Điều giản dị

Xuân này, đã thấy vắng những "kỷ lục". Không còn những chiếc bánh chưng khổng lồ, tô hủ tiếu siêu lớn. Cũng đã bớt đi những "lễ ra quân" trống rong cờ mở, ồn ã và hình thức.
0:00 / 0:00
0:00

Xuân này, người ta cũng bớt tranh cãi chuyện có nên gộp Tết dương lịch với Tết cổ truyền... Bởi Tết Nguyên đán hàng ngàn năm là thổ ngơi đất Việt. Bởi xuân mới là khởi đầu của một chu kỳ thiên tạo nhiệt đới bốn mùa. Và, dường như, sau ba cái Tết cả nước ta và nhiều nước trên thế giới bị ám ảnh bởi sự đe dọa, hoành hành của đại dịch Covid-19, mọi người như điềm tĩnh hơn, "sống chậm" hơn, suy nghĩ lại để quay về với chân giá trị, với những yêu thương.

Trên khắp nẻo đường xuân dọc dài đất nước, muôn hoa khoe sắc, những người con xa quê tìm lối đi về, thong dong và đầm ấm bên mâm cơm gia đình. Ở các không gian công cộng, những người dưng lần đầu chạm mặt mỉm cười với nhau, đôi mắt long lanh.

Sau kỳ nghỉ Tết, từ chốn làng quê thôn ấp cho đến phố thị tấp nập, trong các cơ quan công sở, người người đã bắt tay vào công việc, cần mẫn thực thi nhiệm vụ của mình. Câu ca dao "Tháng Giêng là tháng ăn chơi" đã không hẳn còn đúng với thời hiện đại!

Đầu xuân này, nhiều người, nhiều gia đình rộn rã lựa chọn xuất hành năm mới trên các hành trình thiện nguyện, chia sẻ áo ấm, sách vở cho học sinh vùng cao, đồng bào khó khăn.

Tất cả những đổi thay, những điều khác biệt kia đang như một mạch nguồn nhựa sống cho mỗi chúng ta một khởi đầu tốt đẹp, như năng lượng của mùa xuân được vun trồng, hun đúc qua tháng qua năm từ những điều giản dị. Đó cũng là những giá trị văn hóa nhân văn, nhân bản Việt Nam.