Ứng xử với lễ hội

NDO -

NDĐT - Cuối cùng thì nghi thức chém lợn ở lễ hội làng Ném Thượng (nay là Khu phố Thượng, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) vẫn được tiến hành. Trước đó, ngày 27-1, Tổ chức Động vật châu Á đã phát động chiến dịch cùng ký tên kêu gọi cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy định chấm dứt lễ hội này. Cuộc tranh luận về việc bỏ hay giữ lễ hội này đặt ra câu hỏi: Chúng ta ứng xử thế nào với các lễ hội cổ truyền?

Lễ hội là của cộng đồng, do cộng đồng tiến hành và vì lợi ích tinh thần của cộng đồng.
Lễ hội là của cộng đồng, do cộng đồng tiến hành và vì lợi ích tinh thần của cộng đồng.

Cơ sở đề nghị bỏ “lễ chém” nhấn mạnh việc chém những con lợn còn đang sống khỏe mạnh là lối đối xử tàn ác đối với động vật, làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là trẻ em - đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng.

Nhưng người dân Ném Thượng lại nghĩ khác. Đại diện cho cộng đồng, ông Nguyễn Đình Lợi, Hội trưởng hội người cao tuổi làng Ném Thượng nói: “Các cụ nói, lễ hội là việc của làng và nghi thức chém lợn không vi phạm pháp luật nên phải để dân làng tự quyết. Chúng tôi muốn giữ bản sắc của cha ông”. Năm nay dân làng vẫn quyết định chém lợn theo nghi thức truyền thống. Và họ rất ngỡ ngàng khi biết nhiều người có ý kiến cho rằng đây là lễ hội tàn bạo nhất Việt Nam!

Trong tâm thức người nông dân ở các làng quê miền bắc, tín ngưỡng thờ thành hoàng rất đậm nét. Thành hoàng là người bảo trợ dân làng và được dân làng luôn tôn thờ thành kính. Người làng Ném Thượng thực hiện lễ chém lợn trong lễ hội của mình như một nghi thức thiêng để tưởng nhớ vị Thành hoàng làng là tướng Đoàn Thượng, người có công chống giặc, bảo vệ dân làng từ thế kỷ 13. Theo truyền thuyết, ông đã chém một con lợn rừng để làm lễ khao quân.

Vật được nuôi là để phục vụ con người. Một (vài) trong số vật nuôi được lựa chọn trân trọng để dùng trong nghi thức cúng tế là điều rất bình thường xưa nay. Nhưng không nên (và không thể) nhầm lẫn nghi lễ là hành vi diễn xướng mang tính biểu tượng với những hành động vẫn diễn ra hàng ngày. Có thể thấy rõ: Con lợn được chém trong lễ hội làng Ném Thượng không phải đơn thuần là con lợn cung cấp thực phẩm. Nghi lễ chém lợn hoàn toàn không phải là hành vi chỉ phục vụ chuyện làm cỗ. Tương tự, con trâu trong lễ đâm trâu ở Tây Nguyên là vật tế thần chứ không giống như con trâu “là đầu cơ nghiệp” trong quan niệm của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Nhìn rộng hơn ra thế giới, có thể thấy nhiều thí dụ tương tự: Người Nepal giết hàng nghìn con bò để cảm tạ nữ thần Gadhima. Trong lễ trưởng thành của người Samburu (Kenya), mỗi ngày họ sẽ giết 100 con bò trong vòng một tuần...v.v

Lễ hội tại một địa phương, của một cộng đồng phải do cộng đồng đó (là chủ thể) quyết định. Không thể dùng những quan niệm của nền văn hóa này để quy chiếu, đánh giá, thậm chí áp đặt lên nền văn hóa khác. Những quan điểm như vậy thường dẫn đến sự tầm thường hóa nghi thức tín ngưỡng, gần như là một sự xúc phạm lòng tin của cư dân bản địa. Trong văn hóa không nên (và không thể) phân biệt cao - thấp. Thái độ đúng là cần tôn trọng sự khác biệt làm nên bản sắc. Đó cũng là quan điểm của Liên hợp quốc, của UNESCO về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

Lễ hội là của cộng đồng, do cộng đồng thực hiện và vì những lợi ích tinh thần của cộng đồng. Việc tôn trọng ý nguyện cộng đồng cũng sẽ duy trì nghi thức truyền thống vì cộng đồng chính là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy tốt nhất di sản văn hóa của họ. Trong quá trình phát triển cùng với xã hội, cộng đồng cũng sẽ tự chọn lọc và điều chỉnh những nghi thức tín ngưỡng của mình nếu thấy phù hợp hoặc không. Du khách là những người quan tâm đến văn hóa cộng đồng, đến thưởng lãm và cùng chung vui với cộng đồng. Nếu ai thấy không phù hợp với mình có thể không đến dự.

Trở lại câu chuyện ở lễ hội làng Ném Thượng, không kể những năm không tổ chức được do chiến tranh, mấy trăm năm nay dân làng vẫn tổ chức lễ hội và chém lợn. Đối với người dân ở đây thì đây là nghi thức tưởng nhớ công lao của tiền nhân, cầu phúc lộc và may mắn cho dân làng, gắn với niềm tin và ý nghĩa tinh thần của họ. Chỉ vài năm gần đây các phương tiện truyền thông đã làm cho việc chém lợn trở thành “chấn động” và ngày càng làm du khách tò mò và gây ra nhiều tranh cãi. Theo quan điểm của các nhà chuyên môn, lễ hội của cộng đồng nào chỉ nên suy xét giá trị từ góc nhìn của không gian cộng đồng ấy, cụ thể ở đây là làng Ném Thượng, không nên áp đặt cái nhìn từ bên ngoài. Càng không nên nhấn mạnh, mô tả tỷ mỉ các hình ảnh được cho là ghê rợn trên các phương tiện truyền thông rồi có những cách nhìn không hẳn đã đúng với quan niệm của người dân sở tại và phán xét họ.

Chúng ta không ủng hộ các hành động mang tính tàn bạo, hủ tục lạc hậu nhưng cũng không nên áp đặt cách nhìn từ bên ngoài để phê phán nặng nề, có thể tuyên truyền, thuyết phục nhân dân điều chỉnh ở phạm vi cần thiết để vẫn giữ được nét đẹp văn hóa của một lễ hội địa phương đặc sắc.