Cần chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt

Dân gian có câu “kiếm củi ba năm, thiêu một giờ” với ý nghĩa những sai sót nhỏ có thể khiến thành quả gây dựng trong một thời gian dài bị tiêu tan. Giống như trong trận bóng đá, một sơ suất nhỏ của hàng phòng ngự có thể khiến toàn đội bóng phải làm lại từ đầu hoặc thậm chí thất bại. Việt Nam đã dập thành công ba đợt dịch Covid-19 trong năm vừa qua. Dư luận trong nước và quốc tế đều ca ngợi đây là kỳ tích. Thế nhưng những gì diễn ra trên thế giới và các nước láng giềng những ngày gần đây cho thấy, dịch Covid-19 dù đã bị khống chế nhưng có thể bùng phát trở lại bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào.

Du khách tới chùa Tam Chúc tăng đột biến trong ngày 14-3.
Du khách tới chùa Tam Chúc tăng đột biến trong ngày 14-3.

Sự chủ quan, lơ là hoặc thiếu năng lực dự báo, hành động của những người có trách nhiệm và không ít người dân tại các khu di tích, thắng cảnh, địa chỉ tâm linh thời gian vừa qua tiềm ẩn nguy cơ “thiêu một giờ” thành quả phòng, chống dịch.

Ðã một tuần trôi qua kể từ ngày chủ nhật “vỡ trận” (14-3) tại chùa Tam Chúc. Rất may là cho đến lúc này chưa có điều gì đáng tiếc xảy ra, nhưng không vì thế chúng ta được phép chủ quan mà phải nghiêm khắc nhìn lại mình để có biện pháp khắc phục khẩn cấp. Bởi vì trong thời gian tới, tình trạng này có thể lặp lại vào những dịp cuối tuần tại các địa điểm du xuân quen thuộc mang yếu tố tâm linh như Chùa Hương, Yên Tử, Tràng An, Bái Ðính…

Làm thế nào không cho dịch bùng phát trở lại mà vẫn thỏa mãn nhu cầu đi lễ đầu năm của người dân là câu hỏi đặt ra đối với chính quyền địa phương và ban quản lý (BQL) nhiều khu di tích, chùa chiền.

Thẳng thắn mà nói, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hỗn loạn vừa rồi là công tác dự báo quá yếu. Người ta đã không lường trước được số lượng du khách tăng lên đột ngột vào những ngày cuối tuần đầu tiên khi một số biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, một số khu di tích, tâm linh “mở cửa” đón khách trở lại. BQL di tích và chính quyền địa phương, điển hình là tại chùa Tam Chúc, bị đám đông khổng lồ đẩy vào thế bị động và hoàn toàn mất kiểm soát.

Ðể xảy ra tình trạng này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về BQL các di tích; nhưng trách nhiệm chính lại thuộc về chính quyền địa phương cũng như các đơn vị chức năng. Là cơ quan quản lý nhà nước, chịu trách nhiệm triển khai, đôn đốc, giám sát thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong mọi hoạt động tại địa phương (trong đó có tham quan, lễ hội), nhưng vụ việc vừa qua cho thấy chính quyền một số địa phương đã lơ là, “khoán trắng” cho BQL di tích. Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, nơi có nhiều di tích trọng điểm, hướng dẫn, yêu cầu thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch song song với việc đáp ứng nhu cầu đi hội của người dân. Dĩ nhiên, để bảo đảm thông điệp “5K” tại những nơi tập trung đông người như lễ hội là rất khó, vì vậy lẽ ra các cấp, các ngành ở địa phương cần phải chuẩn bị từ đầu nhiều phương án, hiệp đồng chặt chẽ với BQL di tích và khi cần phải vào cuộc quyết liệt xử lý. Thế nhưng, khi xảy ra diễn biến bất thường thì cả chính quyền và BQL đều không đưa ra được biện pháp tháo gỡ phù hợp.   

Trước tình hình đáng lo ngại đó, ngày 15-3-2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục ban hành Công văn số 810/BVHTTDL-VHCS “Tăng cường các biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện nếp sống văn minh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch” gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu “Ban quản lý di tích, Ban tổ chức xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án bảo đảm an ninh, an toàn phòng, chống dịch cho khách du lịch. Chỉ tổ chức đón khách khi bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch”. Công văn đặc biệt nhấn mạnh việc “xây dựng, thực hiện kế hoạch phối hợp liên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; phát hiện kịp thời hành vi vi phạm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19”.

Từ sự cố đáng tiếc ở chùa Tam Chúc và những hiện tượng tương tự ở một số khu di tích, danh thắng khác cho thấy, chính quyền các địa phương cần rút kinh nghiệm sâu sắc, khẩn trương rà soát, triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp trong tổ chức tham quan cho du khách, bịt gấp các “lỗ hổng” phòng, chống dịch. Ðầu tiên là dự báo chính xác lượng khách đến di tích, chủ động phân luồng giao thông trật tự, an toàn; chủ động hạn chế số lượng khách (nếu cần), bảo đảm thực hiện thông điệp “5K” và không để di tích rơi vào tình trạng quá tải. Thứ hai, kiên quyết dừng đón khách nếu thấy chưa bảo đảm các quy định phòng dịch; phải xác định sức khỏe và an toàn của cộng đồng là ưu tiên hàng đầu, đặt trên các lợi ích cục bộ khác. Thứ ba, bên cạnh tuyên truyền, nhắc nhở, cần có đủ cán bộ, tình nguyện viên hướng dẫn, giám sát du khách tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Họ phải là những người “3 trong 1”, đó là: hiểu biết về di tích, lễ hội; có kiến thức y tế; có bản lĩnh kiên quyết xử lý người vi phạm. Thứ tư, tùy địa bàn và đặc thù của khu di tích, lễ hội, các cơ quan, chính quyền địa phương phải phối hợp thật tốt với BQL di tích trong công tác điều hành, tổ chức; không gây khó cho người đi hội, làm ảnh hưởng đến không khí vui tươi phấn khởi đầu năm mới. Muốn làm những điều này, các cấp chính quyền và đơn vị chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn, với tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Nhà nước và nhân dân nếu để xảy ra sự cố đáng tiếc tại địa phương mình.