Kéo bạn đọc đến với sách

NDO -

Là một trong những đơn vị làm sách chuyên nghiệp, với mong muốn kéo nhiều người dân gần sách, yêu sách, xây dựng văn hóa đọc, Công ty CP Văn hóa - Giáo dục Tân Việt (Nhà sách Tân Việt), nỗ lực xây dựng hệ thống nhà sách hiện đại. Nhân Ngày hội sách Việt Nam 21-4, chúng tôi có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Kim Thoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty quanh câu chuyện giàu tính nhân văn này.

Bà Nguyễn Kim Thoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty CP Văn hóa- Giáo dục Tân Việt.
Bà Nguyễn Kim Thoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty CP Văn hóa- Giáo dục Tân Việt.

PV: Nhiều năm qua, chúng ta bàn rất nhiều đến văn hóa đọc. Một thống kê gần đây chỉ ra, người Việt Nam rất ít đọc. Bình quân mỗi năm một người chỉ gần hai cuốn sách. Ý kiến của bà về vấn đề này là gì?

Bà Kim Thoa: Chúng tôi nhìn thấy vấn đề đó và chúng tôi mong muốn cộng đồng cùng nhập cuộc, chung tay xây dựng văn hóa đọc để dần dần ngày càng nhiều người yêu và đọc sách hơn. Bằng việc mở hệ thống các nhà sách ở nhiều tỉnh, thành, chúng tôi đã và đang nhập cuộc rất mạnh mẽ.

PV: Mới đây, doanh nghiệp của bà khai trương tổ hợp nhà sách cà-phê và khu vui chơi giáo dục tại Vincom Bắc Từ Liêm (Hà Nội), đang thu hút nhiều độc giả, được đánh giá cao. Niềm tin nào đã khiến công ty có nhiều ý tưởng để xây dựng hệ thống nhà sách, đặc biệt là cơ sở rộng tới 1.600m2 này?

Bà Kim Thoa: Đây là mô hình đầu tiên tại Việt Nam do chính Nhà sách Tân Việt khởi xướng thực hiện. Với mong muốn mang lại cho bạn đọc Hà Nội không gian sách hiện đại và giàu tính thẩm mỹ, sau nhiều năm học hỏi thực tế trong và ngoài nước, Nhà sách Tân Việt đã khai trương tổ hợp cửa hàngnhà sách cà-phê và khu vui chơi giáo dục tại Vincom Bắc Từ Liêm. So với các nhà sách trước, ý tưởng thiết kế của chúng tôi lần này có nhiều đổi mới, theo phong cách châu Âu hiện đại và sang trọng, là không gian của trí tuệ. Mỗi chủ đề thiết kế tại đây đều mang những giá trị và ý nghĩa riêng, nhằm tôn vinh giá trị của sách như con mắt, tầng địa chất, cây cầu hay trái đất.

Với biểu tượng con mắt, Nhà sách Tân Việt muốn gửi gắm thông điệp: Hãy yêu sách, hãy đọc sách, bởi sách giúp chúng ta mở mang tầm mắt, nhìn ra thế giới. Biểu tượng cây cầu thể hiện sách là cầu nối tri thức giữa quá khứ và hiện tại, kết nối những tinh hoa trí tuệ. Kiến thức là vô tận. Chúng ta cần phải bồi đắp, tích lũy từng ngày, từng giờ, như những tầng địa chất kỳ vĩ được thiên nhiên bồi đắp qua nhiều năm tháng. Còn hình ảnh quả địa cầu giữa nhà sách biểu trưng cho một thế giới phẳng, nơi con người xích lại gần nhau hơn bao giờ hết.

PV: Nhưng việc đầu tư không gian rộng, sang trọng, bà có lo ngại rằng với điều kiện như hiện nay rất khó thu hồi vốn?

Bà Kim Thoa:  Thực sự một số đơn vị làm sách đã đến đây tìm hiểu và không dám đầu tư. Nhưng chúng tôi đã dám làm và tôi nghĩ cần phải tạo ra một hệ sinh thái ở nơi này. Hệ sinh thái này thật sự có yếu tố khích lệ, tạo tình yêu với sách một cách tự nhiên, là cách thu hút, mời người ta đến với sách. Tôi nghĩ, sách là hàng hóa đặc biệt nên cũng cần phải có không gian đặc biệt để tiếp nhận. Nhìn vào những không gian sách mà Nhà sách Tân Việt tạo ra có thể thấy rõ điều này. Ngoài mục đích kinh doanh ngành hàng sách thì đan lồng là ý nghĩa nâng niu, trân trọng sách. Như đã chia sẻ, chúng tôi lấy cái nọ bù cái kia. Bởi người dân được trải nghiệm nhiều dịch vụ như cà-phê, mua sắm văn phòng phẩm… Tôi cũng xin chia sẻ thêm, ở nước ngoài, người ta đã xuất bản những ấn phẩm nói về phương pháp đọc sách hiệu quả cho cả trẻ em và người lớn từ năm 1921. Và ở những trung tâm thương mại, công cộng đều có thư viện, rất đẹp và người dân dễ tiếp cận để đọc. Đó là điều chúng ta cần học tập.

