Chú trọng công tác quản lý trong lĩnh vực nghệ thuật

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực nghệ thuật đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần bảo đảm môi trường tự do, dân chủ trong hoạt động sáng tạo. Tuy nhiên trước bối cảnh mới, công tác này đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần phải có sự điều chỉnh kịp thời, góp phần tạo đà cho nghệ thuật nước nhà không ngừng phát triển. 

Một tiết mục tại chương trình nghệ thuật “Tự hào thành phố mang tên Bác”. (Ảnh THU HƯƠNG)
Một tiết mục tại chương trình nghệ thuật “Tự hào thành phố mang tên Bác”. (Ảnh THU HƯƠNG)

Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, cùng với các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật có nhiều khởi sắc. Số lượng tác giả, tác phẩm không ngừng gia tăng về số lượng lẫn chất lượng, đem đến cho công chúng những “món ăn tinh thần” bổ ích. Có được thành công ấy, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ văn nghệ sĩ còn có vai trò quan trọng của những người làm công tác lãnh đạo, quản lý nghệ thuật.

Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực nghệ thuật thời gian qua có nhiều đổi mới về tư duy; đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách pháp luật về văn hóa, văn nghệ, tạo hành lang pháp lý và môi trường tự do, dân chủ, lành mạnh để người nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, phát triển tài năng; bảo đảm tốt quyền, lợi ích hợp pháp của người nghệ sĩ trong sáng tác, quảng bá tác phẩm nghệ thuật ở trong nước và nước ngoài, góp phần lan tỏa vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Chú trọng công tác quản lý trong lĩnh vực nghệ thuật -0
Một cảnh trong vở nhạc kịch “Người cầm lái” do biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh viết kịch bản và làm tổng đạo diễn. (Ảnh Quang Vinh) 

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác quản lý nhà nước về nghệ thuật cũng đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Quản lý nhà nước về nghệ thuật về cơ bản cũng giống như quản lý các lĩnh vực, hoạt động khác của đời sống xã hội. Tuy nhiên lĩnh vực nghệ thuật còn gắn liền với quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ, với những ý tưởng cá nhân có thiên hướng vượt trước, mở đường, thậm chí đôi khi nguy cơ vượt ra khỏi đường biên, khuôn khổ và những giới hạn văn hóa, xã hội thông thường. Con đường và phương thức sáng tạo của người nghệ sĩ đa dạng, muôn hình, muôn vẻ, gắn liền với cá tính sáng tạo và cái tôi cá nhân. 

Điều đó khiến cho việc nắm bắt tư tưởng, tình cảm, đời sống của nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn. Nếu không có trình độ chuyên môn vững vàng, không ứng xử linh hoạt trước vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong đời sống nghệ thuật thì đôi khi những quyết định mang tính hành chính của cơ quan quản lý lại nguy cơ trở thành lực cản phát triển, thậm chí tạo cơ hội cho những kẻ xấu lợi dụng để xuyên tạc, công kích công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành, gây nhiễu loạn đời sống nghệ thuật.

Cùng với mô hình sáng tác, phổ biến tác phẩm nghệ thuật theo cách truyền thống với những tương tác, trao đổi trực tiếp giữa người nghệ sĩ, cơ quan quản lý và công chúng thì hiện nay với sự ra đời và phát triển của internet, mạng xã hội đã mở ra những không gian sáng tạo, trình diễn, thưởng thức nghệ thuật mới, nhiều thuận lợi. Nhưng cũng chính trên không gian ảo, xuất hiện nhiều hiện tượng phức tạp với những giá trị thật-giả lẫn lộn, đan xen. 

Bên cạnh những tác phẩm nghệ thuật hay, ý nghĩa là những xuất bản phẩm có nội dung xấu độc, gây chia rẽ, thù hằn, gợi âm hưởng bi quan, tiêu cực trong xã hội. Thậm chí là sự chống phá có chủ đích của các thế lực thù địch ở trong nước và nước ngoài qua việc mượn danh nghệ thuật và danh xưng nghệ sĩ để thực hiện những mưu đồ chính trị. 

Những vấn đề phức tạp đó đang đặt ra nhiều yêu cầu lớn đối với năng lực, trách nhiệm của nhà quản lý nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là một trong những “điểm nghẽn” khiến cho văn hóa nói chung và nghệ thuật nói riêng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021) đã chỉ rõ một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là: “trong công tác lãnh đạo, quản lý, chúng ta chưa nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc và toàn diện về đường lối văn hóa của Đảng, nhất là trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Phương thức lãnh đạo và quản lý văn hóa chậm được đổi mới, chưa thích ứng kịp thời với sự vận động và phát triển văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối văn hóa của Đảng còn thiếu đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả. Công tác tổ chức và công tác cán bộ trên lĩnh vực văn hóa còn nhiều bất cập”. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra sáu nhiệm vụ và bốn giải pháp trọng tâm để xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc. Liên quan đến công tác quản lý văn hóa, Tổng Bí thư chỉ rõ: “tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước nhằm bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong xây dựng, phát triển văn hóa từ trung ương đến cơ sở”.

