Thể thao cần những trung tâm y học hiện đại

Tâm điểm của bóng đá Việt Nam trong tuần qua khiến giới truyền thông quốc tế quan tâm chính là chấn thương nặng của tiền vệ Đỗ Hùng Dũng (Hà Nội FC) trong trận đấu thuộc vòng 5 LS V.League 1 - 2021 giữa hai đội TP Hồ Chí Minh và Hà Nội FC. Sau ca phẫu thuật thành công ở trong nước, các bác sĩ trực tiếp phẫu thuật dự đoán Hùng Dũng có nhiều cơ hội để trở lại sân cỏ. Tuy nhiên phẫu thuật và điều trị chỉ là 50%, còn lại phải trông chờ sự hồi phục về thể trạng và tinh thần của Hùng Dũng sau chấn thương với thời gian dài trị liệu, phục hồi về tâm lý.

Là điều không ai mong muốn, nhưng trong thể thao hay bóng đá nói riêng, vận động viên và cầu thủ chuyên nghiệp có thể gặp chấn thương khi tập luyện và thi đấu. Nhiều vận động viên chuyên nghiệp phải từ bỏ đam mê của mình chỉ vì chấn thương dai dẳng mà không được trị liệu và tập phục hồi tốt nhất, để có thể chữa dứt điểm. Càng đáng tiếc hơn, khi rất nhiều trong số họ đang ở đỉnh cao của sự nghiệp.

Cũng chính vì vậy, những nước có nền thể thao phát triển luôn có một nền y học thể thao tiên tiến với hệ thống các trung tâm điều trị và phục hồi sau chấn thương cùng đội ngũ chuyên gia riêng. Còn với Việt Nam, mặc dù chúng ta có những chuyên gia y tế giỏi ở các lĩnh vực, nhưng chưa có những trung tâm y học thể thao được đầu tư chuyên sâu để quy tụ đội ngũ chuyên gia y tế lành nghề. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cũng không được quan tâm đầu tư đúng mức, không đủ điều kiện chữa trị. Thực tế, chúng ta có Bệnh viện Thể thao Việt Nam là cơ sở y tế chuyên ngành, nhưng sự đầu tư và vận hành lại chưa đáp ứng được yêu cầu với chất lượng chuyên môn không cao. Điều đó khiến vận động viên khi gặp chấn thương thường tìm đến các bệnh viện tốt hơn hoặc xuất ngoại đến những trung tâm y học thể thao nước ngoài.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện do kinh phí khá đắt đỏ, nếu không có nguồn tài trợ hoặc nếu các vận động viên đó không phải là  “ngôi sao” có nhiều đóng góp thành tích cho thể thao nước nhà hay câu lạc bộ. Quan trọng hơn sau khi xử lý, điều trị chấn thương là quá trình hồi phục, trị liệu về thể lực cũng như tâm lý để vận động viên có thể trở lại tập luyện, thi đấu. Điều này còn phụ thuộc vào nghề nghiệp và tính chất bộ môn thể thao họ theo đuổi. Với nhiều người, sau khi được phẫu thuật tại một số nước tiên tiến về y học thể thao, họ phải đối mặt với nỗi cô đơn, nhớ nhà. Vì điều kiện kinh tế cho nên hầu hết vận động viên này phải tự lập trong suốt quá trình hồi phục thể trạng kéo dài hằng tháng, thậm chí cả năm. Không phải ai, kể cả vận động viên đang ở đỉnh cao sự nghiệp cũng có thể vượt qua được điều này để hoàn thành đợt chữa trị. Nhiều người đành từ bỏ ước mơ vì không kham nổi kinh phí. 

Thể thao Việt Nam trong những năm qua đã có bước phát triển vượt bậc, song y học thể thao nước ta chưa phát triển tương xứng. Đã đến lúc cần có chiến lược đầu tư bài bản về lĩnh vực này nhằm rút ngắn khoảng cách giữa y học thể thao Việt Nam với các nước; có cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực xã hội hóa xây dựng hệ thống các trung tâm y học thể thao chất lượng cao trong nước. Cùng với đó là phải đào tạo, thu hút được những chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm. 

Đáng mừng là đã và đang có những chuyển biến trong nhận thức xã hội và định hướng đầu tư vào các cơ sở điều trị, phục hồi chấn thương thể thao chất lượng cao. Mới đây nhất là Trung tâm phục hồi chấn thương IRC do cầu thủ Lương Xuân Trường và các cộng sự vừa ra mắt tại Hà Nội cùng một số cơ sở điều trị chấn thương thể thao hiện đại được các nhà đầu tư khai trương ở một số địa phương. Việc này sẽ giúp cho các vận động viên, cầu thủ bóng đá có thêm cơ hội được điều trị phục hồi toàn diện ngay ở trong nước mà không cần phải ra nước ngoài với chi phí hợp lý, giúp chấn thương của họ có khả năng hồi phục nhanh. Đây còn là một hướng đi mới trong đầu tư kinh doanh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền y học nước nhà.