Điệp khúc dự án quy hoạch “treo”, dự án chậm triển khai

Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 1.445 dự án được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua nghị quyết thu hồi, chuyển mục đích sử dụng nhưng chỉ có 402 dự án đã hoàn thành, 741 dự án đang triển khai thu hồi, còn lại 302 dự án vẫn “án binh bất động” làm khổ người dân.
0:00 / 0:00
0:00

Thậm chí, có huyện số dự án chậm triển khai nhưng chưa được thu hồi chiếm đến 30% tổng số dự án. Chính vòng luẩn quẩn quy hoạch, phê duyệt rồi lại thu hồi dự án đã kìm hãm sự phát triển kinh tế của thành phố suốt một thời gian dài.

Thông điệp kiên quyết thu hồi, chấm dứt quy hoạch treo, dự án chậm triển khai đã được các cơ quan chức năng của thành phố gióng lên nhiều lần, đặc biệt sau các đợt giám sát, chất vấn của cơ quan dân cử. Nhưng vì sao sau mỗi đợt nóng sốt quyết liệt thì mọi chuyện vẫn đâu vào đó? Lý giải của ngành tài nguyên và môi trường thành phố cho thấy, nguyên nhân khiến các dự án chậm triển khai phải đưa vào danh sách thu hồi là do việc điều chỉnh quy hoạch, do việc cân đối nguồn vốn ngân sách đối với các dự án đầu tư công, chủ đầu tư thiếu năng lực triển khai, khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng…

Hệ quả của các dự án chậm triển khai, của những bản quy hoạch không khả thi là quyền lợi chính đáng của hàng nghìn, thậm chí, hàng triệu người dân bị ảnh hưởng. Ðó là chưa kể, có những dự án dù đã được bỏ ra khỏi kế hoạch sử dụng đất mà chính quyền thành phố chưa điều chỉnh quy hoạch, thì quyền lợi về nhà đất của người dân trong khu vực vẫn chưa được thực hiện. Ðơn cử như, quy hoạch dự án khu đô thị Bình Quới-Thanh Ða (phường 28, quận Bình Thạnh) 30 năm chưa được triển khai; dự án khu dân cư Vĩnh Lộc (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) 23 năm; dự án Công viên Tam Phú (thành phố Thủ Ðức) 14 năm… và còn rất nhiều dự án khác tương tự như vậy đang làm khổ dân nhưng chính quyền thành phố chưa có giải pháp dứt điểm.

Luật Ðất đai từ năm 1993, 2003, 2013 đều quy định rất rõ nếu dự án quá một năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít. Dự án “treo” vẫn tồn tại khắp các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Những dự án “đắp chiếu phơi sương” nhiều năm không chỉ gây bức xúc, giảm niềm tin trong nhân dân mà còn tạo thành những mảng màu nhếch nhác bộ mặt đô thị.

Rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân loại dự án và quyết liệt thu hồi nếu không triển khai là những giải pháp khả thi nhất hiện nay của chính quyền thành phố, nhằm chấm dứt điệp khúc quy hoạch “treo”, dự án chậm. Khách quan để nhận định, chính quyền cấp thành phố cũng rất muốn tạo điều kiện cho quận, huyện, hay khu đô thị của mình có dự án công trình đẹp xây nên; từ đó, hệ thống hạ tầng giao thông cũng hình thành và nhà cửa mọc lên, kéo theo sự phát triển cả một khu vực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai sẽ không tránh được những trường hợp ngoài ý muốn, bởi rất nhiều nguyên nhân. Do vậy, cần phân loại, đánh giá đúng, trúng tính khả thi để có thể gia hạn hoặc không gia hạn thời gian thực hiện dự án.

Ðối với hơn 300 dự án đã có nghị quyết thu hồi thì phải làm quyết liệt nhằm làm gương cho các dự án khác. Ngoài ra, để công tâm, chính quyền thành phố cũng cân nhắc nhiều nguyên nhân, trong đó có những dự án chậm còn do lỗi phía Nhà nước như: thay đổi quy hoạch, thay đổi chính sách bồi thường, tái định cư, nguồn ngân sách, kinh phí không giải ngân kịp theo tiến độ đã được phê duyệt…

Dù thực hiện giải pháp nào, thì mấu chốt của việc xóa quy hoạch, dự án chậm triển khai lại phụ thuộc rất nhiều vào tinh thần, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của cán bộ và bộ máy công quyền.