Từ những chỉ đạo có tính chất định hướng hết sức quan trọng này, để tiếp tục khơi thông mạch nguồn văn hóa, nghệ thuật cũng như khắc phục những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý nghệ thuật thời gian qua, trong hiện tại và tương lai, những người làm quản lý nghệ thuật cần chú trọng các vấn đề sau: Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nghệ thuật bằng việc đổi mới tư duy lý luận qua nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quản lý nghệ thuật của các nước tiên tiến và từ quá trình tổng kết thực tiễn trong nước. 

Kịp thời điều chỉnh, bổ sung những điều khoản quy định trong lĩnh vực nghệ thuật để phù hợp với yêu cầu của thực tế. Nghiên cứu, ban hành những bộ luật mới cho các lĩnh vực nghệ thuật đặc thù, tạo cơ chế, hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, bảo đảm quyền tự do sáng tạo và môi trường thật sự dân chủ, khoa học, lành mạnh, kích thích nguồn cảm hứng sáng tạo và tinh thần cống hiến của đội ngũ văn nghệ sĩ.

Chú trọng công tác kiện toàn bộ máy, cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị chuyên trách quản lý nghệ thuật từ trung ương đến địa phương trên cơ sở phân cấp, phân quyền gắn liền với tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo. Việc bổ sung nguồn nhân lực, bố trí cán bộ quản lý nghệ thuật phải lựa chọn được những người am hiểu sâu sắc đối tượng, lĩnh vực quản lý; có kinh nghiệm, uy tín về chuyên môn; có tầm nhìn, khả năng bao quát mọi hiện tượng, diễn biến của đời sống nghệ thuật. Gắn bó mật thiết với đội ngũ văn nghệ sĩ để vừa cổ vũ, động viên; nắm bắt tư tưởng, tình cảm, nguyện vọng của họ; đồng thời cảnh báo những biểu hiện dao động, những hành vi vi phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức cộng đồng. 

Để thực thi tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về nghệ thuật, mỗi cán bộ quản lý phải ý thức sâu sắc về chức trách, sứ mệnh của cá nhân, tôn trọng nghệ thuật và nghệ sĩ. Trong công tác thẩm bình, đánh giá tác phẩm nghệ thuật phải trên tinh thần khách quan, dân chủ, công bằng, biện chứng, toàn diện. Tôn trọng sự tranh luận, mở rộng đối thoại để lắng nghe, tham vấn từ nhiều phía. Tránh cái nhìn thiên kiến, cảm tính cá nhân, áp đặt, quy chụp, một chiều.

Phát huy vai trò của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành các cấp, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong đánh giá, thẩm bình tác phẩm nghệ thuật cũng như trong công tác quản lý, tổ chức và nắm bắt tư tưởng, tình cảm, khuynh hướng sáng tác của hội viên. 

Trước các hiện tượng nghệ thuật mới, phức tạp nảy sinh, có những ý kiến tranh luận trái chiều, cán bộ tham mưu, phụ trách và cơ quan quản lý vừa hết sức cẩn trọng, cân nhắc vừa phải nhanh nhạy, kịp thời tham vấn ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học để đưa ra biện pháp xử lý, không để xảy ra tình trạng “khủng hoảng truyền thông”, định hướng tốt dư luận. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan, bộ, ngành liên quan trong việc ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, tự do sáng tạo, núp bóng nghệ thuật và nghệ sĩ để chống phá Đảng, Nhà nước, làm ô nhiễm môi trường văn hóa, đầu độc tâm hồn con người.

Để đáp ứng tốt những yêu cầu về quản lý nghệ thuật trên không gian mạng, người làm quản lý cần không ngừng đổi mới tư duy, năng lực, tầm nhìn để thích ứng linh hoạt. Nghiên cứu, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách pháp luật dành riêng cho lĩnh vực quản lý nghệ thuật trên không gian mạng, trước mắt cần thực thi có hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, năm 2021), Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, năm 2021). Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý nghệ thuật trên không gian mạng.

Phát huy vai trò của nhân dân, cộng đồng xã hội tham gia tích cực vào công tác quản lý nghệ thuật. Người dân vừa là công chúng thẩm mỹ, đối tượng thụ hưởng thành quả nghệ thuật, nhưng những ý kiến góp ý, thẩm bình, khen chê của người dân cũng là những chất xúc tác quan trọng, tạo động lực để kích thích nghệ thuật phát triển. Trong điều kiện hiện nay, trình độ dân trí không ngừng được nâng cao, người dân dễ dàng nhận ra những tác phẩm kém giá trị, những hiện tượng phản cảm, những chiêu trò trong nghệ thuật để tẩy chay, lên án. 

Vì thế người làm công tác quản lý cần phải dựa vào dân, lắng nghe tiếng nói của nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân để quản lý tốt đời sống nghệ thuật trong bối cảnh nguồn nhân lực cán bộ nghệ thuật còn có những hạn chế, bất cập.

Quản lý nghệ thuật không chỉ giúp nghệ thuật phát triển đúng hướng mà phải luôn tạo điều kiện mở rộng các không gian, chân trời sáng tạo để nghệ sĩ thăng hoa cảm xúc, viết lên những tác phẩm lớn, có ý nghĩa, góp phần xây dựng, hình thành những con người mới có lý tưởng, khát vọng cống hiến. Cần kiến tạo môi trường tự do, dân chủ, lành mạnh, gắn với tinh thần, trách nhiệm công dân của nghệ sĩ để nghệ thuật nước nhà không ngừng phát triển, là động lực thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước hiện nay.