Diễn đàn chủ nhật

Khai thác, sử dụng tác phẩm âm nhạc đặc biệt

Sau vụ việc một đơn vị phát sóng trực tiếp trên nền tảng số trận đấu có đội tuyển Việt Nam thi đấu tại AFF Cup 2020, tắt nhạc Quốc ca trong phần cử hành nghi lễ vì lo ngại bị "đánh bản quyền" âm nhạc, dư luận tiếp tục đặt ra nhiều điều bất cập trong khai thác, sử dụng những tác phẩm âm nhạc đặc biệt khác của đất nước.

Phần cử hành quốc ca trong trận bóng đá Việt Nam-Lào tối 6/12/2021 bị tắt tiếng
Phần cử hành quốc ca trong trận bóng đá Việt Nam-Lào tối 6/12/2021 bị tắt tiếng

Mặc dù từ lâu nay chúng ta có những quy định và hướng dẫn cụ thể về sử dụng Quốc ca, nhưng thực tiễn vừa qua cũng phần nào cho thấy, những quy định, hướng dẫn nêu trên chưa theo kịp và mang tính bao quát trước sự phát triển của đời sống và khoa học công nghệ, nhất là khi vấn đề bản quyền âm nhạc nói chung và bản quyền âm nhạc trên môi trường số nói riêng đang ngày càng đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ.

Cùng với bản "Tiến quân ca" đã trở thành Quốc ca Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng, chúng ta còn có nhiều tác phẩm âm nhạc đặc biệt khác như bản "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (thường được gọi là "Lãnh tụ ca") hoặc các bản được lựa chọn thành bài hát của các tổ chức đoàn thể như Ðoàn ca, Ðội ca... Ðây đều là những tác phẩm chính ca mang ý nghĩa thiêng liêng được sử dụng trong nhiều nghi thức, buổi lễ của đất nước và các bộ, ngành, tổ chức. Tuy nhiên, hiện đang có nhiều bản ghi các tác phẩm âm nhạc này trên môi trường trực tuyến và thuộc đăng ký sở hữu của các đơn vị khác nhau. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, để bảo đảm quyền được sử dụng và hưởng thụ một cách chính đáng của nhân dân, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên xem xét để đầu tư sản xuất những bản ghi chuẩn chỉnh và công bố tới toàn thể nhân dân, các tổ chức trong nước, quốc tế, tạo ra sự thống nhất khi sử dụng trong các nghi lễ, sự kiện, từ đó tránh được những lo ngại về bản quyền cũng như bảo đảm gìn giữ, phát huy được giá trị, sức sống của những tác phẩm âm nhạc có ý nghĩa lớn với đất nước.

Thực tế nêu trên cũng đặt ra vấn đề cần sớm có những quy định pháp lý, nhất là về khía cạnh bản quyền đối với Quốc ca Việt Nam cũng như những tác phẩm chính ca đặc biệt. Lấy thí dụ cụ thể, bài "Tiến quân ca" đã được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam, vậy các cá nhân, tổ chức nước ngoài có được quyền khai thác, sử dụng và đăng ký bản quyền bản ghi không? Ðây cũng là điều chưa được luật hóa và quy định rõ ràng.

Theo các chuyên gia, dù là tác phẩm được hiến tặng, có nghĩa là các cá nhân, tổ chức khi sử dụng ca khúc không phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán tác quyền âm nhạc cho tác giả hay đại diện quyền tác giả, nhưng không có nghĩa là được tùy ý khai thác và khai thác thế nào cũng được.

Ðể không tái diễn những sự cố tương tự như đã nêu, nhất là trường hợp bị đánh bản quyền ngược trở lại đối với chính tác phẩm âm nhạc của quốc gia mình, các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng và nhanh chóng đưa ra những quy định đặc thù, riêng biệt cho việc quản lý, khai thác và sử dụng từng tác phẩm chính ca đặc biệt. Những quy định cần làm rõ các vấn đề: cá nhân, đơn vị nào có quyền khai thác ca khúc; trường hợp nào không cần và trường hợp nào cần xin phép mới được khai thác, sử dụng; tổ chức, đơn vị nào chịu trách nhiệm cấp phép; có được khai thác để phục vụ mục tiêu kinh doanh hay không…

Bên cạnh đó, thực tế thời gian qua cũng từng xuất hiện những bản phối các tác phẩm chính ca đặc biệt của đất nước và được giới chuyên môn nhận định là "phá nhạc", làm sai tinh thần bài hát.

Ðối với những tác phẩm chính ca đại diện cho tinh thần, ý chí của một đất nước hay các đoàn thể xã hội, chỉ cần thay đổi một nốt hay điều chỉnh về tiết tấu, tốc độ, hoặc tùy tiện trình diễn theo phong cách khác nhau cũng có thể làm giảm giá trị, làm sai tinh thần của tác phẩm. Vì thế, muốn bảo đảm tính trang nghiêm, sự thiêng liêng của những tác phẩm âm nhạc mang ý nghĩa quan trọng, bên cạnh việc sản xuất, công bố bản ghi chuẩn, cần phải có cả những quy định về mặt chuyên môn đối với việc khai thác ca khúc, đi kèm là những chế tài xử lý nếu vi phạm. Chỉ khi những quy định này được luật hóa mới có thể bảo đảm không tái diễn những câu chuyện vừa nực cười, vừa đáng buồn xoay quanh bản quyền hay chất lượng nghệ thuật của những tác phẩm âm nhạc đặc biệt… 

TRANG ANH