Đi tìm vẻ đẹp Vang bóng một thời qua sân khấu kịch

Nối tiếp “Tấm Cám”, “Thị Nở-Chí Phèo”, “Dế Mèn”- những vở diễn thành công từ khai thác mạch nguồn văn học,  văn hóa  dân gian Việt Nam, mới đây, Sân khấu kịch Lệ Ngọc lại vừa cho ra mắt vở “Vang bóng một thời” để thêm lần nữa tôn vinh vẻ đẹp văn học Việt. Vở diễn không chỉ thể hiện hành trình đi tìm những nét đẹp vàng son quá vãng mà còn chuyển tải thông điệp đầy thời sự và nhân văn về sự cần thiết phải gìn giữ “thiên lương” nơi mỗi con người.

Cảnh trong vở diễn Vang bóng một thời.
Cảnh trong vở diễn Vang bóng một thời.

Vở kịch “Vang bóng một thời” được đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Như Lai dàn dựng dựa trên kịch bản của nhà văn Nguyễn Hiếu, cảm tác từ tập truyện ngắn cùng tên nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Tuân. Trong đó, những tình tiết kịch được sắp xếp chặt chẽ, khéo léo thông qua việc lựa chọn, lồng gắn hợp lý, nhuần nhuyễn các chi tiết lấy chủ yếu từ ba truyện “Chữ người tử tù”, “Chém treo ngành”, “Những chiếc ấm đất”. Theo dõi vở diễn, người xem khó có thể nhận ra những khớp nối bởi sự gắn kết hoàn chỉnh của kịch bản xoay quanh hai nhân vật chính Huấn Cao và Quản ngục-những người có lý tưởng, mục tiêu sống khác nhau nhưng lại được cái đẹp, cái thiện kết nối để trở thành tri âm tri kỷ nơi ngục tối.

Quản ngục (nghệ sĩ Văn Hải thủ vai) vốn là tên cai ngục độc ác nhưng lại yêu thích cái đẹp như trà đạo, thư pháp. Trong khi đó, Huấn Cao (nghệ sĩ Anh Tuấn thủ vai) nổi tiếng với tài viết chữ nhanh và đẹp, vì chống lại triều đình mà trở thành tử tù. Vì muốn có chữ của Huấn Cao, Quản ngục đã lệnh cho Viên thư lại (nghệ sĩ Lâm Cương) phải tìm mọi cách, kể cả tra tấn để Huấn Cao viết chữ bằng được. Song dẫu chịu bao đòn roi đau đớn, người tử tù vẫn một mực kiên định không cho chữ bởi ông quan niệm chữ chỉ dành cho người xứng đáng có thiên lương cao quý.

Dù cận kề cái chết, ông cũng không một lần hối hận về con đường mình đã chọn bởi dù sao chết vinh còn hơn sống nhục. Ðối mặt với Huấn Cao và những tình huống trớ trêu mà vợ (Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Ngọc), con trai, con gái và cha vợ phải đối mặt khi mang thân phận là người thân của kẻ cai ngục độc ác, Quản ngục dần được cảm hóa và quyết tâm thay đổi nhân tâm. Cuộc gặp gỡ trong ngục tối trước khi Huấn Cao bị chém đầu là giây phút Quản ngục và người tử tù cùng gặp nhau ở nhận thức về cái đẹp, thiên lương để làm nên “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”-cho chữ trong nhà giam.

Cũng chính sự thăng hoa của cái đẹp và thiên lương đã khiến đao phủ Bát Lê (nghệ sĩ Quang Tú) vốn nổi danh với thuật chém đầu người vô cùng sắc, ngọt đã không thể xuống tay với Huấn Cao mà chọn lựa kề đao vào cổ mình. Cái kết đầy bi hùng ấy đã để lại nhiều xúc cảm vỡ òa nơi người xem khi cái đẹp chiến thắng cái xấu xa, thiên lương chiến thắng tội ác.

Ðưa một tác phẩm văn học nổi tiếng lên sân khấu kịch là cả thách thức đối với ê-kíp sáng tạo. Ðạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Như Lai chia sẻ: Trước cái bóng quá lớn của nhà văn Nguyễn Tuân-người cả đời khao khát kiếm tìm cái đẹp, anh phải đối diện không ít áp lực khi cố gắng chuyển tải hồn cốt tác phẩm bằng ngôn ngữ kịch. Các nhân vật trong truyện Nguyễn Tuân không có ai hoàn toàn xấu, nhân vật nào cũng chất chứa nhiều tâm sự, suy tư. Dựng vở thế nào để toát lên khí chất, sự đan cài trong tính cách, nội tâm nhân vật là điều không đơn giản, trong khi vẫn phải chuyển tải vẻ đẹp ngôn từ của văn chương Nguyễn Tuân...

Ðể tìm lời giải cho những vấn đề hóc búa này, đội ngũ sáng tạo đã trải qua cả quá trình làm việc công phu để xâu chuỗi, dồn sức khai thác nghệ thuật diễn của diễn viên, tập trung xây dựng những màn đối thoại giữa các nhân vật, cố gắng giữ lại những từ ngữ, câu nói “đinh” của nhà văn Nguyễn Tuân để tôn vinh giá trị, sức sống của tác phẩm văn học. Lấy kỹ năng diễn xuất của diễn viên làm trung tâm cho nên thiết kế sân khấu được thể hiện giản đơn với màu sắc ước lệ rõ nét. Không gian kịch được kết nối bởi những bức tranh thư pháp treo trang trọng như một cách khắc họa sâu hơn thông điệp tôn vinh cái đẹp từ tác phẩm.

Phải khẳng định, đảm nhận những vai diễn trong “Vang bóng một thời” không dễ. Tuy nhiên, các nghệ sĩ của Sân khấu Lệ Ngọc đã cho thấy sự nỗ lực lớn trong thể hiện nhân vật. Bên cạnh các nghệ sĩ gạo cội như Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Ngọc, nghệ sĩ Văn Hải, cần đặc biệt ghi nhận cố gắng của các nghệ sĩ trẻ như Anh Tuấn, Quang Tú, Lâm Cương... khi lột tả khí chất của người xưa, nhất là với vai Huấn Cao-người vừa có nét thư sinh, nho nhã của kẻ sĩ, vừa có vẻ ngang tàng, ngạo nghễ của bậc trượng phu. Trong buổi đầu vở kịch ra mắt công chúng, đó đây vẫn nhận ra những đoạn người diễn nhả chữ chưa rõ, thiếu nhấn nhá khi thể hiện lời thoại, song đây là những lỗi hoàn toàn có thể rút kinh nghiệm.

Với “Vang bóng một thời”-vở kịch mới nhất vừa được thai nghén trong giai đoạn dịch Covid-19 căng thẳng, Sân khấu kịch Lệ Ngọc đã tiếp tục chứng minh được sự năng động của một sân khấu xã hội hóa hàng đầu khu vực phía bắc; đồng thời khẳng định sự kiên trì với sứ mệnh lan tỏa, quảng bá những giá trị văn hóa Việt Nam thông qua ngôn ngữ kịch.