Điện gió ngoài khơi,

tiềm năng & thách thức

Nhà máy Điện gió Bạc Liêu gồm 62 trụ turbine, có quy mô công suất 99,2MW, đã phát lên lưới điện Quốc gia với tổng sản lượng điện lũy kế đến nay đạt hơn 1 tỷ kWh. Ảnh: DUY KHƯƠNG

Nhà máy Điện gió Bạc Liêu gồm 62 trụ turbine, có quy mô công suất 99,2MW, đã phát lên lưới điện Quốc gia với tổng sản lượng điện lũy kế đến nay đạt hơn 1 tỷ kWh. Ảnh: DUY KHƯƠNG

Phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ Việt Nam, trong đó điện gió ngoài khơi được xác định là giải pháp đột phá trong chuyển dịch năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) được Bộ Công thương trình Chính phủ phê duyệt, đặt mục tiêu sẽ đạt khoảng 7GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Đối với một quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển điện gió ngoài khơi, mục tiêu này không quá khó. Thách thức chính là việc còn thiếu những giải pháp mang tính đột phá.

Điện gió muốn vươn khơi phải có đột phá

Trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt, giá cả leo thang…, việc phát triển năng lượng bền vững là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), tổng công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi trên thế giới đã đạt 55,7GW năm 2021. Công nghệ điện gió ngoài khơi đã đạt được các bước tiến đáng kể, hiệu suất tăng nhanh, chi phí điện năng trung bình từ điện gió ngoài khơi đã giảm khoảng 60% trong giai đoạn 2010-2021

Ở vị trí địa lý và điều kiện khí hậu thuận lợi, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển điện gió ngoài khơi. Theo Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch, với bờ biển dài và tiềm năng gió dồi dào, điện gió Việt Nam có tiềm năng ước đạt 475GW, trong đó tiềm năng kỹ thuật khoảng 160GW.

Báo cáo về tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam của Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, các vùng biển có khả năng khai thác tiềm năng năng lượng gió tốt nhất là: từ Bình Định đến Ninh Thuận, Bình Thuận đến Cà Mau, và một phần vùng biển trung tâm vịnh Bắc Bộ. Đặc biệt, tiềm năng gió đạt ở mức tốt đến rất tốt ở khu vực biển Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu, với tốc độ gió trung bình từ 8m-10m/s, mật độ năng lượng trung bình năm phổ biến từ 600W đến trên 700W/m2. 

Dự thảo Quy hoạch điện VIII được Bộ Công thương trình Chính phủ xem xét, phê duyệt, đặt ra mục tiêu sẽ phát triển khoảng 16.121MW điện gió trên bờ và gần bờ cùng khoảng 7.000MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Tỷ trọng điện gió chiếm khoảng 15,8% tổng công suất hệ thống, trong đó điện gió ngoài khơi là 4,8%.

Năng lượng gió ngoài khơi là một nguồn năng lượng tái tạo có triển vọng phát triển lớn, có thể lắp đặt các trang trại điện gió ngoài khơi trên vùng biển rộng lớn. Tốc độ gió trên đại dương thường ổn định và mạnh hơn trên đất liền, nên ưu điểm chính của năng lượng gió ngoài khơi là khả năng tạo ra điện cao hơn so với năng lượng gió trên bờ.

Một điểm cộng khác là các địa điểm ngoài khơi để triển khai trang trại điện gió không bị giới hạn, đồng thời ít hoặc không xảy ra xung đột với cộng đồng cư dân (vốn là một khó khăn đối với phát triển điện gió trên bờ). Với việc đầu tư vào hệ thống truyền tải cũng như điều độ thông minh, điện gió hoàn toàn có thể trở thành nguồn chủ đạo của hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai, qua đó giảm lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.

Báo cáo công bố hồi tháng 6 của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho hay, năm 2021, thế giới chứng kiến số lượng turbine gió được lắp đặt ngoài khơi nhiều nhất từ trước đến nay, với 21,1GW công suất mới được bổ sung vào lưới điện.

Định hướng phát triển điện gió ngoài khơi được Đảng xác định là động lực quan trọng trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2015; Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.

