Môi trường cho âm nhạc hàn lâm

Việc Dàn nhạc giao hưởng trẻ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (VNAMYO) và Dàn nhạc giao hưởng trẻ Việt Nam (VYO) của Học viện Âm nhạc VYMY liên tiếp ra mắt và đi vào hoạt động vừa qua đã mang đến nhiều tín hiệu tích cực cho sự phát triển của âm nhạc hàn lâm nước nhà.

Một chương trình biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (Ảnh: VNSO).
Một chương trình biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (Ảnh: VNSO).

Sự xuất hiện của những sân chơi nghệ thuật ý nghĩa này của những người trẻ cùng sự đồng hành, giúp đỡ, hỗ trợ của các chuyên gia, nghệ sĩ nổi tiếng, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực âm nhạc không chỉ giúp ươm mầm tài năng âm nhạc hàn lâm Việt Nam, nuôi dưỡng tình yêu dành cho nhạc giao hưởng nơi người trẻ, mà còn góp phần tạo môi trường để từng bước chuyên nghiệp hóa nền âm nhạc hàn lâm nước nhà, nhất là trong bối cảnh âm nhạc hàn lâm Việt Nam vẫn còn ở vị trí khá khiêm tốn trên bản đồ âm nhạc thế giới.

Lâu nay, âm nhạc hàn lâm vẫn luôn được xem là thứ làm nên diện mạo, “hộ chiếu âm nhạc” của mỗi quốc gia. Đáng tiếc, xét trên mặt bằng âm nhạc Việt Nam nói chung, âm nhạc hàn lâm đang ở thế lép vế hơn hẳn so với âm nhạc đại chúng. Có một thực tế là tại nước ta, đội ngũ những người sáng tác, biểu diễn khí nhạc chỉ chiếm số lượng rất nhỏ so với lực lượng hoạt động ở lĩnh vực thanh nhạc. Nếu những liveshow âm nhạc giải trí được tổ chức liên tục vẫn cháy vé thì những buổi hòa nhạc thính phòng thường chỉ có cơ hội diễn ra trong những dịp kỷ niệm đặc biệt.

Và trong khi những sân chơi đua tranh để tìm kiếm ngôi sao thanh nhạc nhiều như nấm mọc sau mưa thì những cuộc thi nghệ thuật dành cho khí nhạc vẫn luôn ít ỏi. Rõ ràng, âm nhạc hàn lâm Việt Nam chưa nhận được sự quan tâm đúng mức để có thể phát triển mạnh mẽ theo hướng chuyên nghiệp. Điều này lý giải tại sao “địa hạt” nghệ thuật này thường xuyên được nhắc đến với tình trạng “chảy máu chất xám”, khi có không ít tài năng âm nhạc trong nước buộc phải lựa chọn xứ người để phát triển sự nghiệp.

Dẫu đáng buồn, nhưng khó trách bởi không thể phủ nhận, Việt Nam còn thiếu “đất diễn”, thiếu môi trường để họ bảo đảm đời sống, yên tâm cống hiến, nhất là khi thù lao biểu diễn và thu nhập của họ còn quá thấp so với những người theo đuổi âm nhạc thị trường.

Để tình trạng nêu trên không còn kéo dài, đã đến lúc cần thực hiện một chiến lược đầu tư đồng bộ và có chiều sâu, từ khâu đào tạo nghệ sĩ, đào tạo công chúng, đến sáng tác, tổ chức dàn dựng, biểu diễn âm nhạc hàn lâm.

Nhìn sang các nước có nền âm nhạc phát triển, có thể thấy, vấn đề đào tạo âm nhạc luôn được quan tâm như một chiến lược phát triển toàn diện con người. Các dàn nhạc giao hưởng được thành lập ở khắp các trường học, câu lạc bộ để các bạn trẻ ngay khi ngồi trên ghế nhà trường đã được hun đúc, nuôi dưỡng tình yêu và sự hiểu biết với âm nhạc hàn lâm. Ngoài cơ hội sinh hoạt nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc thường xuyên, các dàn nhạc còn có điều kiện cọ xát, giao lưu thông qua các cuộc thi tài trong nước và quốc tế… Đây là cách làm Việt Nam hoàn toàn có thể học tập, áp dụng.

Theo các chuyên gia, điều quan trọng là cần tạo được môi trường để dòng nhạc này có cơ hội phát triển. Bên cạnh việc khuyến khích thành lập các dàn nhạc giao hưởng trẻ dưới sự dẫn dắt của những nghệ sĩ có chuyên môn, cần tạo nhiều sân chơi bổ ích dành riêng cho âm nhạc hàn lâm để vừa tạo phong trào giúp định hình tình yêu âm nhạc hàn lâm nơi giới trẻ, vừa định hướng thẩm mỹ thưởng thức nghệ thuật.

Ngoài ra, cần có chính sách và chế độ đãi ngộ phù hợp để trọng dụng, giữ chân các tài năng âm nhạc. Đồng thời, có chiến lược truyền thông để tăng độ phủ sóng của các chương trình biểu diễn âm nhạc hàn lâm, từng bước hình thành và tạo thói quen thưởng thức nơi công chúng. Để làm được điều này cần sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng, các đơn vị đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, những tài năng âm nhạc và cả những nhà hảo tâm tâm huyết với sự nghiệp phát triển âm nhạc nước nhà.

Đáng mừng là số lượng biểu diễn các buổi hòa nhạc cổ điển đã tăng lên trong thời gian gần đây, trong đó có nhiều chương trình âm nhạc hàn lâm đã tiếp cận cộng đồng ở các buổi biểu diễn công cộng ngoài trời, thu hút sự theo dõi, hưởng ứng của đông đảo khán giả. Nhiều buổi nhạc kịch được đầu tư bài bản liên tiếp cháy vé; không ít tài năng âm nhạc sau khi du học ở nước ngoài đã về nước cống hiến với tinh thần “dấn thân”…

Những điều này đang mang đến nhiều hy vọng cho âm nhạc hàn lâm nước nhà. Tìm vị trí xứng đáng cho dòng nhạc này cũng chính là cách để âm nhạc Việt Nam có thể vươn cao, vươn xa, hòa mình và khẳng định vị thế trong dòng chảy âm nhạc thế giới.