Điều chỉnh dự báo

Khác với những dự báo lạc quan hồi đầu năm 2022, gần đây, một số công ty chứng khoán (CTCK) đã phải điều chỉnh dự báo về VN Index. 

0:00 / 0:00
0:00

Chẳng hạn CTCK Mirae Asset đầu năm dự báo VN Index có thể lên đến 1.700 điểm nhưng gần đây hạ xuống 1.350-1.530 điểm, CTCK Everest từ mốc dự báo VN Index đạt 1.663 điểm cũng phải thay đổi xuống 1.270-1.514 điểm, điều tương tự là CTCK KBSV cũng giảm dự báo từ 1.760 điểm xuống 1.680 điểm… Đây vốn là hiện tượng… bình thường trên thị trường chứng khoán (TTCK) kể cả ở nước ngoài. Nếu có điều gì băn khoăn thì đó là chưa thấy một CTCK nào mạnh dạn đưa ra nhận định thận trọng vào đầu năm.

Quay trở lại thời điểm quý I năm nay, khi VN Index dao động ở ngưỡng 1.500 điểm thì các dự báo 1.600 điểm hay 1.700 điểm cho chỉ số này thậm chí còn được xem là “vừa sức”, thậm chí là thận trọng. Về tỷ lệ, từ mốc 1.500 điểm tăng lên 1.700 điểm thì điểm số sẽ bổ sung khoảng 10%. Với khí thế hừng hực của nhiều cổ phiếu (CP) lúc đó, vào một ngày đẹp trời có thể tăng kịch trần, thì việc việc VN Index bổ sung thêm 10% điểm số tất nhiên là phù hợp suy nghĩ của số đông. 

Có một thực tế là tại TTCK nước ngoài, nhiều dự báo cũng có tính theo sát nhau và câu chuyện đôi khi không chỉ là dự báo mà là một cách để quản trị rủi ro. Một dự báo khác thường hoặc khác với số đông mà chính xác có thể đưa một CTCK hay chuyên gia phân tích vụt sáng nhưng nếu không đúng thì xem như chôn vùi tên tuổi và uy tín. Trong khi đó, nếu dự báo chưa chuẩn xác nhưng vẫn có tương quan với số đông thì việc “sai chung” xem chừng dễ được chấp nhận và bào chữa hơn.

Nhìn vào diễn biến phiên giao dịch ngày 6/7 khi VN Index giảm xuống dưới ngưỡng 1.150 điểm, được xem là ngưỡng hỗ trợ mạnh thì việc các CTCK thay đổi dự báo là điều dễ hiểu. Vấn đề cần bàn ở đây là tính phù hợp của thay đổi như thế nào? Thực tế, với diễn biến của TTCK hiện tại, các dự báo ngắn, trung và dài hạn đều cực kỳ quan trọng. Chẳng hạn, việc đưa ra những dự báo theo năm, sẽ bảo đảm cho các nhà đầu tư (NĐT) mua và nắm giữ trong dài hạn có tính toán hợp lý trong việc chọn CP để giải ngân.

Còn với các dự báo trong trung và ngắn hạn, có thể sẽ giúp ích cho các NĐT giao dịch với thời gian ngắn hơn để tìm kiếm lợi nhuận. Nhưng điều cần tránh ở đây chính là tình trạng… loạn dự báo, thực tế thì dự báo của CTCK chưa chắc đã có tính thống nhất cao, dù chuyện này cũng là bình thường vì không ai có thể bảo đảm được. Nhưng nếu xảy ra hiện tượng, báo cáo của CTCK đưa ra một viễn cảnh lại khác với báo cáo của một phòng môi giới hay nhân viên môi giới nào đó thực hiện thì có thể xảy ra trường hợp dở khóc dở cười. NĐT sẽ tin ai?

Nhìn rộng hơn thì thậm chí đây là một sự lãng phí vì rõ ràng để có thể thực hiện việc dự báo, chưa bàn đến tính chính xác, các CTCK hiện nay phải bỏ ra rất nhiều công sức để chạy mô hình, tính toán số liệu… Nên chăng, mỗi CTCK cần tính toán đến việc thống nhất các dự báo của mình để vừa bảo vệ nguồn lực cho chính mình và cũng là để bảo vệ khách hàng một cách hiệu quả nhất.