐT phải đặt dưới sự chỉ đạo tập trung của cấp ủy, chính quyền, có sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội và sự đồng thuận của người dân. Phương án thực hiện DÐÐT phải được bàn bạc dân chủ, công khai theo đúng Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở; tuân thủ Luật Ðất đai và các văn bản pháp luật hiện hành; căn cứ vào quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết nông thôn mới; tạo sự đồng thuận cao, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa hộ dân và tập thể... Trước thực trạng nêu trên, đề nghị các cấp, các ngành cần sớm kiểm tra, làm rõ và có biện pháp xử lý nghiêm một số cán bộ ở cơ sở thực hiện không đúng các quy định của pháp luật về DÐÐT, gây bất bình trong quần chúng nhân dân.