PV: Bà kỳ vọng gì khi đầu tư lớn cho sách, giống như người đi gieo chữ bền bỉ?

Bà Kim Thoa: Tôi mong mong các cơ sở của chúng tôi là địa điểm thư giãn, gắn kết gia đình. Chúng tôi muốn đồng thời biến mình thành một bảo tàng sách, chứ không nhất thiết chạy theo thị hiếu. Đến với những không gian như này, tôi thấy nhiều em mê mẩn với trò chơi bổ ích, phụ huynh ngồi đọc sách, lựa chọn văn phòng phẩm, đồ lưu niệm hoặc thưởng thức cà-phê.

PV: Thực tế chúng ta thấy rất nhiều người đã tự học, tự đọc mà thành tài bởi đọc cũng là một cách học bổ ích. Phải chăng, khi đến với sách chúng ta còn được tiếp cận những giá trị mà có thể đổi thay con người, tạo một sự phát triển vượt bậc?

Bà Kim Thoa: Khi gần sách, ta không chỉ được bồi bổ trí tuệ, mà còn tìm thấy những cơ hội đổi thay mình, như nhiều nhân vật kiệt xuất, người tật nguyền đã từng tìm thấy ở trong đó chìa khóa bước vào đời và chinh phục những đỉnh cao.

Ngoài thực tế đã chứng minh, nhiều chính trị gia nổi tiếng, doanh nhân, diễn giả trên thế giới đã thành công tuyệt vời từ việc chăm chỉ đọc sách và tìm thấy chiếc chìa khóa mở cánh cửa vào đời. Có khi chỉ một câu chuyện của một nhân vật nào đó, tạo cho một người đang chán nản, mất hy vọng cảm hứng muốn đứng lên thay đổi bản thân, muốn làm cuộc sống tốt hơn. Nói chẳng đâu xa, ở Việt Nam nhà văn Nguyễn Bích Lan quê ở Thái Bình, viết cuốn tự truyện “Không gục ngã”, kể về kỳ tích tự học của cô gái mang trên mình chục căn bệnh nan y, ở vào thời cách đây 30 năm về trước, khi phương tiện học tập vô cùng thiếu thốn. Bích Lan chỉ học hết lớp 8, bị bệnh xương thủy tinh, tưởng cánh cửa học tập đã đóng lại. Nhưng Bích Lan tàn nhưng không phế, chị tự học, tự đọc, trở thành cô giáo dạy Anh văn ở làng, ở huyện, rồi trở thành dịch giả, nhà văn. Bích Lan nói rằng, chị cảm ơn những cuốn sách, sách là thầy của chị mà không có sách chị không thể chiến thắng hoàn cảnh. Và thật khó có thể tưởng tượng được khả năng tự học đã dẫn chị tới kết quả là 35 đầu sách dịch từ tiếng Anh, trong đó rất nhiều cuốn nổi đình đám.

Tôi đọc và tôi gặp rất nhiều câu chuyện cảm động xuất phát từ trang sách. Trang sách nhỏ bé, mỏng manh nhưng có sức mạnh to lớn.

PV: Vậy thưa bà, để xây dựng văn hóa đọc thì việc tạo cho trẻ em thói quen đọc sách từ nhỏ cũng là một trong những phương pháp tốt?

Bà Kim Thoa: Đương nhiên rồi. Từ phía phụ huynh, nếu có ý thức gieo cho con cái thói quen đọc sách thì chúng sẽ quan tâm, nếu không thì các con cũng chỉ quan tâm đến sách giáo khoa thôi. Việc định hướng, dẫn dắt từ bé vô cùng quan trọng. Ngay như tôi có hai con, con lớn tự thích sách từ nhỏ. Còn đứa thứ hai rất năng động nhưng không yêu sách. Tôi đã phải khích lệ, dẫn dắt, dí sách vào tay con. Có cuốn nào hợp thì mang về, tôi đọc qua và tôi giới thiệu, dần dần đứa con thứ hai đã ngấm và mê sách. Rõ ràng, thói quen đọc sách có thể dẫn dắt được. Đồng thời có thể tạo dựng được văn hóa đọc nếu có quyết tâm.

 PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!