Tượng đài Việt Nam: 40 năm nhìn lại

Tượng đài Trần Hưng Đạo tại Nam Định của tác giả Vương Duy Biên.
Tượng đài Trần Hưng Đạo tại Nam Định của tác giả Vương Duy Biên.


“Được” và “mất”

"Được", đấy là con số chừng 60 tượng đài lớn nhỏ (theo thống kê của họa sĩ Nguyễn Văn Chiến) nối tiếp nhau ra đời trong khoảng 40 năm qua. Với một mật độ tương đối dày đặc (trung bình cứ mỗi địa phương có ít nhất ba công trình - theo thống kê của nhà phê bình mỹ thuật Phạm Quốc Trung), người ta hoàn toàn có thể kết luận: khắp các tỉnh, thành Việt Nam đang dấy lên phong trào làm tượng đài.

Nhưng vấn đề là chất lượng có đi đôi với số lượng?

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Quốc Trung phân tích: tượng đài hiện nay phần lớn nặng tính minh họa, cổ động nhất thời, ngôn ngữ điêu khắc còn mang tính chất của điêu khắc salon phóng to, hiệu quả thẩm mỹ bị hạn chế.

Đấy là nội dung, còn bố cục? Theo quan sát của ông Phan Cẩm Thượng thì bố cục tượng ở Việt Nam hầu như chỉ có mỗi một nguyên tắc: trên nhỏ dưới to cho khỏi... đổ!

Trái lại, nhà điêu khắc Phạm Công Hoa thì đem tượng đài Quang Trung ra mà phê thẳng cánh và gọi đó là "những sai lầm không thể sửa chữa". Ông nêu rõ Nhà nước đã đổ bao nhiêu tiền của vào xây dựng tượng đài, nhưng cứ như thế này thì mất tiền oan mà hiệu quả rất ít!

Những nguyên nhân

Về nguyên nhân của những sai sót trong xây dựng tượng đài, hầu hết các nhà chuyên môn đều tự thừa nhận sự non nớt kinh nghiệm. Tuy thế, lại ít thấy ai đề cập một hạn chế cần phải xem xét ngay đó là khâu đào tạo.

Nhà điêu khắc Đinh Xuân Việt kêu gọi một sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bên điêu khắc, kiến trúc sư, sử học... trong xây dựng tượng đài.

Cũng chung quan điểm này, tham luận của kiến trúc sư Ngô Huy Giao đáng để người trong giới điêu khắc tượng đài tham khảo: "50% sự thành công của tượng đài là ở không gian, 25% là chất liệu, 25% là kiểu dáng, hình khối tượng".

Nhưng, muốn bảo đảm đúng tỷ lệ này thì lại cần đến một quy hoạch tượng đài - bài toán khó với các nhà quy hoạch Việt Nam trong tình trạng các thành phố lớn đều đã san sát nhà cửa, chợ búa.

PGS.TS, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo đề xuất một biện pháp "chữa cháy": tất cả các đô thị phải lên kế hoạch trong vòng 10 - 15 năm tới xem cần những pho tượng gì để nghiên cứu, sắp xếp địa điểm đặt tượng một cách hợp lý.

Với tất cả những thành công và hạn chế kể trên, rất nhiều nhà chuyên môn đã đặt câu hỏi: có nên phát triển rầm rộ tượng hoành tráng không khi mà 4.000 năm nay, truyền thống Việt Nam vốn là tượng đền thờ? Có nên kết hợp tượng đài với thờ cúng cho phù hợp với truyền thống thờ cúng tổ tiên và tâm lý ngưỡng vọng của người Việt? Có nên tiếp tục làm tượng đài hay dừng lại lắng nghe, ngẫm nghĩ, đúc rút kinh nghiệm? Tuy nhiên, họ lại không thể quyết định được câu trả lời.