Các dự án điện gió trong thời gian qua đều là các dự án trên đất liền, hoặc gần bờ. Ảnh: NGUYỄN NGỌC

Các dự án điện gió trong thời gian qua đều là các dự án trên đất liền, hoặc gần bờ. Ảnh: NGUYỄN NGỌC

Cùng với mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển bền vững, phát triển điện gió ngoài khơi còn góp phần tạo ra hàng nghìn việc làm và từng bước hình thành ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ cho lĩnh vực phát triển điện gió tại Việt Nam.

Cơ hội lớn, nhưng phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam đang đối diện những bài toán lớn như: khó huy động nguồn vốn lớn; tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ khiến cho dự án trải qua nhiều quy trình và trình tự thủ tục đầu tư… Đây cũng là lý do khiến cho hàng chục dự án điện gió được xây dựng, vận hành trong thời gian qua đều là những dự án trên đất liền, hoặc gần bờ.

Về công tác quy hoạch, hiện nay, Dự thảo Quy hoạch điện VIII chỉ mới phân bổ công suất điện gió ngoài khơi theo vùng, chưa có theo địa phương. Sau khi Quy hoạch VIII được phê duyệt, Bộ Công thương mới dự kiến tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch, làm cơ sở để xác định quy mô công suất các dự án phân theo từng địa phương, tiếp đó mới đến công tác lựa chọn nhà đầu tư…

Dự thảo Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đạt 7GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đạt 7GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030.

Việc phát triển điện gió ngoài khơi phải gắn với quy hoạch không gian biển quốc gia, nhằm xác định vùng tiềm năng cho phát triển điện gió, bảo đảm tận dụng được nguồn năng lượng tốt, tránh mâu thuẫn lợi ích với các ngành kinh tế khác như giao thông vận tải biển, khai thác, thăm dò dầu khí, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản, an ninh quốc phòng… và giảm tác động đến hệ sinh thái biển. Tuy nhiên, quy hoạch không gian biển đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng.

Về khung chính sách, lộ trình xây dựng và ban hành cơ chế chính sách giá cho các dự án điện gió ngoài khơi cho đến nay chưa được chuẩn bị, thiếu các chỉ dẫn cụ thể và rõ ràng, đặc biệt là quy định như thế nào được gọi là dự án điện gió ngoài khơi, cũng là những khó khăn cần tính tới. Cụ thể, Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đưa ra quy định điện gió trên bờ và ngoài khơi, trong khi Dự thảo Quy hoạch điện VIII đề cập điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi.

Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế trong phát triển chuỗi cung ứng cho phát triển điện gió ngoài khơi do có lịch sử lâu dài trong phát triển ngành dầu khí, giao thông biển, cảng biển và sản xuất thiết bị cơ khí. Vì vậy, trong quá trình chuyển dịch năng lượng, yêu cầu đặt ra là phải tận dụng được nguồn lực, thế mạnh sẵn có trong nước thông qua các giải pháp về tích hợp quy hoạch phát triển cảng năng lượng; thiết lập chính sách khuyến khích, thúc đẩy năng lực lắp đặt, sản xuất thiết bị cơ khí trong nước; lập kế hoạch và đào tạo chuyển dịch nguồn nhân lực kỹ thuật cao…

Điều đáng nói, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nhà nước vẫn chưa có quy định cụ thể về hồ sơ, tài liệu, trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết việc chấp thuận hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển; cũng chưa có quy định về diện tích khu vực biển chấp thuận cho sử dụng để đo gió, khảo sát địa chất, địa hình, đánh giá tác động môi trường trên biển là bao nhiêu ha trên 1MW công suất dự kiến đối với từng khu vực biển; chưa có quy định công suất điện gió tối đa cho một dự án là bao nhiêu chẳng hạn như: 0,5GW, 1GW hay 2GW... để vừa bảo đảm khuyến khích nhà đầu tư tham gia dự án, vừa bảo đảm cân đối hệ thống truyền tải điện.

Điện gió ngoài khơi là nền tảng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Ảnh: TRUNG NAM

Điện gió ngoài khơi là nền tảng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Ảnh: TRUNG NAM

Trước những vướng mắc này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất Chính phủ tạm dừng thẩm định, chấp thuận về vị trí, ranh giới, diện tích, tọa độ, độ sâu, thời gian sử dụng khu vực biển cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về hoạt động đo gió, quan trắc, điều tra, khảo sát địa chất, địa hình, đánh giá tác động môi trường trên biển.

