Diễn đàn chủ nhật

Văn nghệ sĩ và trách nhiệm lớn lao với cuộc sống

“Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay” là chủ đề Hội thảo khoa học toàn quốc vừa được Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức vào giữa tháng 12, tại Hà Nội. Hội thảo là hoạt động thiết thực góp phần cụ thể hóa các nội dung quan trọng của Hội nghị văn hóa toàn quốc, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay”.
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay”.

Những năm gần đây, văn học, nghệ thuật đứng trước những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước, đó là: xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và hội nhập quốc tế; phòng, chống dịch Covid-19; bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo; quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch...

Trong hơn 90 bản tham luận đóng góp tại hội thảo nêu trên có 20 bài về chủ đề phòng, chống đại dịch Covid-19; 20 bài về biên giới, hải đảo; 40 bài về xây dựng, phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật; 5 bài chủ đề đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch... Điều đó cho thấy sự quan tâm khá đồng đều, có trọng điểm của giới nghiên cứu lý luận phê bình văn học, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ trước những vấn đề nêu trên.

Nhìn ở khía cạnh tích cực thì bối cảnh đời sống với những thử thách, bộn bề sẽ tạo nên nguồn chất liệu phong phú, cảm hứng sáng tạo cho văn nghệ sĩ. Nền văn học, nghệ thuật nước nhà cần những tác phẩm đề cao vẻ đẹp đất nước, con người, trong đó nhân phẩm, đạo đức, niềm tin, lòng tự trọng của dân tộc là những yếu tố quan trọng, cấp thiết, gắn với sứ mệnh người cầm bút… Nhưng câu hỏi đặt ra là: Đời sống, xã hội đã và đang có rất nhiều biến động mạnh mẽ, sâu sắc, nhưng tại sao nền văn học, nghệ thuật vẫn chưa xuất hiện tác phẩm xứng tầm?

Đa số văn nghệ sĩ cho rằng, nhiệm vụ của nhà văn không phải mô tả hiện thực mà cần nhìn nhận, lý giải ở chiều sâu văn hóa, nghệ thuật và tư tưởng. Một thí dụ cụ thể, trong giai đoạn cả nước chống chọi với đại dịch Covid-19, xuất hiện nhiều tác phẩm cổ động, tuyên truyền cho cuộc chiến chống dịch, nhưng vẫn thiếu vắng tác phẩm nổi bật mang giá trị nghệ thuật cao. Trong rất nhiều lý do thì một lý do nổi bật là người viết đang đi cùng nhịp với diễn biến của cuộc sống, trong khi, lẽ ra với tư cách người sáng tạo, họ phải có độ lùi hoặc vượt lên phía trước đời sống để quan sát, chiêm nghiệm, dự báo về những vấn đề phổ quát hơn được đặt ra từ hiện thực.

Bàn về vấn đề này, Giáo sư Phong Lê nhấn mạnh, phải xác định thế hệ trẻ là lực lượng “chủ công”, dấn thân vào những vấn đề thời sự của đất nước để sáng tạo những tác phẩm chất lượng. Đồng hành cũng là niềm vui, thay thế nhau cũng là niềm vui, thậm chí đứt gãy giữa các thế hệ cũng là một tín hiệu cần thêm nhiều suy ngẫm. Đó là sự phát triển khách quan của văn học, nghệ thuật mà chúng ta cần tôn trọng. Người đọc luôn mong chờ và hy vọng những cây bút trẻ sẽ nói lên tiếng nói của mình trước những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống hôm nay.

Nhà văn Niê Thanh Mai chia sẻ, trong sự nhập cuộc sôi nổi và hào hứng, người cầm bút cũng cần quan tâm tới vấn đề giữ gìn bản sắc dân tộc để cái hay, cái đẹp, nét đặc thù của mỗi vùng miền, bối cảnh… qua cảm quan của văn nghệ sĩ có giá trị thẩm mỹ hơn, sao cho những giá trị tốt đẹp vừa được phản hồi trở lại với xã hội, vừa lan tỏa ở môi trường hội nhập quốc tế. 

Để đội ngũ văn nghệ sĩ có điều kiện sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà nói riêng và trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam nói chung, luôn cần đến sự nỗ lực, quan tâm của toàn xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng và sự quan tâm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện cụ thể về quan điểm, chủ trương, chính sách là vấn đề đã được nêu ra tại Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa qua. Vấn đề tôn trọng, bảo đảm quyền sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi nhằm phát huy tính độc lập, đổi mới về nguồn lực, mở rộng về không gian, định hướng trong tư duy, thẩm mỹ… là những điều kiện cần thiết để phát huy thế mạnh của lĩnh vực mang tính đặc thù như văn học, nghệ thuật. Bối cảnh hiện nay đòi hỏi những cơ quan, tổ chức quản lý văn học, nghệ thuật cần nhạy bén, nỗ lực, đổi mới hơn nữa nhằm phát hiện, cổ vũ các nhân tố mới. 

Và cuối cùng, chủ thể chính là các văn nghệ sĩ, bên cạnh mài sắc và phát huy tài năng của mình thì cần nêu cao ý thức, trách nhiệm công dân để gắn bó sâu sắc hơn với đời sống, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị phụng sự đất nước và nhân dân, đồng thời đáp ứng nhu cầu văn hóa-tinh thần ngày càng cao của bạn đọc… Đó chính là sứ mệnh và trách nhiệm lớn lao của văn nghệ sĩ, như lời dạy của V.Lê-nin khi viết về L.Tolstoy (L.Tôn-xtôi), đại ý: Một nghệ sĩ chỉ thực sự vĩ đại khi trong tác phẩm của họ phản ánh được vài ba khía cạnh cơ bản của cuộc sống.