Thực hiện một dự án điện gió ngoài khơi trung bình cần từ 5-11 năm. Ảnh: CTV

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều lợi thế trong phát triển chuỗi cung ứng cho điện gió ngoài khơi. Ảnh: NGUYỄN NGỌC

Đầu tư một dự án điện gió ngoài khơi cần nguồn vốn hàng tỷ USD. Ảnh: NGỌC HÀ

Thực hiện một dự án điện gió ngoài khơi trung bình cần từ 5-11 năm. Ảnh: CTV

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều lợi thế trong phát triển chuỗi cung ứng cho điện gió ngoài khơi. Ảnh: NGUYỄN NGỌC

Đầu tư một dự án điện gió ngoài khơi cần nguồn vốn hàng tỷ USD. Ảnh: NGỌC HÀ

Giám đốc điều hành Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) Ngô Thị Tố Nhiên cho rằng: Để thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi, cần thiết lập các mục tiêu cụ thể thông qua các bản quy hoạch quốc gia như: Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, Quy hoạch năng lượng và Quy hoạch phát triển điện lực để làm căn cứ cho việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi.

Thực hiện các mục tiêu quy hoạch, cần có cơ chế chính sách cụ thể về vai trò quản lý các cấp, phương thức cho thuê biển gắn với mật độ công suất lắp đặt nhằm tối ưu hoá việc sử tài nguyên biển để phát triển điện gió ngoài khơi. Ngoài ra, các quy định căn bản về tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn đánh giá các tác động môi trường xã hội… cũng cần được hoàn thiện.

Song song quá trình định hình thể chế, chính sách, một việc cần thực hiện là đánh giá và xác định cụ thể vai trò của các tập đoàn năng lượng nhà nước tham gia chuỗi cung ứng phát triển điện gió ngoài khơi, đặc biệt là vai trò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Giám đốc điều hành Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) Ngô Thị Tố Nhiên.

Theo các chuyên gia, khung thời gian phát triển một trang trại điện gió ngoài khơi; có thể kéo dài từ 5-11 năm, bao gồm các bước: khảo sát, cấp phép, phát triển dự án, chuẩn bị thi công, thi công, chạy thử... Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu về phát triển điện gió ngoài khơi, có rất nhiều việc cần phải triển khai từ ngay từ bây giờ. Để thúc đẩy sớm hình thành ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, những giải pháp mang tính đột phá của Nhà nước là vô cùng quan trọng.

Nói về việc huy động nguồn vốn, Phó Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Trung Nam Lê Như Phước An chia sẻ: Để nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận “rót” vốn, thị trường phải đủ hấp dẫn, ít rủi ro, sinh lời cao. Vấn đề đang khiến nhiều nhà đầu tư phải cân nhắc là việc xác định các tiêu chí, cơ chế để phát triển điện gió ngoài khơi. Muốn quản lý được dòng vốn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng chính sách rõ ràng và có thể dự báo được. Do đó, chúng ta phải tháo gỡ được những điểm nghẽn, đặc biệt liên quan đến cơ chế, chính sách giá.

Dù cần phải bắt đầu nghĩ đến cơ chế đấu thầu cho điện gió ngoài khơi từ bây giờ, nhưng vẫn phải áp dụng cơ chế chuyển tiếp vì chính sách đấu thầu cần vài năm mới có thể hoàn thiện. Để đạt được mục tiêu 7GW vào năm 2030, Việt Nam cần cơ chế chuyển tiếp. Cần có nơi giải quyết thủ tục kiểu “một cửa” vì quy trình cấp phép dự án điện gió ngoài khơi liên quan đến nhiều bộ, ngành.
Ông Mark Hutchinson, đại diện Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC).

Tương tự, ông Mark Hutchinson, đại diện Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) cũng cho rằng: Sự phát triển về công nghệ đã kéo giảm chi phí thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi, tạo động lực hết sức quan trọng cho sự phát triển nhanh chóng và rộng rãi của loại hình công nghệ này. Thế nhưng, doanh nghiệp vẫn phải đầu tư hàng tỷ USD cho một dự án, dù nhỏ nhất. Trong bối cảnh ngân hàng trong nước giới hạn khoản vay thì những đơn vị nước ngoài đầu tư vào là cần thiết.

Du khách tham quan trang trại Điện gió Hòa Bình 1 (Bạc Liêu) bằng xe điện. Ảnh: TRỌNG DUY

Du khách tham quan trang trại Điện gió Hòa Bình 1 (Bạc Liêu) bằng xe điện. Ảnh: TRỌNG DUY

Yêu cầu tiên quyết với các ngân hàng nước ngoài là cần tính toán được rủi ro và dự toán tài chính thông qua cơ chế giá và những điều khoản ở hợp đồng mua bán điện thể hiện điều khoản về giảm công suất trong hợp đồng mua bán điện… Vậy nên, cả nhà đầu tư, lẫn ngân hàng, đều cần sự rõ ràng, ổn định về chính sách.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T Nguyễn Thị Thanh Bình kiến nghị, trong giai đoạn khởi động, định hình phát triển một ngành công nghiệp mới, hiện đại, Chính phủ có thể xem xét bắt đầu bằng cơ chế lựa chọn nhà đầu tư (không qua đấu thầu) trên cơ sở phải đáp ứng được các tiêu chí đặt ra về năng lực, kinh nghiệm, tài chính, phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước... Đề xuất này nhằm rút ngắn giai đoạn lựa chọn, giúp các dự án sớm được triển khai, vận hành trước năm 2030. Các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản... cũng áp dụng cơ chế giá ưu đãi (FIT) để thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi trong giai đoạn đầu.

Nhà máy điện gió Đông Hải 1 tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh với quy mô 25 trụ turbine, công suất 4MW/trụ, được khánh thành đầu năm 2022. Ảnh: TRUNG NAM

Nhà máy điện gió Đông Hải 1 tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh với quy mô 25 trụ turbine, công suất 4MW/trụ, được khánh thành đầu năm 2022. Ảnh: TRUNG NAM

Thị trường điện gió ngoài khơi tại Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu, hình thành, học hỏi dựa trên kinh nghiệm thành công của các nước. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đang phối hợp với các bộ, ngành rà soát, nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, đề xuất khung chính sách để giải quyết các thách thức hiện nay đối với phát triển điện gió ngoài khơi; xây dựng quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Bộ Công thương cũng đang tiến hành nghiên cứu, đề xuất luật về phát triển năng lượng tái tạo,… nhằm thúc đẩy phát triển điện năng lượng tái tạo, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí CO2.
Phó Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) Phạm Nguyên Hùng.

Cơ cấu công suất nguồn điện toàn hệ thống đến cuối năm 2021.

Cơ cấu công suất nguồn điện toàn hệ thống đến cuối năm 2021.

Theo Bộ Công thương, tính đến hết năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo đạt khoảng 20,7GW (trong đó điện gió khoảng 4GW), chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện. Sản lượng điện phát từ nguồn điện năng lượng tái tạo góp phần bảo đảm cung ứng điện cho cả giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao tại miền bắc như thời điểm tháng 5, tháng 6/2021 và năm 2022.

Tính đến ngày 31/8/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được 55 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi; trong đó, có một đề xuất đo gió đã được Bộ chấp thuận (do nhà đầu tư trong nước đề xuất, diện tích 36m2 để lắp đặt trạm Lidar gió trên biển phục vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Bến Tre). Ngoài ra, theo thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương có biển, có khoảng 40 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi, có phạm vi vùng biển từ sáu hải lý trở vào thuộc thẩm quyền thẩm định, chấp thuận của UBND cấp tỉnh.

Để đạt được mục tiêu về phát triển điện gió ngoài khơi, có rất nhiều việc cần phải triển khai ngay từ bây giờ. Ảnh: CTV

Để đạt được mục tiêu về phát triển điện gió ngoài khơi, có rất nhiều việc cần phải triển khai ngay từ bây giờ. Ảnh: CTV

Ngày xuất bản: 31/10/2022
Tổ chức xuất bản: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: LƯU HƯƠNG GIANG, TRẦN TRUNG HIẾU, HOÀNG QUỐC VIỆT, HỒNG HẠNH, TRỌNG DUY
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG